]]>

31 tháng 12, 2011

cuối năm


cuối năm ngồi ngó mưa bay
cuối năm ngồi nhớ một ngày đã quên

cuối năm lòng buồn vô hạn
không dưng mà nhớ thật nhiều
ngu ngơ trăm nghìn dấu đạn
cày lên hồn nhỏ liêu xiêu

cuối năm lòng buồn hiu hắt
gió về thổi nhớ mênh mang
bơ vơ trang đời xanh ngắt
rách bươm theo tháng năm tàn

cuối năm đi tìm cổ mộ
chỉ còn xác lá năm xưa
bâng khuâng nhớ lời giao ngộ
đâu đây thoảng chút âm thừa

cuối năm nghe hồn trống vắng
có mùa gió chướng bên song
có cây khô gầy phơi nắng
có mênh mông nhớ trong lòng.

trần thanh hương

30 tháng 12, 2011

cõi xưa


tháng chạp lại về anh biết không
mây năm xưa chắc vẫn xây thành
đường năm xưa chắc còn vương gió
có đợi ai về mỏi bước chân

đã cuối năm rồi anh nhớ không
tháng ngày mau hơn vó ngựa hồng
ngẩn ngơ đi kiếm ngày thơ dại
chỉ thấy mưa đầy trên bến sông

tháng chạp tới rồi anh hay chưa
tìm nhau chi gọi mấy cho vừa
người xa hun hút còn đâu đó
một tiếng ru hờ vọng cõi xưa

tháng chạp ai về vội bước chân
nghe sương đêm xuống rất âm thầm
anh ơi tay nhỏ chiều nay lạnh
mắt đỏ bên trời vẫn ngóng trông.


thơ & tranh: trần thanh hương

8 tháng 12, 2011

hoài vọng


đôi khi về lại bên song tím
mơ giấc mơ xanh bỗng thấy buồn
tráng sĩ đã đành buông tay kiếm
sao còn hoài vọng mãi đường gươm

đôi khi về lại bên sân vắng
hát khúc ca xưa bỗng ngậm ngùi
thương nữ biết gì vong quốc hận
mà lòng còn nặng giữa ngày vui

đôi khi đọc lại câu thơ cổ
nhớ buổi văn nhân lạc đệ thì
ơi bóng ơi hình muôn năm cũ
có về nghe lại tiếng Đường thi

đôi khi ngoảnh lại nhìn mây trắng
thương giấc mơ hoa đã úa vàng
ngư phủ ôm đàn đêm trăng sáng
lạnh lùng gõ nhạc khóc Tương giang

đôi khi trở lại tìm đâu đó
một chút mây xưa lạc cuối trời
hiên vắng không người che bớt gió
bùi ngùi thơ đọng sóng đời trôi.

trần thanh hương

5 tháng 12, 2011

lạc đường

người về nghiêng vai
mù sương lên đầy
nghe lòng quặn thắt
nhớ ngày chia tay
      lạc đường hỏi chị
      vườn cũ nơi đâu
      chị khẽ lắc đầu
      ngó vời nơi khác
lạc đường hỏi em
lối cũ êm đềm
sao giờ chẳng thấy
em vờ ngó mây
      lạc đường hỏi mẹ
      người cũ về đâu
      mẹ bỗng nghẹn ngào
      lệ trào khoé mắt
lạc đường tìm cha
ngẩn ngơ bên rào
sân đời quạnh vắng
cha về trời cao
      người tìm nơi xa
      lời kinh thật thà
      lạc đường đi mãi
      trong đời bao la.

trần thanh hương

4 tháng 12, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 4)

Sự hoài cảm trong thơ tth


Cậu bé Nguyễn Bính, sau này là nhà thơ, ở cạnh một nhà hàng xóm có hai chị em. Cô em tên là Nhi cùng trạc tuổi với Bính. Hai đứa trẻ hàng ngày chơi đùa với nhau. Bính thường sang nhà Nhi. Có lần, nhân ngày giỗ bên nhà Nhi, Bính và Nhi được cho uống chút rượu ai ngờ hai đứa bị say, ôm nhau ngủ tới sáng. Chị của Nhi bắt gặp chế mãi khiến:
“Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười”

Một ngày, gia đình cô hàng xóm dọn đi nơi khác, để lại trong lòng cậu bé Bính đa cảm những nuối tiếc khôn nguôi. Sau này khi đã trưởng thành, đã là một nhà thơ, Nguyễn Bính vẫn không quên cô bạn hàng xóm ngày xưa, và trong tưởng tượng, có lần Nguyễn Bính gặp lại cô bạn xưa trong cảnh huống
“Chị em mới lấy chồng năm trước
Nhà chị trồng cam ở mé sông
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông…”


Và tưởng tượng tiếp:
“Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng…”


Nhưng rồi nhà thơ tỉnh mộng “Chao ơi ! là mộng hay là thực?” ,tự hỏi : nếu một ngày nào gặp lại thì có còn hình ảnh của cô bé tên Nhi ngày trước? có còn tình cảm ngày xưa? và chàng chợt sợ hãi
“ Chiều nay tôi chắp tay tôi lại
Đừng gặp người xưa nữa lạy trời”


Trong thơ Thanh Hương người ta cũng bắt gặp nhiều nỗi niềm hoài niệm, nhớ thương, nhưng không nhẹ nhàng như thơ Nguyễn Bính, mặc dù đôi khi có những hoài cảm thơ mộng, gợi nhớ
Em đứng bên chùm hoa khế xưa
long lanh giọt nắng gió thu đùa
vàng rơi rất nhẹ trên tà áo
nghe động bên trời cơn gió thưa

Có nhớ không, “Người” đã đứng cùng em bên gốc khế này, trong một buổi sáng có nắng thu vàng rất nhẹ? hay
hình như có một mùi hương lạ
ghé lại bên thềm mưa đổ nghiêng

Nhưng nhìn chung thì những hoài niệm trong thơ T.H day dứt hơn. Nguyễn Bính thì vẫn còn mộng tưởng nhưng thơ T.H thì không, vì biết gửi mộng tưởng về đâu?
Xe đời đã bỏ đi xa
Sao ta còn lại mình ta thẩn thờ

Tuổi mộng đã qua đi, “Người” đã đi vào miền quên lãng, chỉ còn có mình em với những hoài vọng khôn nguôi
Một mình đứng ngẩn trong mưa
nghe như có chút hương thừa quẩn quanh.


Có những khi đi qua những con phố mà ngày nào “Người” cùng em sánh đôi, nhưng giữa hai dòng người xuôi ngược em vẫn thấy con đường sao vắng
Buổi chiều tôi về giữa phố đông
nhìn quanh sao bỗng xót xa lòng
tìm đâu thấy lại ngày thơ dại
giữa một sông đời chia nhớ mong


Những nỗi niềm trong cảnh buồn hiu quạnh của cuộc đời viễn xứ, mong sao, là một chút hương xưa em xin gửi về chốn quê nhà
em ở đó bên ngày buồn hiu quạnh
chờ hương xưa gom nhớ gởi mây ngàn


Khi đọc thơ, người đọc chỉ thấy thơ hay khi cảm nhận được cái tình mà người viết gửi gắm trong thơ. Ta hãy đọc vài câu thơ của nhà thơ Thanh Nam viết trong những ngày hiu hắt ở quê người:
Nửa khuya nghe động tiếng mưa buồn
Mái lạnh hiên người giọt giọt tuôn
Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng
Dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn

Ta cảm nhận được một sự hoài niệm kín đáo, trầm lắng. "Mộng cũ" là một cái gì đã qua, ở đây có thể là người bạn đời? một tình nhân? hay một hình ảnh dịu dàng nào đấy của thủa hoa niên? Nhưng dù là ai, người đọc vẫn nhận thấy giấc mộng đó của nhà thơ đẹp lắm, dù rất mong manh.

T.H cũng có những câu thơ với những hoài niệm đầy xúc động như trên, nhưng tha thiết hơn
Gọi tên người mãi còn mơ
Gọi tên người mãi còn ngơ ngẩn lòng
Tay nào níu giữ hư không
Tay nào đan ngón xuân hồng người ơi


Những câu thơ của Thanh Nam chỉ là một sự hồi tưởng “ Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng, dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn”. Nhà thơ tuy bâng khuâng về một mùi hương cũ, một nét dịu dàng xưa, nhưng không còn mộng tưởng, chấp nhận một hiện tại "đêm khuya nghe mưa lạnh hiên người".
Trong đoạn thơ của Thanh Hương không có cái “tĩnh” như vậy mà ta thấy một sự níu kéo dĩ vãng “Gọi tên người mãi còn mơ, gọi tên người mãi còn ngơ ngẩn lòng”, một sự luyến tiếc day dứt những ngày tuổi hồng đã mất “Tay nào đan ngón xuân hồng người ơi!”
Trong thơ của T.H có rất nhiều những hoài niệm ,luyến tiếc ,nhớ nhung như trên nhưng có lẽ, tới một thời điểm nào đấy, chúng ta sẽ ngộ ra rằng các kỷ niệm, dù rất đẹp, của một thời đã qua, những hình ảnh mà chúng ta từng yêu dấu, những tình cảm thánh thiện của một tuổi hoa niên,… tất cả đều là ảo ảnh, chợt đến chợt đi trong mỗi kiếp người. T.H có lẽ đã ngộ ra điều đó chăng khi viết
Ví dụ bây giờ mình gặp lại nhau
có chắc là vui như buổi ban đầu?

Đặt câu hỏi như vậy có nghĩa là một sự phủ nhận. Tới đây ta thấy có sự tương đồng với ý thơ của Nguyễn Bính
Chiều nay tôi chắp tay tôi lại
Đừng gặp người xưa nữa, lạy trời!

Tuy nhiên, hai câu thơ của nhà thơ thôn dã N.B để lại trong lòng người đọc một sự phân vân: có thật không nhà thơ không muốn gặp lại cô bạn hàng xóm ngày xưa?

Nguyễn Trần Trác
 

30 tháng 11, 2011

phủi bụi


đôi khi đời sống thật buồn
như con sông bỏ xa nguồn từ lâu
đôi khi nhìn chuyện bể dâu
thương cho người đã bạc mầu tóc xanh
đôi khi nhìn nắng xa xăm
ngẩn ngơ hỏi nhỏ nghìn năm còn gì
người về phủi bụi đường đi
tôi về phủi hết những gì quẩn quanh
người về phủi áo mong manh
tôi về phủi hết thơ xanh đã tàn
người về phủi hết bụi vàng
tôi về phủi hết lỡ làng đắng cay
bây giờ là trắng hai tay
bây giờ là hết những ngày ngóng trông
bắc thang hái đóa hoa nồng
ngẩn ngơ nhìn giọt máu hồng vết gai
người về nhắc chuyện tương lai
tôi về nhớ lại đời hai hướng rồi
nắng mưa là chuyện của trời
xa nhau là chuyện của đời thế gian
tôi về cuối nẻo xa xăm
nghe thiên thu réo trăm năm một người.

trần thanh hương

21 tháng 11, 2011

Chắc chi


chiều trông về cố xứ
mơ hoài tháng năm xưa
quê nhà xa lăng lắc
bơ vơ vạt nắng thừa

người chắc đã quên nhau
mưa chắc mù nẻo vắng
vậy mà đã xa xôi
lời yêu thành cay đắng

ngày chắc vẫn trôi nhanh
trời chắc nhiều mưa lũ
vậy mà cũng ăn năn
đâu có gì níu giữ

lá vẫn vàng vẫn xanh
mây vẫn trôi yên lành
chắc chi lòng thôi nhớ
dẫu biết tình mong manh

chiều trông về cố hương
nghe khúc hát đoạn trường
ngu ngơ đời phiêu bạt
ngậm ngùi tiếng yêu thương.

trần thanh hưong

12 tháng 11, 2011

vết đau


ai về dưới cội hoàng lan
thương con chim sáo bỏ đàn sang sông
ai về buốt lạnh mưa đông
thương thân chim sáo mênh mông lạc bầy
ai về nhìn lá trên cây
thương cho chim nhỏ đã đầy vết đau
ai về đếm giọt mưa mau
thương cho người đã mất nhau thật rồi
thử làm một cuộc rong chơi
đem thơ lên núi gọi mời mông lung
tìm tri âm cõi vô cùng
tìm người tri kỷ mịt mùng thế gian
ai về ngó cội hoàng lan
bâng khuâng nghe gió thu sang nhớ người
sầu tôi đong kín tiếng cười
trăm năm sau vẫn còn lời ngẩn ngơ
sầu tôi dẫm nát câu thơ
trăm năm sau vẫn còn mơ lối về
ngõ gầy phủ khói lê thê
sầu tôi đan kín cơn mê thật dài
nghẹn ngào hỏi lá trên cây
sầu tôi đong mấy cho đầy cõi xưa.


thơ & tranh: trần thanh hương

Cõi thiên thu - Anh Thương phổ nhạc

8 tháng 11, 2011

còn ai


thế là trời đã vào thu
còn ai ngồi ngắm sương mù nẻo xa
còn ai ngồi nhớ quê nhà
còn ai nhắc chuyện quan hà cố hương
yên ba giang thượng sầu vương
hương quan nhật mộ còn thương xứ mình
quê người trăm bước điêu linh
chiều lên nhìn khói tìm hình bóng ai
sử nhân sầu với đêm dài
cố nhân sầu với một vài nỗi đau
cầu trời cho gió mưa mau
cho sông quên núi cho cau quên trầu
cho ai đứng ở giang đầu
quên nơi giang vỹ quên mầu tháng năm
thế là người đã xa xăm
chao ơi hiu hắt vòng lăn xe đời.

trần thanh hương

6 tháng 11, 2011

chợt nhớ


tôi con sông rộng
uốn mình theo bờ sậy khô khan
chợt nhớ thời mưa lũ
chợt thương về một thuở thênh thang

tôi cây cầu đá
đứng im lìm soi bóng chông chênh
chợt nhớ con đò cũ
ngày xa xưa theo nước qua ghềnh

tôi con đường thẳng
gồng mình trong từng chuyến xe qua
chợt thấy thèm giấc ngủ
thuở trầm luân chưa rủ nhau về

tôi bài thơ mỏng
nằm vô tình trên đất hoang sơ
chợt hiểu đời không đủ
lòng bao dung cho một chỗ mong chờ

tôi con chim nhỏ
cố giam mình trong chiếc lồng thưa
chợt mơ trời xanh cũ
buổi chớm sang đông chim hót sai mùa.

trần thanh hương

2 tháng 11, 2011

là chữ mơ hồ


em về ngày đã chia xa
em đi tình đã nhạt nhòa
ai tìm ngậm ngùi bên nớ
thôi rồi sầu nối bên ni

em về đường cũ chia đôi
em đi tình cũ qua đời
ai tìm mịt mờ sương khói
chỉ còn buồn nối trên môi

đi về nhắn với hư vô
yêu thương là chữ mơ hồ
có tìm vạn đời không thấy
có chờ vạn tiếng ngây ngô

em về chiều tím mênh mông
em đi nắng quái âm thầm
chờ người nghe dài cô quạnh
hỏi mình còn nhớ hay không

em về đụng bóng cô đơn
em đi thoảng tiếng ai hờn
chờ người lạnh dài góc phố
thôi đành sầu rối tay trơn.


thơ & tranh: trần thanh hương

29 tháng 10, 2011

đôi lần


tháng 9 buồn hiu người ở đâu rồi
heo hút bên trời một áng mây trôi
lối cũ hoa vàng năm nào có đợi
hay đã tàn theo vạn nẻo xa vời

có một bóng hình vừa mất trong tôi
có chút xôn xao vừa mới qua đời
chân bước ơ hờ nghe lòng khô cạn
mắt ngó ân cần sao vẫn xa xôi

có một lời thề thoắt đã phai phôi
có một câu thơ thoắt đã thay lời
thì níu trăm bề cũng đành hụt hẫng
thì gọi trăm lần cũng chỉ đau thôi

tháng 9 nơi nầy gió chớm sang thu
thúy cúc năm xưa tím đến mịt mù
vườn cũ quê người hoa gầy nắng lạ
tôi vẫn đi về quen với hoang vu

có tiếng âm thầm gởi mãi nơi xa
có dáng bơ vơ gởi tới quê nhà
có mắt thật thà ru đời khô lạnh
có một đôi lần khóc giữa bao la.

trần thanh hương

25 tháng 10, 2011

Tìm người - Anh Thương phổ nhạc

tìm người


tìm một người tìm đã quá lâu
tìm tình yêu tình đã phai mầu
tìm một đời tìm hoài không thấy
có bao giờ mình biết tên nhau

tìm một người trong chốn thiên thu
tìm tình yêu trong cõi mịt mù
tìm mệt nhoài tìm hoài không thấy
có bao giờ người tới trong mơ

ừ thì cứ tìm dù chỉ hoang vu
ừ thì cứ đi dù chỉ mơ hồ
ừ thì cứ chờ dù hoài không tới
ừ thì thôi đành vui với hư vô

tìm một người tìm chẳng thấy đâu
tìm tình yêu chỉ vướng ưu sầu
tìm bao lần tìm hoài không thấy
có khi nào mình lướt qua nhau

tìm một người tìm suốt trăm năm
tìm tình yêu thấp thoáng xa gần
tìm âm thầm tìm hoài không thấy
có bao giờ tình hết xa xăm.

trần thanh hương

24 tháng 10, 2011

khi về hỏi khẽ


ngọt bùi đã bỏ ta đi
hoang mang gió núi nhớ gì tiếng sông
khi về hỏi nhỏ hư không
trăm năm sau có mênh mông một ngày
khi về lá hỏi thăm cây
sông bao nhiêu tuổi mà đầy biển khơi
khi về gió hỏi mây trôi
đêm bao nhiêu tuổi cho thôi thấy dài
ai về đếm chỉ lòng tay
bâng khuâng ngắm vết thương dày vỡ đôi
ừ thì chỉ bấy nhiêu thôi
mây năm xưa đã xa xôi cuối trời
ừ thì chỉ bấy nhiêu lời
tóc xanh xưa đã đổi dời trắng phau
ừ thì mình đã quên nhau
trăm năm sau vẫn còn câu ân tình
ừ thì đã mất bóng hình
chút xôn xao với lời kinh nghẹn ngào
hỏi người còn nhớ chiêm bao
tóc xưa nay đã bay vào lãng quên
mắt xưa ai bỏ bên thềm
hồn xưa ai bỏ lênh đênh một thời
hỏi người khẽ một câu thôi
mình không yêu nữa sao rồi vẫn thương.

trần thanh hương

11 tháng 10, 2011

Mai về bên ấy-Anh Thương phổ nhạc

ví dụ


có lẽ em về khi chớm sang thu
có lẽ em đi khi sắp giao mùa
nửa bóng nơi nầy nghe chừng rất lạnh
nửa bóng xa vời nhớ mắt anh đưa

có lẽ em về khi chớm sang đông
có lẽ em đi khi nắng thôi hồng
chợt tiếng chuông nào khơi lòng xao động
chợt bước em về anh biết hay không

có lẽ mình tìm nhau đã quá lâu
có lẽ sông xưa đã bỏ quên cầu
nên gió thay người đưa lời hiu quạnh
nên đón em về lá cũng nghe đau

ví dụ bây giờ mình gặp lại nhau
có chắc là vui như buổi ban đầu
hay chỉ âm thầm nghe lòng thêm lạnh
hay chỉ ngại ngần trong mắt ai sâu

có lẽ khi về đã chết câu thơ
có lẽ khi đi đã chết mong chờ
thôi, trả cho đời sông dài lạc lối
thôi, trả cho người một núi bơ vơ.

trần thanh hương

2 tháng 10, 2011

Có một lần


Có một lần người bước bên tôi
dạt dào êm tiếng nói câu cười
có một lần đời trang giấy đẹp
ngọt ngào thơm trên cánh tay người

Có một lần nghẹn tiếng chia phôi
chiều mù sương giăng mắc bên trời
có một lần nhìn nhau bỗng lạ
lời tình ơi sao đắng môi cười

thôi từ đây là hết tay đưa
thôi từ đây là chút hương thừa
thôi từ đây chân về bỗng nặng
đi tìm người chỉ thấy cơn mưa

Có một lần tình đã xa xôi
chuyện tình yêu như gió mây trời
có một lần là thôi vĩnh biệt
ngậm ngùi theo sương khói trong đời.

trần thanh hương

Có một lần - Anh Thương phổ nhạc


 

27 tháng 9, 2011

chút ơn đời


em về phố thị buồn thiu
bỏ quên đâu đó ngày hiu hắt sầu
em về nhớ chuyện mưa ngâu
thêm thương chức nữ thêm rầu ngưu lang
em về khi gió thu sang
cây năm xưa chít khăn tang nhớ cành
vết thương sâu mấy cũng lành
mình thương nhau mấy cũng đành dở dang
người về đò dọc đò ngang
em về vui chuyện lỡ làng đắng cay
người về sầu trắng hai tay
em về mắt đỏ ngó mây cuối trời
chim buồn chim hót người ơi
em buồn em đứng trông vời cố hương
áo xanh xưa bỏ phố phường
tóc xanh xưa bỏ cuối đường lãng quên
em về phố thị buồn tênh
gởi cho người chút lênh đênh khói trời
em đi nhớ tiếng quên lời
gởi cho người chút ơn đời rồi thôi.



thơ & tranh: trần thanh hương

22 tháng 9, 2011

thôi đành


sáng nay vườn tôi vừa nở
một bông hồng trắng tinh khôi
biết chăng hồn tôi vừa tiễn
tình yêu một thuở qua đời

sáng nay có con chim nhỏ
trên cành tiếng hót chơi vơi
đâu hay người xưa đã bỏ
thơ xanh áo mỏng bên trời

có phải lòng người biến động
đẩy mình ra khỏi đời nhau
đẩy sông xưa rời quê cũ
đẩy mây xưa bỏ quên đồi

có phải tay trời quá chật
nên mình hết chỗ cho nhau
nên thương đau còn sâu thẳm
nên ga xưa bỏ quên tầu

sáng nay mùi hương năm cũ
chợt về trong gió mong manh
bơ vơ hồn tôi sương phủ
người xa xôi quá, thôi đành!

trần thanh hương

mù khơi - Võ Hiếu Nghĩa phổ nhạc

20 tháng 9, 2011

kiếm tìm


ơi hồn sông biển mênh mông
làm sao nhốt được vào trong ao tù
ơi người khuất nẻo thiên thu
làm sao xóa được mây mù thời gian
ơi đời dâu bể mênh mang
làm sao quên được ngỡ ngàng thuở xưa
ơi trời khi nắng khi mưa
làm sao tìm được ngày chưa biết gì
đôi lần nghe bước ai đi
ngẩn ngơ nhớ lại xuân thì đã tan
người đi tìm kiếm dung nhan
tôi đi tìm kiếm mây ngàn núi cao
người về vui với chiêm bao
tôi về gom hết hư hao gởi người
về đâu những áng mây trời
về đâu những bước chân đời dở dang
về đâu những chuyến đò ngang
về đâu sách vở những trang rất buồn.




thơ & tranh: trần thanh hương

9 tháng 9, 2011

lời đắng


chỉ là một chút mà thôi
sao đêm xưa đã đổi ngôi mấy lần
chỉ là một chút phù vân
mây hôm xưa đã ngại ngần nẻo xa
chỉ là một thoáng hương qua
chừ chân xưa đã phong ba cuối trời
chỉ là một chút ơn đời
người năm xưa đã nói lời đắng cay
chỉ là một chút men say
bình xưa rượu hết còn lay lắt sầu
thì thôi về với đêm thâu
thì thôi về với dăm câu dỗi hờn
thì thôi về kiếm cô đơn
thì thôi về khép tay trơn nhớ người.

trần thanh hương

5 tháng 9, 2011

thơ "lạnh" !

Tôi có cái tật là gặp một bài thơ hay thì đọc đi đọc lại, ngâm đi ngâm lại đến thuộc lòng, cháo trơn, rồi mới coi xuống dưới xem là thơ của ai. Vậy, xin lỗi quý vị, tôi đang nói về thơ của một người mà tôi chưa nói tới tên .
Người thơ ơi! Nàng đứng ở đâu mà chung quanh chỉ thấy mưa bay cuối trời :
Ừ thì như gió như mây
Ừ thì như chút mưa bay cuối trời

và tiếng dế giun ru :
Nhịp gõ xe đời sao hiu hắt
Ngậm ngùi nghe tiếng dế giun ru
Nàng ngồi ở đâu mà chung quanh có "bóng ngày vui" và "mùi tháng năm"
Tôi về tìm bóng ngày vui
Tìm hương xưa cũ tìm mùi tháng năm
phải chăng nàng đang ngồi dưới bóng quê hương, giữa mùa trăng, một bên là hồn năm cũ, một bên là cõi mịt mù để nàng nâng niu "mộng chưa tan" và lơ đãng đếm từng giọt "mưa đông lạnh lùng"
Mộng chưa tan, phải không người?
Làm sao quên lãng cuộc đời, phải không?

Người thơ ơi! Nàng nằm ở đâu mà sao "hồn hoang lạnh" của nàng dưới ba thước đất lại "lạnh" một niềm ấp ủ như thế:
Trong quan tài đỡ hồn hoang lạnh
Nửa tấm khăn dành thay gối chăn

Ôi ! Cái lạnh của người thơ thật không bút nào tả được ! Tôi đành chịu thua thôi. Ai đã từng mơ đi xuống mồ lạnh như ông Đinh Hùng chẳng hạn :
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu
thì chắc trong mơ cũng được tận hưởng cái thú đau thương trong tư bề đêm đen gió lạnh :
Lỡ khi người có về trong mộng
Mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ
Người thơ ơi! Nàng từ phương trời xứ lạnh, về quê cũ, sao nàng lại:
Em tìm heo hút nắng quê hương
Nàng không tìm thấy, nhưng nàng nhìn thấy người ta "nhặt nắng ven sông" và người ta "mua nắng mùa đông để dành".

Đọc đi đọc lại hoài, không biết nàng thích mưa hay thích nắng (đàn bà con gái mưa nắng thất thường) nhưng tôi đếm được rất nhiều chữ lạnh. Mưa cũng lạnh mà nắng cũng lạnh !

Tôi tưởng tượng một ngày thu nàng đi dưới hàng me Sài Gòn, mặc áo ấm xứ lạnh, nàng vuốt mái tóc lạnh, thả tia nhìn lạnh vào phương trời hoài vọng, dưới hàng mi lạnh như còn đọng vài giọt sầu lạnh...
...Ai mà chẳng muốn làm gió đưa hương về phương trời thơ mộng. Riêng tôi, ở đây, muốn làm gió để gửi đi khắp phương trời một thông điệp rằng: Có một người làm thơ "lạnh" tên Hương.

Chân Diện Mục
05-09-2011

Chân Diện Mục là bút hiệu của Phạm Huy Viên. Ông sinh năm 1936 tại Nam Định, di cư vào Nam năm 1954, học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn khóa 1957-1960, ban Việt Hán. Dạy học tại Rạch Giá, Đà Lạt, Cần Thơ. Nghỉ dạy năm 1978. Làm đủ thứ nghề: làm rẫy, đi buôn.... cuối cùng viết văn thơ tại nhà nhưng không in hay đăng báo gì cả.
Blog Văn Thơ Huy Viên: http://vn.myblog.yahoo.com/chandienmuc36

ngu ngơ


anh hỏi em người có gì đáng tin
biết nói chi đây khi muốn thiệt tình
lui tới quanh mình không gì thật cả
uổng phí phận người ở cõi nhân sinh

anh hỏi em đời có gì đáng vui
có nói thêm chi cũng thấy bùi ngùi
đứng ở nơi nầy trông vời nơi khác
mỗi phút trong đời mỗi phút xa xôi

anh hỏi em còn nhớ chuyện ngày xưa
dù nhớ hay quên cũng chỉ dư thừa
áo cũ hôm nào mưa về chợt tối
tóc cũ hôm nào lệch rối tay đưa

anh hỏi em còn tìm kiếm chi xa
sao quá ngu ngơ trong mắt thật thà
tháng bẩy buồn hiu em còn đứng đợi
heo hút bên trời lạnh bước chân qua

anh hỏi em về sao chẳng tăm hơi
anh hỏi em đi sao chẳng nhắn lời
tháng tám quê mình mưa buồn ngập lối
dẫu biết em về mưa có ngưng rơi?

trần thanh hương

1 tháng 9, 2011

Mù khơi - Vài cảm nhận chủ quan

Tôi nhớ có lần đã hứa viết một bài về tình yêu trong thơ Thanh Hương. Nghĩ lại thấy mình liều quá. Tình yêu là cõi thiêng liêng và hoàn toàn riêng tư, đừng đụng đến, cứ để nguyên đó cho tôi và cho một người, là chỗ tôi cất kín, để giữ kỷ niệm khỏi bạc màu với thời gian, để những chuyện ngày mười lăm, mười sáu lúc nào cũng như vừa mới sống, vừa mới gặp hôm qua, và khi hiện về, như một bất ngờ – trong giấc chiêm bao, hay trong thực tế – vẫn còn nguyên sức mạnh, đủ dựng dậy một thời nào đó, một trời nào đó, dễ gây xúc động, để nhớ thương, để xót xa, với cả giọt sầu – nếu không nén được - từng giọt, từng giọt, nhỏ xuống thành mưa ngậm ngùi.
Vậy kẻ ngoài cuộc như ngươi làm sao thấy hết mà dám lanh chanh. Thế nhưng dù kín đáo cách mấy, thì, qua ngôn ngữ, thứ phương tiện gọi con người đến với nhau, cuối cùng người thơ cũng hé lộ ít nhiều cái vẫn cất giấu cho mình. Hay là người thơ, trong khoảng khắc điên điên nào đó, chợt muốn chia sẻ, vì giữ riêng nặng lòng? Và một lần, may, tôi bắt găp, qua mù khơi, ngàn năm kỷ niệm ấy. Rồi bỗng dưng, lạ quá, thấy mình cũng… xúc động giống như người trong cuộc. Vậy, tôi đang ghi lại cảm xúc của cô, kỷ niệm của cô, hay của tôi, chẳng rõ, mà cần gì. Cảm xúc là thứ cuộc sống chai cứng, ngột ngạt đang cần, vì thiếu hụt.
Này T. Hương, tôi cố hình dung bóng dáng một thiếu phụ từ cõi xa, ở đâu nhỉ? trở về chốn cũ, giữa mùa mưa, mùa buồn nhất của Việt Nam đang buồn.
tôi về đây giữa mùa mưa
lang thang bước nhỏ đong đưa giọt sầu
Đúng cô không? Lang thang bước nhỏ gợi hình ảnh cô đơn tột cùng, chỉ mình cô thôi, lang thang giữa không gian cũ, cốt gặp lại hình bóng một người, còn triệu triệu khuôn mặt khác hiển hiện, mà là hư không, nhòe nhoẹt. Không gian cũ mênh mông kỷ niệm, và với bước nhỏ – cô không sải chân hòng trốn chạy – cô chăm chút, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, ghép lại, để một lần tận hưởng mùi vị của nỗi đau tròn đầy. Và, thế là hồi ức trào ra, mỗi câu thơ là một tuôn trào, con đê đời thường – gồm những câu thúc ước lệ, những xã giao vờ vịt, như thứ mặt nạ đeo vào, để cố nặn ra nụ cười, rất ít tốn kém – trong lúc bất ngờ, trở tay không kịp.
về đây nhìn bóng đêm thâu
Bóng đêm thâu toàn màu đen, có gì đâu mà nhìn, hả cô? Vậy mà có đó, có nỗi cô đơn lồng khít vào khoảng không gian hoàn toàn vắng lặng. Trong không gian và thời gian ấy, con người tự do làm những chuyện điên điên, chẳng hạn:
ngẩn ngơ đếm hạt mưa ngâu đợi người
Đếm hạt mưa ngâu, cô điên thật, nếu hiểu theo nghĩa dung tục, nhưng bốn chữ là một thi ảnh đẹp, cô đọng, đủ gợi lại, mà còn vượt qua câu chuyện chàng Ngưu, cô Chức, suốt năm dài, cả hai ngong ngóng, chờ gặp nhau vào dịp mưa Ngâu. Rất may, họ vẫn được họp mặt, dù mỗi năm một lần. Thế mà đã đủ để thiên hạ xót xa. Còn cô, trong bóng đêm thâu, cô đếm được bao nhiêu hạt mưa ngâu rồi? cô đợi người bao nhiêu năm rồi? Xin hỏi, cô đã gặp chưa? Một lần thôi? Tôi cảm nhận trong câu thơ nỗi buồn mênh mông của sự chờ đợi mỏi mòn, đến tuyệt vọng. Vì, những kỷ niệm hồng của thời hai mươi, mười sáu, mười lăm chẳng bao giờ chịu biến khỏi ký ức, nó là nhát dao định mệnh đã một lần chém xuống, nặng tay. Nếu dễ dàng quên được, thì đời đâu còn là cõi ưu phiền, phải không?
tôi về nhớ tuổi hai mươi
nhớ trăng mười sáu, nhớ thời mười lăm
Trình tự thời gian đẩy ký ức mỗi lúc một lùi xa, và hình như càng xa càng thấy lạnh, vì có đi mòn gót chân, cũng chẳng thể sống lại phút giây ngày nào, ngày mà tình còn thơ, ở đó thơ ngây trộn chung với hồn nhiên, dại khờ, vậy mà rất đẹp, vì thời ấy mọi tính toán, được coi là khôn ngoan, chưa làm cuộc sống bẩn đi.
nhớ tình thơ đã xa xăm
nhớ ai ngồi ngóng trăm năm chuyện mình
Điều đáng nói, ai mà cô nhớ đó, giống như cô, vào một thời xa xăm, đã cùng thao thức ngóng trăm năm chuyện mình, tức là cùng mơ tới một kết thúc có hậu, vuông tròn. Nhưng trời ít khi chiều người như trong cổ tích, nên thực tế thường tàn nhẫn đánh chết ảo tưởng ngọt ngào.
tôi về nghe lại lời kinh
nghe câu thơ cổ giữa miền thinh không
Kinh là lời cầu nguyện, để được hạnh phúc, để được tròn đầy, cô đã đọc, hay đã nghe ai đó đọc ngày xưa, ở tuổi mười lăm, mười sáu, ở tuổi hai mươi, khi còn rất trẻ. Tuổi ấy, ai chẳng cầu, ai chẳng đọc, ai chẳng mơ hạnh phúc tới bạc đầu. Vậy mà…, bây giờ về đây, cô muốn nghe lại lời kinh cũ, câu thơ cổ, hay là lời tình tự ngày xưa ngọt ngào? Để làm gì hả cô? Thinh không là khoảng lặng, là lời gọi khản cổ không được hồi âm, là thế giới cô đang khắc khoải đối diện hôm nay, một thế giới rất tàn nhẫn, lạnh lùng với kẻ có lòng.
nghe thương chim hót trong lồng
nghe đau ai đứng bên sông ngậm ngùi
Con chim trong lồng, nhớ trời cao rộng, vẫn cố hót, còn con người trong lồng, khác đi là bó tay, bất lực trước số phận thì sao? Thôi đành dành cho nó một chút thương. Ai ở đây chính là cô, phải không T. Hương? Chỉ mình cô đứng bên sông ngậm ngùi, vậy thì đau thật, nỗi đau của người trở về không gian cũ, ngậm ngùi nhớ lại một thời lỡ mất, một tình yêu lỡ tan.
tôi về tìm bóng ngày vui
tìm hương xưa cũ, tìm mùi tháng năm
Vậy là cô đã có những ngày vui, xin chúc mừng cô. Nhưng hiện thời ngày vui chỉ còn lại chiếc bóng gợi nỗi ngậm ngùi. Vậy cô tìm để làm gì, chỉ thêm đau, thế mà hầu như tất cả chúng ta, trong phút yếu lòng, vẫn mong tìm lại chút bóng ngày vui, khờ thật! Còn hương xưa cũ là gì nhỉ? Tôi muốn hiểu theo hai nghĩa, “hương thời gian” kiểu Đoàn Phú Tứ, và Thanh Hương của những năm mười lăm, mười sáu, rồi hai mươi. Cả hai nghĩa đều hợp, và cả hai đều là xưa cũ, vi thực sự đã mất từ lâu rồi, mất từ khi thực tế lia nhát dao đồ tể, chém chết hạnh phúc rất khát khao, mà cũng rất mong manh của con người. Tới đây, lại xin chia sẻ với cô. Và cũng bàng hoàng chợt ngó lại chính mình. Rồi thở dài.
tôi về đây giữa mùa trăng
bâng khuâng nghe tiếng ăn năn gọi mời
mùa trăng là thời gian đẹp trong một tháng. Cô về giữa mùa trăng có thấy đẹp không? Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chuyện thường tình. Đôi khi “người buồn” mà trời vẫn cứ hớn hở thản nhiên, đó là sự tương phản tột cùng giữa trời và người, sự tương phản càng làm nỗi đau lớn thêm, tôi muốn nói tới câu thơ của T. Hương, cô về giữa mùa trăng, mà chỉ nghe thấy tiếng ăn năn gọi mời. Thế mới biết ông trời đôi khi vẫn thích chơi trò quái ác đối với con người nhỏ nhoi, bất lực.
tôi về đây kiếm tôi ơi
nghìn năm sau vẫn mù khơi một người
Cô về đây, muốn kiếm tôi nào? Thêm một chữ ơi để gọi về, để đánh thức. Chữ ơi đơn giản, mà nghe sao thấy xót xa. Xin hỏi lại, cô đang kiếm tôi của quá khứ hay tôi hiện tại? Tôi của quá khứ đẹp lắm, nhưng hình như đã chết rồi. Còn tôi hiện tại, cô thử nhìn kỹ lại xem. Đó, đó, đang hiện diện giữa cuộc đời, đang xôn xao cười cợt với cuộc đời, mà có đúng là cô không? Không cần câu trả lời, tôi cũng biết rồi.
Hay cô về đây còn để kiếm một người khác nữa, vô ích thôi, nghìn năm sau vẫn mù khơi, cô chẳng kiếm nổi đâu. Quá khứ đã chết rồi, và cả cô lẫn người ấy thời xưa cũ hình như cũng chết rồi.
Thôi thì chôn nó đi. Nói vậy mà không phải vậy. Có dễ đâu. Đó chỉ là lời an ủi rỗng ruột. Hình như trong cõi đời này, dù muốn, chẳng ai chôn được quá khứ bao giờ. Thôi thì, cứ vui với cái mình đang có. Lại thêm một lời khuyên rỗng ruột, đem trả lại sách vở cho rồi.

Tôi thích thơ Thanh Hương vì ngôn ngữ mềm mại, trong sáng, mà vẫn sâu lắng, đi thẳng vào cảm xúc của bất cứ ai một lần tìm đến với cô, đúng hơn là thơ của cô. Nó khác thứ thơ “trí tuệ”, cố làm dáng trí thức, cầu kỳ một cách dở hơi. Thơ cần tấm lòng trang trải, chứ không cần sự đẽo gọt của tay thợ. Và nếu chưa đủ độ chín, thứ thơ chỉ chuyên làm dáng sẽ trở thành những mảnh ghép vàng thau lẫn lộn, rất vụng về.

Vũ Lưu Xuân
01-09-2011

Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968. Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.



29 tháng 8, 2011

xa gần


có ai tiễn đưa ai không
có một mình tôi âm thầm
sân ga dường như quá rộng
ngậm ngùi nghe gió mênh mông

có ai đi về phương xa
có tôi bỏ nắng quê nhà
lang thang bên trời phiêu bạt
nhớ hoài những tháng năm qua

có ai chờ tôi hay không
sân ga cửa khóa hai vòng
vòng trong tôi còn đứng đợi
vòng ngoài người vẫn đi rong

có ai tìm kiếm tôi không
giữa dòng người trôi xa gần
sân ga nghe chừng quá chật
chỉ mình tôi đứng bên trong

có ai tiễn ai đi rồi
phi trường ngập lối chia phôi
loanh quanh đi về mệt mỏi
một mình tôi tiễn đưa tôi.

trần thanh hương

26 tháng 8, 2011

mù khơi


tôi về đây giữa mùa mưa
lang thang bước nhỏ đong đưa giọt sầu
về đây nhìn bóng đêm thâu
ngẩn ngơ đếm hạt mưa ngâu đợi người
tôi về nhớ tuổi hai mươi
nhớ trăng mười sáu nhớ thời mười lăm
nhớ tình thơ đã xa xăm
nhớ ai ngồi ngóng trăm năm chuyện mình
tôi về nghe lại lời kinh
nghe câu thơ cổ giữa miền thinh không
nghe thương chim hót trong lồng
nghe đau ai đứng bên sông ngậm ngùi
tôi về tìm bóng ngày vui
tìm hương xưa cũ tìm mùi tháng năm
tôi về đây giữa mùa trăng
bâng khuâng nghe tiếng ăn năn gọi mời
tôi về đây kiếm tôi ơi
nghìn năm sau vẫn mù khơi một người.

trần thanh hương

21 tháng 8, 2011

sợi khói


anh có nhớ không bài triết tây
anh giảng cho em lúc khảo bài
“linh thiêng chỉ còn khi cách biệt
gặp gỡ nhau rồi một sẽ thành hai”

thuở đó em khờ đâu hiểu chi
lời dặn ngày xưa em chẳng nhớ gì
vẫn kiếm vẫn tìm mong gặp gỡ
để rồi hối tiếc lúc chia ly

bài học vào đời sao khó khăn
em nhủ thầm luôn gắng thuộc lòng
nhưng mãi tới giờ chưa thuộc nỗi
nên vẫn vấp hoài một lỗi ơi anh

chiều nay trở lại bến sông xưa
đò dọc đò ngang đợi mấy mùa
tim nhỏ nghe chừng như vụn vỡ
lỡ gặp nhau rồi lỡ cả câu thơ

anh còn nhớ không bài triết tây
anh giảng cho em trong tiếng thở dài
nhìn bóng con đò trôi xa tắp
em hiểu tình mình: sợi khói trong tay.

trần thanh hương


20 tháng 8, 2011

trở lại nơi đây


cũng từ chốn nầy tôi bỏ ra đi
trở lại nơi đây tôi thấy những gì?
người vẫn xa người muôn bề mù mịt
lòng vẫn cách lòng lạnh ngắt trùng khơi

cũng ở nơi nầy tôi dấu cho tôi
một mảnh đời riêng dăm tiếng nấc rời
chốn cũ nay về nghe chừng rất lạ
tôi dấu cho mình thêm chút mưa rơi

cũng là nơi nầy tôi gởi cho ai
dáng nhỏ năm xưa tóc xỏa đêm dài
nay bước chân về dường như rất nặng
chìm khuất phương nào áo mỏng phai phôi

cũng vẫn hồn tôi của tháng năm xưa
nhưng chỉ còn đây một chút âm thừa
dâu biển đưa người trôi về vạn ngả
còn một tôi về lạnh giữa cơn mưa

cũng tại nơi nầy tôi nhắc cho tôi
tình đã xa xôi như gió xa trời
ngưòi đã xa người muôn đời chia biệt
lòng đã cách lòng thăm thẳm trùng khơi.

trần thanh hương

19 tháng 8, 2011

một vài cảm xúc khi đọc thơ t.t.hương

“Đọc thơ người”

Theo tôi, sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ: truyện gây nên ở người đọc ấn tượng về một quá trình, còn thơ tạo nên ở người đọc ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian.

Ấn tượng thẩm mỹ phi thời gian ở thơ về bản chất là sự kích hoạt bằng văn bản những ký ức, "thơ có vần điệu nhịp nhàng gây nên những hiệu ứng rất khác ở người nghe. Mức độ thôi miên giúp họ giải toả bằng tưởng tượng các mâu thuẫn trong đời thực, đi vào một thế giới bớt mang tính cá nhân nơi họ và có nhiều điều chia sẻ với kẻ khác hơn - rhythmical poetry produces quite different effects in listeners; the degree of hypnosis exerted enables them to resolve the discords of reality in fantasy, entering a less individualized world where they have more in common with other people" (Denys Thompson, 1978, The Uses of Poetry, Cambridge: Cambridge U.P.)

Mức độ thôi miên càng tăng ở các câu thơ lặp lại. Các câu lặp lại, ngoài tính nhấn mạnh khiến người đọc càng nhớ nhiều hơn, chúng còn tăng nỗi thấm nhập chia sẻ, càng thấm thía hồn thơ của tác giả thêm nhiều hơn, do đó , không phải chỉ hiểu hơn, mà là cảm xúc hơn.

Thi nhân đã thôi miên mình bằng sự đồng thỏa thuận về việc “đã mất nhau” về việc cùng “đã qua cầu đắng cay”, trong quá khứ :

ừ thì mình đã mất nhau
ừ thì mình đã qua cầu đắng cay

Nếu người đọc không hóa thân vào cái “mình” thì không thể nào thấy được nỗi đau xót trong tâm trạng này.
Thôi cũng đành chấp nhận cuộc tình của chúng mình “như gió như mây, như chút mưa bay cuối trời”

ừ thì như gió như mây
ừ thì như chút mưa bay cuối trời

Thi nhân đã dùng bốn chữ “Ừ thì” để diễn tả các tâm trạng buông xuôi, đành chấp nhận định mệnh phủ phàng vậy. Chuyện quá khứ buồn bã tưởng đã xa rồi, nhưng không, tâm trạng hãy còn vương vấn tồn tại đến ngày hôm nay :

hôm nay ngồi nhớ mưa đông
hôm nay ngồi đếm mênh mông lạnh lùng
...
hôm nay ngồi ngó cơn mưa
hôm nay gom hết hương xưa gởi người

Ôi Hoa khổ đau (Fleurs du mal) sao vẫn còn đeo đuổi mãi cho đến tận hôm nay vậy hở.

Rồi thì cũng đã đến lúc về. Về chốn cũ để tìm lại hương xưa, về chốn cũ để tìm lại người xưa, về chốn cũ để tìm lại cảnh xưa, để rồi :

về đây chỉ thấy mịt mùng
về đây chỉ thấy một vùng bóng đêm
về đây ngó nắng qua thềm
con tim thơ dại lại mềm nỗi đau
.....
về đây chỉ có mây trời
về đây chỉ có một thời buồn tênh.

Ôi! Nỗi buồn có giống như Chopin chăng- TRISTESSE (Chopin)

L' ombre s' enfuit.
Adieu beau rêve
Où les baisers s' offraient
comme des fleurs!...
......
Sache pourtant
Que toujours quand même,
Cher Amour, je t' aime
Éperdument...
Éperdument!...

Bài thơ cũng như bản nhạc bất hủ thật là buồn, rất buồn. Buồn mới đẹp.
Hỡi ôi !


VÕ HIẾU NGHĨA
18-08-2011


_________________________________________________________________________________


Gởi anh Đoàn Thuận một vài cảm xúc khi tình cờ đọc được bài thơ của T.Hương và lời bình của anh N.T.Trác, đăng trên Blog của anh Đoàn Thuận:http://doanthuan.wordpress.com/


"Gởi người"
Trong bài thơ “Gởi người”, mình đã nhận thấy cái đẹp đó.
Cái đẹp khi nói đến một “nửa”- Ma moitié. Một nửa là người vợ, người chồng, người yêu, hay nói cách khác, sự sống không thể có cái một nửa mà phải là sự hợp lại của hai cái “nửa”, để thành một.
Cái đẹp thứ hai là Ý đẹp . Đem một nửa này đế gán ghép, để ráp với một nửa kia thành MỘT, tức là thành cái trọn vẹn, cái hoàn chỉnh.
Cái đẹp thứ ba là CẤU TRÚC đẹp. Người thơ đã phân chia bốn cái “nửa” :
nửa đóa hoa;
nửa mảnh gương;
nửa chiếc khăn;
nửa giấc mơ
rồi sau đó kết hợp lại thành bốn cái MỘT tuyệt vời.
Bài thơ này khiến ta nhớ nhiều hơn đến
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”.

Nửa đóa hoa, nửa đóa hoa gì đây, có phải là HOA KHỔ ĐAU chăng, có phải là tình yêu nửa chừng gảy gánh chăng. Làm sao để giải phẩu xén cắt vật lý để xem phải xén ngang hay xén dọc. Ôi, hoa đau khổ cho dù khổ đau một hay khổ đau một nửa, thì cũng vậy mà thôi. Làm sao để có thể nói rằng tôi đang đau khổ một phần tư, một phần năm đây. Chỉ là để dành lại chút vấn vương khổ đau xưa để nhớ để thương một người ở xa, rất xa.
Nửa mảnh gương, bởi vì một mảnh gương trọn vẹn đã từng ghi bóng hình hai người bên nhau. Và nửa mảnh gương, có phải là chỉ còn lại người lẻ bóng, soi lại và ngóng trông “từng nhân ảnh, nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.
Nửa chiếc khăn kia, từ một chiếc khăn toàn bích, ghi lại nỗi lạnh lẻo, nỗi ấm áp được xẻ chia, hương của quá khứ. Gói lại để dành lấy hương xưa và cũng nói lên tình yêu sẽ mãi tồn tại, mãi thổn thức cho đến cuối đoạn hồng trần. Trong quan tài hoang lạnh.
Nửa giấc mơ. “Tôi gởi cho người nửa giấc mơ”, đó có phải là nửa phần giấc mơ đau khổ từ cuộc chia ly. “Nửa kia tôi cất để mong chờ”... giây phút tái ngộ, tái sum hợp. Và thi nhân sẽ được hưởng một giấc mơ toàn bích: “mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ”.

VÕ HIẾU NGHĨA
15-08-2011

Võ Hiếu Nghĩa là cựu SV ĐHSPSG, ban Lý Hóa, khóa 1961-1965. Trước đây ông đã dạy tại trường Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm đồng thời là Hiệu trưởng Trường Tân Văn ở Cần Thơ. Sau 1975, ông tiếp tục dạy học tại Võ Trường Toản và Bùi Thị Xuân ở Sàigòn. Hiện nay ông đang hưu trí ở Sàigòn.
Website Võ Hiếu Nghĩa:  http://www.vohieunghia.com/

17 tháng 8, 2011

đọc thơ người


hôm nay ngồi đọc thơ người
con tim khờ dại một đời vẫn đau
ừ thì mình đã mất nhau
ừ thì mình đã qua cầu đắng cay
ừ thì như gió như mây
ừ thì như chút mưa bay cuối trời
mộng chưa tan, phải không người?
làm sao quên lãng cuộc đời, phải không?
hôm nay ngồi nhớ mưa đông
hôm nay ngồi đếm mênh mông lạnh lùng
về đây chỉ thấy mịt mùng
về đây chỉ thấy một vùng bóng đêm
về đây ngó nắng qua thềm
con tim thơ dại lại mềm nỗi đau
tháng ngày còn đuổi theo sau
tương lai người đuổi lúc đầu, kịp chưa?
hôm nay ngồi ngó cơn mưa
hôm nay gom hết hương xưa gởi người
về đây chỉ có mây trời
về đây chỉ có một thời buồn tênh.

trần thanh hương

12 tháng 8, 2011

dặn lòng


thế là mùa hạ đã qua
thế là ngày hè sắp hết
em về ngó cội hoàng hoa
nhớ thầm tình xưa đã chết

thế là mùa thu gần sang
thế là mùa hoa sắp tàn
em về nghe chiều quá lạnh
hỏi lòng sao mãi hoang mang

thế là mình đã xa nhau
thế là mắt ai thêm sầu
em về quên lời kinh nhỏ
dặn lòng dấu kín thương đau

thế là lạc đường bước tới
thế là khuất mãi nơi nao
em về nghe hồn mệt mỏi
mong manh như khói không mầu

thế là mây bỏ xa sông
thế là ngày qua âm thầm
ai đi nghẹn ngào đếm tội
ai về cứu rỗi em không?


thơ & tranh: trần thanh hương

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 3)

Nhớ gì không?

Một ngày đã rất lâu, tôi đang đi trên đường Phan Thanh Giản, ngày nay là đường Điện Biên Phủ, thì gặp mưa, phải dừng lại trú dưới một mái hiên. Ngoài đường vắng, chỉ thưa thớt có vài chiếc xe phóng nhanh, nhưng một cô bé làm tôi chú ý. Cô mặc chiếc áo dài trắng học trò, tóc để dài, lầm lũi bước trong mưa, không nhìn ai, mặc gió lạnh và những giọt nước mưa dòng dòng trên tóc.Tôi tự hỏi cô bé có tâm sự gì và có phải cô đang khóc? Hình ảnh cô bé ấy trong mưa, mặc dù đã nhiều năm trôi qua, đôi lúc tôi vẫn nhớ lại và hôm nay hình ảnh cô càng hiện lên rõ rệt khi tôi đọc hai câu thơ đầu trong bài thơ “Nhớ gì không” của T. Hương:

Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ
người không về che bớt gió dùm em

Không biết tâm sự cô bé ấy có gì giống với tâm trạng của “em” trong thơ của T.H? Phải chăng ngày xưa, em đã cùng người đi trên con phố này. Ngày đó, nắng rất dịu và bên hiên nhà ai những đóa hoa hồng nở rực rỡ. Nhưng bây giờ thì chỉ có mình em, lẻ loi trong mưa, trên con đường cũ. Cụm hoa ngày xưa đã úa tàn. Và anh có nhớ?

Bên hiên vắng nụ hoa gầy ủ rũ
nhớ gì không ngày đó nắng êm đềm

Câu hai trong khổ thơ này dễ làm ta xúc động: “ Người không về che bớt gió dùm em!”. Dường như câu thơ run rẩy, cô đơn, trách móc.
Anh ạ, trong vũ trụ mênh mông, chúng ta chỉ là những hạt bụi mà đời sống, trong dòng thời gian vô thủy vô chung, chỉ là những sát na ngắn ngủi; vậy tại sao em vẫn thương nhớ khôn nguôi, vẫn loanh quanh trong một khoảng đời trống rỗng:

Cũng như người em chỉ là hạt bụi
bay loanh quanh trong nỗi nhớ khôn cùng
khi đứng lại bên khung đời trơ trụi
nghe tim mình chợt vỡ giữa hư không

Người đọc thơ không khỏi tự hỏi: có ý nghĩa gì không những đau thương, nhung nhớ của một hạt bụi trong một không-thời gian mênh mông miên viễn không cùng? Dường như từ lãnh vực thơ, ta đang chạm vào một phạm trù triết học.

Khổ ba của bài thơ:

Người chập choạng bước dần vô đêm tối
nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ
đêm hiu hắt cúi nhìn tay chỉ rối
có âm thầm đọc mãi một lời thơ

“Người” ở đây có lẽ chỉ là một hình ảnh và “đêm tối” có thể là một cõi hư vô hay một miền quên lãng. Trong thế giới ấy, có bao giờ “Người” nhớ lại thềm nắng ngày xưa, có bao giờ đọc lại lời thơ mà ngày xưa chúng mình trao đổi?

Nếu tôi hiểu đúng ý của khổ thơ thì câu đầu “Người chập choạng bước dần vô đêm tối” T.H viết có vẻ tả thực quá, giống như một câu văn xuôi và người đọc cóthể hiểu theo nghĩa đen (một người có thực đang đi vào bóng đêm). Câu thơ thiếu một chút lãng đãng, nửa thực nửa hư. Tôi liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du khi tả Đạm Tiên trong giấc mơ của Thúy Kiều:
"Sen vàng lãng đãng như gần như xa".
Đọc câu thơ của Nguyễn Du ta thấy một Đạm Tiên như thực như ảo, lãng đãng khói sương.

Đọc tiếp khổ thơ bốn, tôi rất thích hai câu cuối :

Cũng như người em chỉ là giọt lệ
rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn
trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ
mùi hương về gợi nhớ một lần thương

“Trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ, mùi hương về gợi nhớ một lần thương”. Trong cuộc sống lao xao, tất bật, đôi khi trong một thoáng, ta bất chợt bắt gặp một giai điệu, một hình ảnh, một thoáng hương... khiến ta nhớ đến một bóng dáng nào đó đã rất xa. "Một lần thương"… vâng, chỉ một lần thương thôi mà sao tôi vẫn nhớ mãi tới người!

Tôi hơi phân vân ở hai chữ “long lanh” trong câu hai của khổ thơ: “Cũng như người em chỉ là giọt lệ, rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn”. Tĩnh từ “long lanh” thường để chỉ một cái gì linh động, trong sáng, tươi vui, thí dụ: ánh mắt longlanh. Cũng có khi đi với nước mắt, nhưng thường để chỉ những giọt nước mắt hạnh phúc. Ngoài ra, một giọt lệ chỉ long lanh khi còn đọng trên mắt (vì ở trên một nền sáng bóng là bề mặt của nhãn cầu). Khi đã lăn trên má hoặc đọng trên môi thì không thể long lanh được. Không biết có một tĩnh từ nào khác để thay thế hay không?

T.H kết bằng khổ năm của bài thơ:

Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ
người không về nên áo cũng phôi pha
nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà.

Trước hết, phải xin lỗi T.H vì đã sửa ở dòng đầu hai chữ "chiều qua" thành "chiều nay".

Câu đầu của khổ một là: "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ". Nếu để nguyên câu đầu trong khổ thơ cuối "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố nhỏ" thì hai câu thơ gần như là một và ta chỉ có một thời điểm là “chiều qua”. Nhưng nếu sửa : “Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ” thì ta có hai buổi chiều khác nhau. Thời gian trong bài thơ đã được kéo dài ra và ta cảm nhận được một nỗi thương nhớ không cùng dù chỉ một lần thương.

Nguyễn Trần Trác


26 tháng 7, 2011

đã xa


thôi chào thua cuộc kiếm tìm
thôi chào thua những bóng hình vẩn vơ
tôi về viết nốt câu thơ
thả bay theo gió vật vờ nẻo qua
thôi chào thua những bóng ma
lang thang đâu đó hóa ra một người
thơ tôi lạnh buốt tiếng cười
âm vang xa khuất cuối trời vẫn nghe
thôi chào thua nhé cơn mê
đưa tôi vào lối đi về quạnh hiu
không gian ơi có ba chiều
này tôi ơi có trăm điều đắng cay
thôi chào nhau nhé cơn say
tỉnh ra sẽ thấy đời thay đổi mình
tôi về nhìn nắng lung linh
ngậm ngùi nhớ một bóng hình đã xa.

trần thanh hương

19 tháng 7, 2011

rao bán


có người rao bán hư không
có người mua nắng mùa đông để dành
có người rao bán mong manh
có người mua khói xây thành nhớ thương
ai về cuối nẻo mù sương
tìm câu thơ cũ tìm hương một mùa
gom lòng đi kiếm người mua
loanh quanh ngơ ngác mất thua mệt nhoài
người đi mang nỗi u hoài
người về bỏ lại một vài vết đau
nhủ lòng thôi hết thương nhau
dặn lòng thôi gắng quên sầu với mong
có ai nhặt nắng bên sông?
có tôi ngồi nhớ mênh mông một thời
có ai rao bán mây trời?
có tôi rao bán một đời hư không.

trần thanh hương

12 tháng 7, 2011

phương nào


có người bảo tôi thôi làm thơ
có người khuyên tôi bớt dại khờ
ai biết sông đời chia mấy ngả?
ai biết hồn mình dạt mấy nơi?

có người bảo tôi thôi nhớ nhau
có người khuyên tôi bớt gánh sầu
ai biết cây đời chia mấy nhánh?
ai biết lòng mình rẽ tới đâu?

có người nhắc tôi chuyện thật gần
hạ mới về sao thấy bâng khuâng
hơi đâu nhốt hết mùa đông lại
gom lạnh lùng đem sưởi nắng hồng

có người nhắc tôi chuyện rất xa
đường năm xưa áo mỏng đôi tà
mong manh là thuở tình thơ dại
rồi cũng chôn vùi với cỏ hoa

có tôi nhìn tôi đi lượm thơ
ráp tiếng yêu thương thành chữ dại khờ
tôi biết sông đời buồn lạnh lắm
dù rẽ phương nào cũng vẫn bơ vơ.



thơ & tranh: trần thanh hương

11 tháng 7, 2011

nửa bóng


"chim quyên ăn trái nhãn lồng
qua không thương bậu, bậu đừng thương qua…"
chiều nghe giọng hát xót xa
chim quyên xưa đã phong ba dặm dài
tôi về chợt nhớ mong ai
âm vang đâu đó lạc loài bước đi
chao ơi lạnh buốt xuân thì
nghe chân ai lại nhớ gì mỗi đêm
ngày nghiêng theo nắng qua thềm
tôi nghiêng tôi xuống bên hiên cuộc đời
nơi nầy nửa bóng đơn côi
nơi kia nửa bóng xa xôi lạnh lùng
dài đêm tóc rối chập chùng
tôi nghiêng tôi xuống mịt mùng, buồn chưa!

trần thanh hương

7 tháng 7, 2011

là thôi


nhạt nắng dáng ai thêm gầy
người về xa khuất chân mây
có nghe muôn trùng réo gọi
chiều lên con nước dâng đầy

nhạt nắng tóc mây thêm dài
đôi lần chợt nhớ thương ai
ngẩn ngơ bên đời xao động
hồn như sợi khói lưu đày

nhạt nắng mắt xưa thêm sầu
âm thầm nhìn bến sông sâu
ai đi chia lòng mấy ngã
có về theo bóng đêm thâu

nhạt nắng ai xa ai rồi
cuối trời một bóng đơn côi
là thôi không còn thấy lại
là thôi tình cũng qua đời

nhạt nắng người lạc mất nhau
nhìn quanh tìm thuở ban đầu
đâu hay riêng mình đứng đợi
giật mình lòng thấy thêm đau.

trần thanh hương

3 tháng 7, 2011

xin mời


ghét ghê bản mặt lầu bầu
tối ngày cứ muốn chun đầu vào thơ
ghét ghê cái óc trơ trơ
cả ngày cứ muốn đem thơ vào đời
thơ tôi không nghĩa không lời
thơ tôi chỉ có một trời đắng cay
ghét ghê cái tính thày lay
tưởng ai cũng muốn phơi bày ruột gan
ghét ghê cái tật lang bang
đi đâu rồi cũng đa mang vào mình
thơ tôi toàn chữ linh tinh
thơ tôi chỉ có dăm hình bóng ma
ghét ghê mây gió không nhà
cứ lang thang nhắm mình mà nhào vô
ghét luôn người ở nơi mô
loay hoay tìm cách điểm tô lại đời
thơ tôi mật đắng xin mời…



thơ & tranh: trần thanh hương

1 tháng 7, 2011

Anh tôi


Anh tôi muốn bưóc vào thơ
anh tôi muốn đứng bên bờ vực sâu
anh tôi lỡ chuyện yêu đầu
anh tôi muốn rước thêm sầu vào thân
anh ơi tình có thêm gần
chắc gì lòng có bớt dần nỗi đau
anh ơi trời vẫn mưa mau
anh ơi mình vẫn mất nhau mỗi ngày
ai làm cho gió rung cây
ai làm cho nắng xa mây cuối trời
tiếng yêu anh trót quên lời
niềm thương anh muốn thay đời tặng em
anh ơi lối cũ êm đềm
cửa xưa vườn khóa anh tìm được không
anh ơi ngày tháng mênh mông
thuyền ai còn đậu bến sông mà chờ
anh tôi vẫn đứng bên bờ
nhìn con nước chảy hững hờ ngàn năm
mắt buồn vọng cõi xa xăm
anh tôi đứng giữa đời trăm nhánh sầu.


thơ & tranh: trần thanh hương

30 tháng 6, 2011

vài cảm nhận vụn vặt về thơ thanh hương

Tôi nhận được email của T. Hương lần đầu khoảng tháng 7 năm 2009, khi xin ghi tên vào danh sách CSV ĐHSP SG, cô có nhờ tôi gửi bài ủng hộ trang nhà. Thú thật, tôi chẳng để ý tới cái tên Thanh Hương, cô sư muội ở tít tắp đâu đâu, mà cũng chẳng gửi bài, tệ! Và, quên… Giữa năm 2010, nhân dịp ra mắt cuốn Hương Hồng Quế, tôi có gửi sách tặng cô, nhưng gửi lộn tên, lại tệ nữa! Dịp đó, T.H nhiệt tình giới thiệu tôi với đồng môn, vậy là mắc món nợ ân tình. Cũng cố cám ơn một tiếng, nhưng, thế này thì chưa dứt được đâu. Đành vậy! Tôi nhớ có lần thấy tấm hình chụp chung, trong đó có T.H, cái trán dồ, chẳng biết đựng thứ gì trong đó? Nghi lắm. Mọi việc xong xuôi, có dịp đọc trang nhà, và đặc biệt đọc thơ T.H, rồi gần đây đọc blog “Gửi hương cho gió” của cô. Hương nào vậy? Gửi gió nào vậy? Có mà trời biết. Thú thật, tôi rất lười làm thơ, và cũng không mấy thích thơ, cả đời mới làm được dăm bảy bài. Làm rồi để đó ngó chơi, cười, rồi lẳng lặng cất đi, nhiều khi quên tiệt. Vậy mà đọc thơ T.H tự nhiên thấy thích, thấy cảm, có trớn đọc luôn, sao vậy kìa? Có lẽ vì gặp ở đó một tấm lòng, đồng điệu hay không, chưa biết, nhưng xúc động thì, có đó. À! Té ra cái trán dồ đựng thứ này, biết rồi. Mà không phải, “thứ này” tất phải cất kín trong lòng, ở ngăn sâu nhất, chứ có đâu đựng trong cái trán dồ, vừa nhìn đã thấy. Ngu thiệt! Này T.Hương, thế là tôi lại thiếu cô thêm một món nợ: nợ chữ nghĩa. Nợ ân tình và nợ chữ nghĩa, nhiều quá, lấy gì trả đây? Đành trả bằng vài bài viết loàng xoàng, vài bài thơ dấm dẳn. Và … viết bài này, về thơ Thanh Hương, nếu không tệ lắm, may ra nợ cũ cũng trả được phần tư. Sao lại phần tư? Lấy gì cân đong? Nhưng lạ thật, vẫn cứ thích con số phần tư, để thấy rằng chẳng bao giờ trả đủ, làm cách nào cũng vẫn còn thiếu hụt, vẫn còn ít lắm. Thế có tệ không? Ừ, tệ thật đấy! Nhưng mang nợ trong lòng nhiều khi lại thích, để cứ nhớ, để đừng quên, để nhắc mãi … Thêm tí nữa, có lần cô khen mấy bài thơ trong tập truyện ngắn của tôi hay, “anh làm thơ nữa đi”, nghe sướng quá, nhận bừa. Tỉnh ra mới thấy mình dại, thế là cứ cuống cả lên, chữ nghĩa bay vù vù, hoa cả mắt, chẳng bắt được chữ nào. Và mới biết, cái trán dồ đã phát huy tác dụng. Ghê thật! Cái trán dồ, ghê thật! Này T.Hương! Thôi, cho nợ nhá, Ok?
Và tôi bắt đầu, suy nghĩ linh tinh, chữ trào ra, hứng lấy. Cô thích hay không, kệ. Tôi thích, tôi viết, cần gì. (viết bài này xin dùng chữ cô, không gọi bằng sư muội hay em, phải giữ một khoảng cách, một cái nhìn của người xa lạ, may ra mới thấy đúng được, đứng gần lóa mắt, hóa thong manh)

                                                                             *

Tôi đã đọc hết 46 bài thơ của T. Hương, kết thúc là bài cho dù, ngày 19.6.2011, số lượng trên đủ để gom thành một tập. Đối với người thưởng thức thơ, chỉ muốn dừng lại ở những xúc cảm sâu lắng, những thi ảnh đẹp, những câu, những chữ óng mượt, mà một phút bất ngờ nào đó đã cảm nhận được, đã may mắn bắt gặp, thì số lượng trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu muốn đọc, để tỉnh táo viết thành bài, cho dù không dám nhận là phê bình, hay phân tích, thì con số 46 cũng đã nhiều, đủ làm hoa mắt, loãng ý, mất tập trung. Bởi vậy tôi đành làm công việc mà có lẽ xưa nay không một nhà bình thơ nào thèm làm, vì nó có vẻ chẻ sợi tóc làm tư, không phù hợp với thế giới thơ, thế giới mơ màng, bay bổng, vượt thoát khỏi mọi khuôn khổ duy lý, máy móc, chật hẹp và khô cứng. Xin dựa vào thống kê, dựng thành một cái khung, vốn rất lung lay, từ đó tạm có cái nhìn sơ sài về thơ T. H.
Cũng xin thưa, việc đánh giá, phê phán, xin dành cho các nhà chuyên môn, bài viết này chỉ cố ghi lại một số cảm nhận, có thể vụn vặt, chủ quan, vì cảm nhận vốn chủ quan, dễ khiến một số bạn đồng môn không chấp nhận, thế thì,… cũng đành vậy!

Mỗi cá nhân đều có một không gian, một thời gian riêng để sống, để nhớ, để quên… và nếu thích làm thơ, thì để lấy làm bối cảnh cho thơ. Một mặt, nó phản ánh nếp cảm, nếp nghĩ, hầu như ít thay đổi, mặt khác, nó cũng làm rõ trạng thái tâm hồn tác giả qua từng thời điểm, tức là giao động ở mỗi khoảng khắc khác nhau. Thoáng nhìn vào đây, có lẽ chỉ thấy một tâm hồn thường chẳng giống ai, vì nó đơn nhất. Thế nhưng, kỳ lạ, đôi lúc người đọc lại bất ngờ tìm được một mảnh nào đó, có thể nhỏ, có thể méo của chính mình, tìm được một không gian nào đó, của riêng tác giả, mà, hóa ra cũng là của “tôi”. Cuối cùng thì, thơ là thế giới mà trong đó sự đồng cảm giao nhau, thế nên, thơ mới có hấp lực. Bài thơ nào không tạo được hấp lực, thì nên quẳng đi cho rồi. Người làm thơ nào, mà không mở được cách cửa, để hương bay cao, thu hút tha nhân từ mọi hướng đến với mình, thì đơn giản, chỉ nên gọi là… thợ thơ.
Xin đánh liều làm một chuyến phiêu lưu đi tìm T. Hương qua thơ, và như thế, biết đâu cũng may mắn gặp lại chính mình.

Về thời gian, hình như phần lớn tâm thức của T.H chỉ hướng về một thời nào đó đã trôi qua, đang còn tiếc, mà mãi mãi sẽ không thể quay về. Trong 46 bài, tôi nhặt được 54 chữ xưa. Xưa một từ tưởng đơn giản, hóa ra lại có nhiều dạng:
- Xưa của trời đất
Mây xưa đã bỏ lưng đèo…
Nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ…
- Xưa của lòng
Chắc gì quên mắt xa xưa
- Xưa của tình và mộng
Ai hơi đâu giữ tình xưa mãi…
Ngày xưa tôi nhớ mà quên
Người xưa tôi nhớ để quên suốt đời…
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa
- Và cả của em xưa
Áo xanh xưa cũng che mờ nẻo đi…
Em xưa đã bỏ người theo một người…
Giờ thì em xưa sao rồi? Câu hỏi đó không dám nhờ T.H trả lời. Xin dành cho cô một khoảng lặng, để cúi đầu trầm tư.

Như thế, thơ T.H chủ yếu là điểm gặp của quá khứ, của kỷ niệm, và nói nhỏ thôi, của cuộc tình, hạ giọng thêm tí nữa: cuộc tình tan vỡ. Còn nay, tức thế giới hiện tồn, thế giới của những nhọc nhằn đời thường đôi khi chán ngắt, T. Hương, với tư cách người làm thơ, vẫn có mặt ở đó, mà như không hề có mặt, nó chẳng để lại dấu tích gì nhiều. Xin chứng minh: từ nay chỉ được lập lại 7 lần, và 6 lần gắn liền với chiều, chiều nay – thời khắc đẹp và buồn nhất trong một ngày. Cũng xin nói thêm về chiều của T.H
Trong bốn buổi: sáng, trưa, chiều, tối, lạ thật, suốt 46 bài thơ không có lấy một chữ sáng nào, trưa được nhắc 3 lần, tối 1 lần, còn chiều, trong thơ, cô nhắc tới 31 lần.
Xin nghĩ thêm một chút về bốn khoảng khắc, dài ngắn không đồng đều, và dấu ấn để lại trong lòng mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau. Sáng là lúc tỉnh dậy, bắt đầu lao vào những ràng buộc đời thường, sáng là khoảng khắc dành cho xã hội, cho những người chung quanh, và cho tính toán chi li, cho cơm áo gạo tiền, nó hoàn toàn vắng mặt trong thơ T.H, mặc dù, theo người ta nói, T.H vẫn chưa tới tuổi nghỉ hưu. Còn trưa? Nếu trưa đơn thuần mang ý nghĩa sinh lý, tức là thời khắc dừng lại ăn, để mà sống, nghỉ một chút, để lấy sức tiếp tục làm việc, thì trưa sinh lý đó không có trong thơ T.H. Trưa của cô cũng gắn với quá khứ, với dằn vặt, với hoài niệm nào đó, để mà xót xa.
Ừ thôi em bỏ đường dài
bỏ trưa mộng ảo, bỏ ngày bơ vơ….
Áo trắng sân trường trưa nắng đổ…
Còn tối là thời khắc con người có cơ hội đối diện với chính mình, tại sao thơ T.H hầu như không nói tới tối? Xin lý giải vu vơ thế này. Bóng tối không màu sắc, đúng ra toàn một sắc đen, mọi hình khối chìm đi, mất dạng (ánh đèn làm mầu sắc lạc hoàn toàn), còn thơ cô luôn gắn với một màu sắc, một hình ảnh, một đường nét nào đó của trời mênh mông, ngạo nghễ, và của người nhỏ bé, cô đơn, khác đi, nó được xác định, được làm rõ, được gợi lên bằng một bổ ngữ, một hình dung từ, có lẽ vì thế tối không đánh động tiềm thức cô, nó không hiện lên thành thơ. Cuối cùng, với cô, với thơ của cô, chỉ còn có chiều. Trong thơ T.H, thời gian quyện lẫn vào không gian, nó không đơn thuần mang ý nghĩa kỳ gian (la durée de temps), mà đặt trong một cái khung không gian, có sự hiện diện của con người.
Chiều ra đứng ngó mây trôi
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai…
Nghe chiều đi thấy rưng rưng…
Nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
Lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà…
Chiều nay người ấy đi rồi
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa…
Phố nhỏ chiều nay về
Chao ơi buồn da diết…

Không gian và thời gian ấy bỗng dưng làm thơ T. Hương buồn quá. Và tôi cũng nhặt được 24 chữ buồn:
Bỏ mặc mưa buồn vương gót chân…
Sông cũng lạnh buồn trong cõi thơ…
Lời thơ buồn như giọng cổ thi
Áo dài mấy vạt buồn đưa bên trời…
Xa nhau buồn đọng đầy lên mắt…
Gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn
Tôi con chim nhỏ chiều đông hót buồn
Người ơi phương đó có tan giọt buồn
Giọt buồn nhỏ xuống một đời hư không…
Trời ơi sao tiếng chìm sâu giọt buồn
Mưa buồn, sông buồn, vạt áo buồn, giọt buồn, chim nhỏ buồn, tiếng hót buồn, phương đó buồn, gối chăn buồn, hơi thở buồn, thơ buồn và hơn hết: xa nhau buồn. Hình như với T.H mọi thứ đều vướng một chút buồn. Vậy có gì vui không? Có, tôi đếm được bốn chữ vui, nhưng đó lại là niềm vui của ngày tháng cũ, đã xa rồi, đã mất rồi, chỉ còn sót lại trong ký ức, để làm đẹp một thời đã qua.
Mai về tiếc dấu đêm vui
Người ơi còn nhớ ngọt bùi thuở xưa…
Ngày vui xưa biết đâu tìm…
Hoặc chỉ là vui gượng gạo, có pha một chút cay đắng, xót xa:
Người vui không sao chẳng gắng cười...
Còn giờ thì ?...
Không gian và thời gian ấy, vui ít, buồn nhiều, dùng làm nền cho thơ, làm sao thơ khỏi buồn. Trong một góc nhỏ, giữa không gian và thời gian ấy, xin hình dung, cô ở đó, thu nhỏ lại với hồn thơ, để nhớ và gọi:
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai
Và một lần nữa, lại cố làm công việc lẩn thẩn: đếm. Trong 46 bài thơ, tôi đếm được 46 chữ nhớ. Và trong nỗi nhớ tột cùng, cô thảng thốt, vì cô đơn, lên tiếng gọi, gọi bằng giọng điệu tha thiết, anh ơi, hoặc ơi anh, người ơi, rồi cả chiều ơi, mẹ ơitôi ơi. Tôi là T. Hương phải không? Hình như giữa cõi đời tuy đông mà lại vắng này, tôi cũng đã lạc đâu mất rồi. Chữ ơi nhắc lại 39 lần, đôi lúc kết hợp cả với lời than chao ơi,trời ơi. Ai đó, được cô gọi là anh, anh ơi (8 lần), nhưng vẫn chưa bằng người ơi (10 lần), tiếng người như vu vơ mà thật ra tha thiết. Người là ai, chỉ cô mới biết, nhưng được giấu kín trong lòng.

                                                                                 *

Tôi vừa tạm dựng xong bộ khung, xin nhắc lại, rất lung lay, để có cái nhìn sơ sài về thơ T. Hương, và cái nhìn sơ sài đó, chẳng biết đúng hay sai nhưng chợt gợi cho người viết một cảm nhận, gây xúc động: tôi con chim nhỏ, đã, đang, và sẽ mãi mãi tự nhốt mình trong một cái lồng, lồng đan bằng sợi tơ chằng của quá khứ, của xưa. Tơ có nhiều màu, tuy đẹp, êm, nhưng bền, và giăng bốn bề kín mít, nên khó thoát ra, mà có lẽ, cô cũng chẳng muốn thoát ra làm gì, vì ở đó cô đã trải qua những thời khắc đẹp, những kỷ niệm đẹp, để nhớ, nhưng đôi lúc cũng cố quên, và hơn nữa, vì trong cõi nay, hình như cô là người đi lạc.
Ở T.H dường như có hai cái tôi. Phải vậy không? Điều đáng buồn là, hai cái tôi ấy, tôi của đời thường, và tôi của thơ nhiều khi lại chẳng có gì giống nhau, đó là bi kịch – tôi vốn ghét hai chữ bi kịch, sáo quá, nhưng biết dùng chữ gì hơn, đành vậy – đó là kết quả sự xung đột giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống, nhưng nếu hai cái tôi ấy luôn xếp chồng khít lên nhau được, tức là mọi việc ở đời đều như ý, đều tròn đầy, thì còn gì để nói, và thơ cũng đã chết tự lâu rồi, hoặc chỉ còn thoi thóp thở với những lời vu vơ, không hồn. Thơ T.H có hồn, vậy kết luận, ở cô, giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống có một khoảng cách khá xa. Bi kịch của cô, bi kịch nó trói cô vào cõi xưa, loay hoay mãi mà không gỡ ra được, nó xuyên suốt một đời làm thơ, nó khiến cho "gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn", có gì khác hơn là tình yêu? Nói đến "tình yêu", hơi rắc rối và có lẽ cũng hơi khó đấy, thôi thì tạm "tha" cho cô vậy, sẽ có ngày tôi viết về "tình yêu" trong thơ T.H nhưng chưa là bây giờ.

Xin nhấn mạnh, tôi chỉ nói đến T.H trong thơ thôi, và T.H như tôi cảm nhận, cũng qua thơ, có thể sai, có thể chính cô cũng không đồng tình, còn T.H đời thường, tôi không rõ về cô lắm, và cũng không may mắn có được mối thân tình. Này Thanh Hương, nếu tôi viết lách linh tinh, toàn chuyện vu vơ, trên trời dưới đất, thì cũng đánh liều xin cô một nụ cười hiền, xí xóa.
Vũ Lưu Xuân



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.

28 tháng 6, 2011

không còn chi


hẳn là không có gì tiếc hận
khi chúng mình mỗi đứa một nơi
khi yêu thương biến thành trái đắng
ngày vui xưa ai lấy đi rồi

hẳn là không có gì bội bạc
khi chúng mình nói tiếng chia phôi
mây xưa đã tan vào quên lãng
người năm xưa cũng đã qua đời

hẳn là không có gì sầu tủi
ngày tôi về lạnh gió thu đông
con chim nhỏ co mình trong tổ
tìm hoang mang một thoáng hương gần

hẳn là không còn chi nữa cả
người nhớ gì một buổi xa xưa
có tôi về cửa lòng buông thả
sợi khói tình ta níu cũng thừa

hẳn là thôi không còn chi hết
chuyện chúng mình như khói như mây
người xa rồi 
người đâu còn biết
hồn tôi sao cỏ úa mọc đầy.


thơ & tranh: trần thanh hương

25 tháng 6, 2011

hương thừa


có giọt nắng vừa tan trong mắt nâu
có làn mưa vừa rơi trên áo nhầu
ai đứng bên trời xanh lời hẹn ước
tôi đứng bên đời sầu chất thêm sâu

có ngày vừa tàn trên bước chân sang
có đêm vừa lên xóa dấu mây ngàn
ai tiễn ai đi không lời chia biệt
tôi níu tôi về lòng bỗng thênh thang

có một ai đi quên buổi dại khờ
có một tôi về nhớ mãi câu thơ
không xót đau mà nát hồn cây cỏ
không tiếc thương mà lạnh buốt trời mơ

có một mối tình chôn kín thiên thu
đâu biết ai đi chìm khuất sương mù
đâu biết tôi về nghe đời réo gọi
gom chút hương thừa gởi cõi chân như

có sợi khói vừa tan vào hư không
có bước chân ai vừa qua âm thầm
có bóng tôi về nghe chừng cô quạnh
ập xuống hiên đời sầu lấp mênh mông.



thơ & tranh: trần thanh hương

23 tháng 6, 2011

Sao đành

chiều đi qua con sông
đám lục bình trôi chậm
cành rong lạc theo dòng
xa chân cầu mấy bận
      ngẩng nhìn mây trời xanh
      cúi nhìn con nước ròng
      ơi lòng đời có rộng
      ơi lòng mình có mong
hỏi người quen năm cũ
rằng còn nhớ hay quên
hỏi dòng sông mây phủ
tìm nhau lạc miếu đền
     mắt người nhuộm đêm sâu
     áo tôi phai nhạt mầu
     có tìm thì vẫn muộn
     có chờ thì vẫn đau
người về nghe chiều trôi
lời kinh xưa xa rồi
một mình tôi đứng đợi
ngậm ngùi tiếng thơ rơi
    sông dài chia mấy nhánh
    đò dọc chia mấy khoang
    người về chia mấy ngã
    xa nhau thật sao đành.

trần thanh hương

22 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 2)

Gởi người

Trong cảnh biệt ly, người thiếu phụ vò võ trong phòng khuê, chợt thấy ánh trăng lạnh lẽo chiếu qua cửa sổ, nàng ngước nhìn lên bầu trời đêm thì chỉ thấy một vầng trăng khuyết, nhớ tới người đi, cảm thán:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Đây là cách diễn tả ước lệ được Nguyễn Du xử dụng và diễn tả một cách tài tình tâm trạng nhớ nhung của người thiếu phụ khi chồng đi xa. Đọc hai câu thơ ta có thể hình dung được sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng người thiếu phụ.

Cách diễn tả ước lệ này cũng được T.H xử dụng trong bài thơ“ Gửi người”. Tôi hãy trích khổ hai của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa mảnh gương
nửa kia tôi cất để đêm trường
soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
nơi tháng năm nào thuở nhớ thương

Nửa tấm gương vẫn là một tấm gương, vì khi ta nhìn trong một mảnh gương, ta vẫn thấy trọn vẹn hình ảnh. Đọc đoạn thơ này, ta nhớ tới câu thơ của vua Tự Đức thương khóc Bằng phi :
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

nhưng T.H diễn đạt một cách hiện đại hơn
“ Soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
Nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.

Tuy nhiên ,chữ “ ngóng” của T.H có lẽ nên cân nhắc. “Ngóng” có ý là chờ đợi, thí dụ: ngóng trông; nghĩa là chờ một điều gì đó chưa xảy ra. Ở đây ta thấy chữ “ tìm” của vua Tự Đức đắc địa hơn “Soi gương tìm lại từng nhân ảnh”.

Đọc đoạn thơ của T.H, tôi chợt liên tưởng tới niềm riêng của một thiếu nữ mà tôi đã đọc qua hai câu thơ cách nay đã 40 năm:
“Mai xa cách theo dòng năm tháng
Còn một chút gì để nhớ thương”

Dài ngắn khác nhau nhưng cùng một thi tứ.

Khổ bốn của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa giấc mơ
nửa kia tôi cất để mong chờ
lỡ khi người có về trong mộng
mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ.

Trong khổ này, “giấc mơ” vẫn là trong đời thực, dù mơ ước có thể không thành nhưng “mộng” thì chỉ có trong giấc ngủ. Tuy nhiên ,đọc khổ bốn của bài thơ người ta vẫn cảm được một mơ ước dù chỉ trong mơ. Về vần điệu, câu bốn rất hợp vận với "mong chờ" ở câu hai và câu thơ đọc lên thấy một vẻ tha thướt, tuy vậy, về ý thơ ,có lẽ nên cân nhắc. Ta có thể hiểu giấc mơ trong câu thơ rất đẹp và T.H đã chia sẻ với người nhưng sao T.H vẫn ao ước sẽ gặp trong mộng một ước mơ đẹp hơn,“êm đềm” hơn giấc mơ của hai người? Có “tham” quá chăng?

Nếu là tôi thì có lẽ chỉ ước gì “giấc mơ xưa” đừng tan vỡ:
“Lỡ khi người có về trong mộng
Chắp lại cùng người một giấc mơ”

Khổ ba của bài thơ lại diễn tả một tâm trạng tuyệt vọng, chấp nhận: Còn gì mà ước mơ , những kỷ niệm xưa dù ta có tha thiết bao nhiêu thì, tới một ngày nào đó, cũng sẽ cùng ta đi vào chốn hư không!
Tôi gởi cho người nửa chiếc khăn
nửa kia tôi cất để khi nằm
trong quan tài đỡ hồn hoang lạnh
nửa tấm khăn dành thay gối chăn

Theo bài thơ của T.H tới đây tôi chợt nhớ mình dường như bỏ sót khổ đầu của bài thơ
Tôi gởi cho người nửa đóa hoa
nửa kia tôi cất để khi già
nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
và tưởng đến người xa rất xa

Khổ này và khổ hai nằm trong cùng một ý thơ,tuy nhiên tôi dừng lại ở hình tượng “nửa đóa hoa”. Trong thi ca hình tượng dùng để diễn tả một ý thơ. Hình tượng phải làm nổi bật và tương xứng với ý thơ mà thi nhân muốn diễn tả. Với một tứ thơ đẹp thì hình tượng cũng phải tương xứng. Đóa hoa của T.H có thể là một tình yêu, có thể là một kỷ niệm đẹp. Còn “nửa đóa hoa” thì thế nào? Trước hết , nửa đóa hoa thì không còn vẻ đẹp của một đóa hoa. Và làm sao để có nửa đóa hoa? ta cắt theo chiều dọc hay theo chiều ngang? Nhưng dù cắt theo chiều nào thì nửa đóa hoa cũng không trọn vẹn, không đẹp, tức không tương ứng với ý thơ. Có nên thay hình ảnh “nửa đóa hoa” bằng “một cánh hoa”?
Tôi gửi cho người một cánh hoa
Cánh kia tôi giữ để khi già
Nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
Và tưởng đến người xa rất xa

Cuối cùng về bố cục bài thơ,có lẽ nên chuyển khổ thơ bốn lên vị tri của khổ thơ ba và đổi khổ ba xuống dưới.Trong khổ bốn Thanh Hương vẫn còn ước mơ trong khi khổ ba thì đã là ‘Tình tuyệt vọng” khi người thơ đi trọn đường trần. Như vậy thi tứ đi dần từ sự luyến tiếc những kỷ niệm rồi tới những ước mơ, dù vô vọng, và cuối cùng là chấp nhận một sự vô thường.
Nguyễn Trần Trác

19 tháng 6, 2011

Cho dù


cho dù người đã xa xôi
chắc gì người sẽ hết đời sầu đau
cho dù mình muốn xa nhau
chắc gì mình sẽ quên mau hỡi người
cho dù đêm ngóng xa vời
cho dù ngày đứng cuối trời gió mưa
chắc gì quên mắt xa xưa
chắc gì quên được lời thưa thuở nào
cửa xưa người đã bước vào
chắc gì mở được mây rào mà ra
cho dù năm tháng phôi pha
chắc gì tôi hết xót xa giận hờn
ừ thì sợi khói đành buông
ừ thì giọt nắng cuối đường cũng tan
cho dù tình hết gian nan
chắc gì lòng hết mênh mang giữa đời
tim đau xé nát môi cười
chắc gì quên được một người dẫu xa.

trần thanh hương

17 tháng 6, 2011

Sông núi


người gọi người nghe tiếng gì không
sao thanh âm quặn thắt trong lòng
nghe trăm con nước về trên sóng
nghe bạc đầu sông lạnh tới nguồn

đêm hỏi ngày có khác gì không
lá hỏi cây sao vắng hương nồng
yêu nhau dẫu biết tình vô vọng
hai ngã xa vời vẫn ngóng trông

núi ngó trời có thấy gì không
nghe mênh mông tiếng gió xa gần
mây xưa lạc nẻo về muôn ngã
bỏ mặc mưa buồn vương gót chân

sông lặng nhìn núi đứng bơ vơ
dạt về đâu những thoáng mong chờ
núi hiu hắt đợi niềm đau tới
sông cũng lạnh buồn trong cõi thơ

người hỏi người có biết gì hơn
chuyện yêu thương sao cũng vô thường
mây xưa cũng vội tan theo gió
sông núi sao đành chia mấy phương.

trần thanh hương

15 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ1)

Khi tôi về

Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc lại thơ của T.H. Thơ của T.H không chỉ là thơ mà, nhiều hơn, là một tâm sự; vì vậy khi đọc thơ, ta cảm thấy một sự gần gũi như đang nghe tâm tình của một người bạn.
Có những câu thơ sâu lắng, gợi ra nhiều cảm xúc, khiến tôi đọc lại nhiều lần. Tôi muốn nêu ra một thí dụ như trong mấy câu thơ sau trong bài thơ “Khi tôi về”:
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi
Người xưa sao không thấy đứng bên thềm
Hành lang vắng khuôn viên buồn rủ rượi
Lá me già như cũng nặng nề hơn”

Tôi dừng lại nhiều lần khi đọc hai câu đầu, nhất là ở câu hai “Người xưa sao không thấy đứng bên thềm”. Có thể tôi và người đã có những kỷ niệm rất đẹp ? Có thể nơi hành lang kia người đã đứng cùng tôi… nhìn mưa? Ngôi trường xưa dường như vẫn chờ tôi hay có ý đợi cả hai người?...

Thật là thích thú khi đọc thơ của N.T.T , tôi thấy một bài cùng chủ đề. Bài thơ “Chốn cũ”:
“Lâu lắm mới về qua chốn cũ
Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người
Đâu những trưa hè ngây ngất nắng
Em về áo trắng lá me rơi”

Hai tâm trạng diễn tả bởi hai đoạn thơ dường như giống nhau nhưng sắc thái có khác. Trong hai câu đầu của T.H, ta nhận thấy một sự gắn bó, một tình cảm chung thủy, một sự hoài niệm , một nỗi niềm khắc khoải :
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi,
người xưa sao không thấy đứng bên thềm?”

Ngược lại,trong hai câu đầu đoạn thơ của N.T.T diễn tả người trở về thăm lại chốn cũ, nhìn ngôi trường xưa, các phòng học cũ , biết bao kỷ niệm xưa hiện về, người đứng bâng khuâng nhưng đối với cảnh vật, người xưa dường như đã thành khách lạ:
"Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người"
Trong sân trường vắng lặng, N.T.T vẫn còn mường tượng những buổi trưa ngày xưa em tan học :
“Đâu những trưa hè ngây ngất nắng,
em về áo trắng lá me rơi”

Những hình ảnh cũng rất tương phản. Với T.H : "Hành lang vắng, khuôn viên buồn rũ rượi" thì trong thơ N.T.T : “Đâu những trưa hè ngây ngất nắng”
Và cả những chiếc lá me li ti của hai người sao cũng rất khác nhau.
Lá me của T.H thì:
“Lá me già như cũng nặng nề hơn”.

Trong câu thơ của N.T.T thì người đọc cảm thấy lá me rất nhẹ. Những chiếc lá me xanh non nhẹ nhàng, ngập ngừng rơi trên vai áo ai khi tan trường:
“Em về áo trắng lá me rơi”

T.H đã mô tả những chiếc lá me khi mình trở về ngôi trường cũ, lòng nặng trĩu những kỷ niệm xưa nên “lá me già như cũng nặng nề hơn”. Còn N.T.T về thăm lại chốn xưa, nhìn những cây me ở cổng trường, nhớ lại những chiếc lá me ngày xưa rơi trên áo ai khi tan học: những chiếc lá me của một thời thơ mộng.

Có một điều lạ là hai đoạn thơ có nhiều hình ảnh tương phản nhưng vẫn gây ra những cảm xúc như nhau.

Nguyễn Trần Trác

Nguyễn Trần Trác là cựu SV Đại học Sư phạm Saigon, ban Lý Hóa, 1963-1967. Giáo sư nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho, 1967-1973. Giảng sư Vật lý ĐHSPSG, 1973-2005.

14 tháng 6, 2011

gởi anh


chiều ra đứng ngó mây trôi
con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai
anh ơi sương khói lên đầy
anh ơi người ở chốn nầy buồn thiu
anh ơi lòng đã đau nhiều
anh ơi còn nhớ mưa chiều nắng mai
chúng mình tuy một mà hai
xa nhau sông núi đổi thay hướng đời
gởi cho anh chút mây trời
gởi cho anh chút nắng rời cuối sân
gởi cho nhau xót xa gần
gởi cho nhau những ân cần đã xa
ngại ngùng nhớ giấc mơ qua
anh ơi sầu đắng trong ta lại đầy.

trần thanh hương

11 tháng 6, 2011

Thư gửi người


người muốn em viết những chuyện gì?
lời thơ buồn như giọng cổ thi
cho nhau một chút tình tan vỡ
gom lại thành câu lạc xuân thì

người muốn em nhắc chuyện hôm nào?
nắng hạ về trong gió lao xao
thương con chim nhỏ rời xa tổ
thương cả tình ta thiếu ngọt ngào

người muốn em nói chuyện khác đời?
con sông khờ kiếm mãi mây trôi
lang thang gió tạt về bên núi
sông núi cùng đau nghẹn tiếng cười

người muốn em viết một đôi dòng?
có ai t
ìm góp lá trên sông
có ai gom cả hồn thơ dại
gởi trả hư không một chút lòng

người muốn em kể chuyện dông dài?
xa nhau rồi lòng cũng chia hai
ai hơi đâu giữ tình xưa mãi
em nhớ người ơi lạnh chốn này.
trần thanh hương

6 tháng 6, 2011

Trên sân tennis

Giải Roland-Garros của Pháp năm nay đã kết thúc. Về phía nam kết quả không có gì đáng ngạc nhiên với Nadal (Espagnol) thắng Federer (Suisse) 3/1, ngược lại về phía nữ mọi ngưòi hơi bất ngờ với Li Na (Chinoise) hạ Schiavone (Italienne) 2/0, một điều khá hiếm hoi vì chỉ cách đây vài tháng, Li Na đã bị Kim Clijsters (Belge) đánh bại trong kỳ Open d'Australie vào tháng 1/2011 và năm ngoái cũng ở Roland-Garros 2010, Li Na đã bị Schiavone loại ngay từ vòng thứ 3 của trận đấu. Dù hơi bất ngờ nhưng quan sát phong cách của Li Na trên sân tennis, không ai có thể phủ nhận là Li Na rất xứng đáng để lãnh giải thưởng nầy. Khi nghe bài quốc ca của Trung quốc (tức là quốc gia của người thắng giải) được trổi lên, tự nhiên tôi nghe tim mình hơi nhói đau với ý nghĩ "đàn anh Trung Quốc vĩ đại của nước Việt Nam nhỏ bé lại vừa làm thêm được một bàn thắng trên địa hạt quốc tế !" , "đàn anh" đang thôn tính dần dần "đàn em" và vừa "nuốt" đàn em kế bên vừa nhìn quanh tìm thêm "mồi" khác ở xa hơn… "cá lớn nuốt cá bé " cái định luật man rợ nầy muôn đời vẫn không thay đổi!!!

Tuy trận đấu chung kết chiều Chúa Nhật 5/6 diễn ra rất gay cấn giữa Nadal và Federer nhưng tôi lại giữ nhiều ấn tượng hơn về trận bán kết vào chiều thứ sáu 3/6 giữa Djokovic (Serbe) và Federer. Tôi vốn là fan của Federer, không kể đến kỹ thuật đánh đỡ đầy kinh nghiệm mà một tennisman được xếp hạng 3 trên thế giới hẳn nhiên phải có, điều khiến tôi khâm phục là Federer luôn luôn giữ được cho mình thái độ điềm tĩnh ôn hòa trên sân chơi, một phong cách từ tốn mà vẫn không thiếu vẻ tự tin, nói theo kiểu tây là rất "classe". Djokovic, đối thủ của Federer là tennisman hạng 2 trên thế giới và bỏ khá xa Federer về số điểm. Sau 4 set gay cấn, cuối cùng Federer đã thắng Djokovic 3/1. Nếu Federer đã giữ được sự bình tĩnh tự tin suốt trận đánh thì Djokovic đã đôi lần không dấu được những nhăn nhó bất mãn khi không vừa ý. Có hai lần Djokovic đánh hỏng bị mất điểm, cả hai lần tôi đều thấy Djokovic nhếch miệng cười nhẹ vừa liếc nhìn lên phía khán đài nơi có Bố Mẹ của mình đang ngồi xem. "Tiếu tựa văn nhân lạc đệ thì " , người xưa cười khi nghe tin thi rớt chắc cũng chỉ chua chát như nụ cười của Djokovic ngày nay khi biết mình sắp bị đánh bại là cùng chứ gì? Mà không chua chát sao được vì từ mấy năm nay, hầu như Djokovic luôn luôn giữ phần thắng, chỉ riêng mùa đấu 2010-2011, Djokovic đã thắng 43 trên 44 trận tham dự và người ta đã ví Djokovic với Mc Enroe của thập niên 70-80, chỉ khác là Mc Enroe là người rất nóng tính, khi có điều không vừa ý là luôn luôn sẵn sàng la lối thay vì "tiếu tựa văn nhân lạc đệ thì " như Djokovic.

Trong số báo Express cuối tháng 5 vừa rồi có một bài phỏng vấn Björn Borg, một vua tennis, đối thủ số một của Mc Enroe vào những năm 75-80. Borg cũng từng thắng 6 lần giải Roland-Garros giống như Rafael Nadal và ngược với Mc Enroe, Borg là người rất trầm tĩnh nên được báo chí thời bấy giờ mệnh danh là "iceborg". Borg kể: năm 1978, trong một lần tranh giải ở Nouvelle-Orléans (USA), đối thủ của Borg là Mc Enroe. Trong set thứ 2, cả hai huề với tỷ số 3-3. John Mc Enroe tỏ ra rất bực bội nóng nảy. Thấy Mc Enroe quá mất bình tĩnh không còn kiểm soát được mình nữa, Borg quyết định giúp đỡ đối thủ bằng cách tiến tới sát lưới và kêu "John, tới đây!" Mc Enroe ngỡ ngàng nhìn Borg, Borg tiếp tục nói "bình tĩnh nào, John, có gì quan trọng đâu, đây chỉ là một trò chơi mà thôi, rồi mọi sự sẽ đâu vào đấy mà thôi…". Thoạt tiên, Mc Enroe đã nhìn Borg như nhìn một đứa dở hơi và chẳng buồn nói gì nhưng sau đó, Mc Enroe trầm tĩnh lại dần và cuối cùng đã thắng trận đấu. Từ đó hai người trở thành bạn thân với nhau.

Trên một mảnh sân tennis nhỏ bé, ý nghĩ mình chỉ đang tham dự một trò chơi, chẳng có gì là quan trọng hết cả… đủ để đưa hai đối thủ trở thành hai người bạn thân thiết. Trong sân đời rộng lớn muôn mặt nầy, có mấy người là Borg để giúp biết bao Mc Enroe tìm lại được cho tâm hồn mình sự bình an cần thiết ?
thứ hai, 06/06/2011
trần thanh hương

3 tháng 6, 2011

Đâu rồi ?


tiếng yêu người bỏ đâu rồi?
lời thương người bỏ bên trời lãng quên?
xa nhau đá cũng hóa mềm
mất nhau đời cũng hóa đền miếu hoang
vẫn mùi hương cũ chưa tan
mà lòng người đã ngỡ ngàng bay xa
chia cùng em chút phong ba
đau cùng em giấc mơ hoa muộn nầy
người về nhìn nắng trên cây
em về nhìn gió đưa mây cuối trời
tiếng yêu người bỏ đâu rồi?
lời thương người bỏ, chao ơi nghẹn ngào.

trần thanh hương