]]>

30 tháng 6, 2011

vài cảm nhận vụn vặt về thơ thanh hương

Tôi nhận được email của T. Hương lần đầu khoảng tháng 7 năm 2009, khi xin ghi tên vào danh sách CSV ĐHSP SG, cô có nhờ tôi gửi bài ủng hộ trang nhà. Thú thật, tôi chẳng để ý tới cái tên Thanh Hương, cô sư muội ở tít tắp đâu đâu, mà cũng chẳng gửi bài, tệ! Và, quên… Giữa năm 2010, nhân dịp ra mắt cuốn Hương Hồng Quế, tôi có gửi sách tặng cô, nhưng gửi lộn tên, lại tệ nữa! Dịp đó, T.H nhiệt tình giới thiệu tôi với đồng môn, vậy là mắc món nợ ân tình. Cũng cố cám ơn một tiếng, nhưng, thế này thì chưa dứt được đâu. Đành vậy! Tôi nhớ có lần thấy tấm hình chụp chung, trong đó có T.H, cái trán dồ, chẳng biết đựng thứ gì trong đó? Nghi lắm. Mọi việc xong xuôi, có dịp đọc trang nhà, và đặc biệt đọc thơ T.H, rồi gần đây đọc blog “Gửi hương cho gió” của cô. Hương nào vậy? Gửi gió nào vậy? Có mà trời biết. Thú thật, tôi rất lười làm thơ, và cũng không mấy thích thơ, cả đời mới làm được dăm bảy bài. Làm rồi để đó ngó chơi, cười, rồi lẳng lặng cất đi, nhiều khi quên tiệt. Vậy mà đọc thơ T.H tự nhiên thấy thích, thấy cảm, có trớn đọc luôn, sao vậy kìa? Có lẽ vì gặp ở đó một tấm lòng, đồng điệu hay không, chưa biết, nhưng xúc động thì, có đó. À! Té ra cái trán dồ đựng thứ này, biết rồi. Mà không phải, “thứ này” tất phải cất kín trong lòng, ở ngăn sâu nhất, chứ có đâu đựng trong cái trán dồ, vừa nhìn đã thấy. Ngu thiệt! Này T.Hương, thế là tôi lại thiếu cô thêm một món nợ: nợ chữ nghĩa. Nợ ân tình và nợ chữ nghĩa, nhiều quá, lấy gì trả đây? Đành trả bằng vài bài viết loàng xoàng, vài bài thơ dấm dẳn. Và … viết bài này, về thơ Thanh Hương, nếu không tệ lắm, may ra nợ cũ cũng trả được phần tư. Sao lại phần tư? Lấy gì cân đong? Nhưng lạ thật, vẫn cứ thích con số phần tư, để thấy rằng chẳng bao giờ trả đủ, làm cách nào cũng vẫn còn thiếu hụt, vẫn còn ít lắm. Thế có tệ không? Ừ, tệ thật đấy! Nhưng mang nợ trong lòng nhiều khi lại thích, để cứ nhớ, để đừng quên, để nhắc mãi … Thêm tí nữa, có lần cô khen mấy bài thơ trong tập truyện ngắn của tôi hay, “anh làm thơ nữa đi”, nghe sướng quá, nhận bừa. Tỉnh ra mới thấy mình dại, thế là cứ cuống cả lên, chữ nghĩa bay vù vù, hoa cả mắt, chẳng bắt được chữ nào. Và mới biết, cái trán dồ đã phát huy tác dụng. Ghê thật! Cái trán dồ, ghê thật! Này T.Hương! Thôi, cho nợ nhá, Ok?
Và tôi bắt đầu, suy nghĩ linh tinh, chữ trào ra, hứng lấy. Cô thích hay không, kệ. Tôi thích, tôi viết, cần gì. (viết bài này xin dùng chữ cô, không gọi bằng sư muội hay em, phải giữ một khoảng cách, một cái nhìn của người xa lạ, may ra mới thấy đúng được, đứng gần lóa mắt, hóa thong manh)

                                                                             *

Tôi đã đọc hết 46 bài thơ của T. Hương, kết thúc là bài cho dù, ngày 19.6.2011, số lượng trên đủ để gom thành một tập. Đối với người thưởng thức thơ, chỉ muốn dừng lại ở những xúc cảm sâu lắng, những thi ảnh đẹp, những câu, những chữ óng mượt, mà một phút bất ngờ nào đó đã cảm nhận được, đã may mắn bắt gặp, thì số lượng trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu muốn đọc, để tỉnh táo viết thành bài, cho dù không dám nhận là phê bình, hay phân tích, thì con số 46 cũng đã nhiều, đủ làm hoa mắt, loãng ý, mất tập trung. Bởi vậy tôi đành làm công việc mà có lẽ xưa nay không một nhà bình thơ nào thèm làm, vì nó có vẻ chẻ sợi tóc làm tư, không phù hợp với thế giới thơ, thế giới mơ màng, bay bổng, vượt thoát khỏi mọi khuôn khổ duy lý, máy móc, chật hẹp và khô cứng. Xin dựa vào thống kê, dựng thành một cái khung, vốn rất lung lay, từ đó tạm có cái nhìn sơ sài về thơ T. H.
Cũng xin thưa, việc đánh giá, phê phán, xin dành cho các nhà chuyên môn, bài viết này chỉ cố ghi lại một số cảm nhận, có thể vụn vặt, chủ quan, vì cảm nhận vốn chủ quan, dễ khiến một số bạn đồng môn không chấp nhận, thế thì,… cũng đành vậy!

Mỗi cá nhân đều có một không gian, một thời gian riêng để sống, để nhớ, để quên… và nếu thích làm thơ, thì để lấy làm bối cảnh cho thơ. Một mặt, nó phản ánh nếp cảm, nếp nghĩ, hầu như ít thay đổi, mặt khác, nó cũng làm rõ trạng thái tâm hồn tác giả qua từng thời điểm, tức là giao động ở mỗi khoảng khắc khác nhau. Thoáng nhìn vào đây, có lẽ chỉ thấy một tâm hồn thường chẳng giống ai, vì nó đơn nhất. Thế nhưng, kỳ lạ, đôi lúc người đọc lại bất ngờ tìm được một mảnh nào đó, có thể nhỏ, có thể méo của chính mình, tìm được một không gian nào đó, của riêng tác giả, mà, hóa ra cũng là của “tôi”. Cuối cùng thì, thơ là thế giới mà trong đó sự đồng cảm giao nhau, thế nên, thơ mới có hấp lực. Bài thơ nào không tạo được hấp lực, thì nên quẳng đi cho rồi. Người làm thơ nào, mà không mở được cách cửa, để hương bay cao, thu hút tha nhân từ mọi hướng đến với mình, thì đơn giản, chỉ nên gọi là… thợ thơ.
Xin đánh liều làm một chuyến phiêu lưu đi tìm T. Hương qua thơ, và như thế, biết đâu cũng may mắn gặp lại chính mình.

Về thời gian, hình như phần lớn tâm thức của T.H chỉ hướng về một thời nào đó đã trôi qua, đang còn tiếc, mà mãi mãi sẽ không thể quay về. Trong 46 bài, tôi nhặt được 54 chữ xưa. Xưa một từ tưởng đơn giản, hóa ra lại có nhiều dạng:
- Xưa của trời đất
Mây xưa đã bỏ lưng đèo…
Nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ…
- Xưa của lòng
Chắc gì quên mắt xa xưa
- Xưa của tình và mộng
Ai hơi đâu giữ tình xưa mãi…
Ngày xưa tôi nhớ mà quên
Người xưa tôi nhớ để quên suốt đời…
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa
- Và cả của em xưa
Áo xanh xưa cũng che mờ nẻo đi…
Em xưa đã bỏ người theo một người…
Giờ thì em xưa sao rồi? Câu hỏi đó không dám nhờ T.H trả lời. Xin dành cho cô một khoảng lặng, để cúi đầu trầm tư.

Như thế, thơ T.H chủ yếu là điểm gặp của quá khứ, của kỷ niệm, và nói nhỏ thôi, của cuộc tình, hạ giọng thêm tí nữa: cuộc tình tan vỡ. Còn nay, tức thế giới hiện tồn, thế giới của những nhọc nhằn đời thường đôi khi chán ngắt, T. Hương, với tư cách người làm thơ, vẫn có mặt ở đó, mà như không hề có mặt, nó chẳng để lại dấu tích gì nhiều. Xin chứng minh: từ nay chỉ được lập lại 7 lần, và 6 lần gắn liền với chiều, chiều nay – thời khắc đẹp và buồn nhất trong một ngày. Cũng xin nói thêm về chiều của T.H
Trong bốn buổi: sáng, trưa, chiều, tối, lạ thật, suốt 46 bài thơ không có lấy một chữ sáng nào, trưa được nhắc 3 lần, tối 1 lần, còn chiều, trong thơ, cô nhắc tới 31 lần.
Xin nghĩ thêm một chút về bốn khoảng khắc, dài ngắn không đồng đều, và dấu ấn để lại trong lòng mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau. Sáng là lúc tỉnh dậy, bắt đầu lao vào những ràng buộc đời thường, sáng là khoảng khắc dành cho xã hội, cho những người chung quanh, và cho tính toán chi li, cho cơm áo gạo tiền, nó hoàn toàn vắng mặt trong thơ T.H, mặc dù, theo người ta nói, T.H vẫn chưa tới tuổi nghỉ hưu. Còn trưa? Nếu trưa đơn thuần mang ý nghĩa sinh lý, tức là thời khắc dừng lại ăn, để mà sống, nghỉ một chút, để lấy sức tiếp tục làm việc, thì trưa sinh lý đó không có trong thơ T.H. Trưa của cô cũng gắn với quá khứ, với dằn vặt, với hoài niệm nào đó, để mà xót xa.
Ừ thôi em bỏ đường dài
bỏ trưa mộng ảo, bỏ ngày bơ vơ….
Áo trắng sân trường trưa nắng đổ…
Còn tối là thời khắc con người có cơ hội đối diện với chính mình, tại sao thơ T.H hầu như không nói tới tối? Xin lý giải vu vơ thế này. Bóng tối không màu sắc, đúng ra toàn một sắc đen, mọi hình khối chìm đi, mất dạng (ánh đèn làm mầu sắc lạc hoàn toàn), còn thơ cô luôn gắn với một màu sắc, một hình ảnh, một đường nét nào đó của trời mênh mông, ngạo nghễ, và của người nhỏ bé, cô đơn, khác đi, nó được xác định, được làm rõ, được gợi lên bằng một bổ ngữ, một hình dung từ, có lẽ vì thế tối không đánh động tiềm thức cô, nó không hiện lên thành thơ. Cuối cùng, với cô, với thơ của cô, chỉ còn có chiều. Trong thơ T.H, thời gian quyện lẫn vào không gian, nó không đơn thuần mang ý nghĩa kỳ gian (la durée de temps), mà đặt trong một cái khung không gian, có sự hiện diện của con người.
Chiều ra đứng ngó mây trôi
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai…
Nghe chiều đi thấy rưng rưng…
Nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
Lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà…
Chiều nay người ấy đi rồi
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa…
Phố nhỏ chiều nay về
Chao ơi buồn da diết…

Không gian và thời gian ấy bỗng dưng làm thơ T. Hương buồn quá. Và tôi cũng nhặt được 24 chữ buồn:
Bỏ mặc mưa buồn vương gót chân…
Sông cũng lạnh buồn trong cõi thơ…
Lời thơ buồn như giọng cổ thi
Áo dài mấy vạt buồn đưa bên trời…
Xa nhau buồn đọng đầy lên mắt…
Gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn
Tôi con chim nhỏ chiều đông hót buồn
Người ơi phương đó có tan giọt buồn
Giọt buồn nhỏ xuống một đời hư không…
Trời ơi sao tiếng chìm sâu giọt buồn
Mưa buồn, sông buồn, vạt áo buồn, giọt buồn, chim nhỏ buồn, tiếng hót buồn, phương đó buồn, gối chăn buồn, hơi thở buồn, thơ buồn và hơn hết: xa nhau buồn. Hình như với T.H mọi thứ đều vướng một chút buồn. Vậy có gì vui không? Có, tôi đếm được bốn chữ vui, nhưng đó lại là niềm vui của ngày tháng cũ, đã xa rồi, đã mất rồi, chỉ còn sót lại trong ký ức, để làm đẹp một thời đã qua.
Mai về tiếc dấu đêm vui
Người ơi còn nhớ ngọt bùi thuở xưa…
Ngày vui xưa biết đâu tìm…
Hoặc chỉ là vui gượng gạo, có pha một chút cay đắng, xót xa:
Người vui không sao chẳng gắng cười...
Còn giờ thì ?...
Không gian và thời gian ấy, vui ít, buồn nhiều, dùng làm nền cho thơ, làm sao thơ khỏi buồn. Trong một góc nhỏ, giữa không gian và thời gian ấy, xin hình dung, cô ở đó, thu nhỏ lại với hồn thơ, để nhớ và gọi:
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai
Và một lần nữa, lại cố làm công việc lẩn thẩn: đếm. Trong 46 bài thơ, tôi đếm được 46 chữ nhớ. Và trong nỗi nhớ tột cùng, cô thảng thốt, vì cô đơn, lên tiếng gọi, gọi bằng giọng điệu tha thiết, anh ơi, hoặc ơi anh, người ơi, rồi cả chiều ơi, mẹ ơitôi ơi. Tôi là T. Hương phải không? Hình như giữa cõi đời tuy đông mà lại vắng này, tôi cũng đã lạc đâu mất rồi. Chữ ơi nhắc lại 39 lần, đôi lúc kết hợp cả với lời than chao ơi,trời ơi. Ai đó, được cô gọi là anh, anh ơi (8 lần), nhưng vẫn chưa bằng người ơi (10 lần), tiếng người như vu vơ mà thật ra tha thiết. Người là ai, chỉ cô mới biết, nhưng được giấu kín trong lòng.

                                                                                 *

Tôi vừa tạm dựng xong bộ khung, xin nhắc lại, rất lung lay, để có cái nhìn sơ sài về thơ T. Hương, và cái nhìn sơ sài đó, chẳng biết đúng hay sai nhưng chợt gợi cho người viết một cảm nhận, gây xúc động: tôi con chim nhỏ, đã, đang, và sẽ mãi mãi tự nhốt mình trong một cái lồng, lồng đan bằng sợi tơ chằng của quá khứ, của xưa. Tơ có nhiều màu, tuy đẹp, êm, nhưng bền, và giăng bốn bề kín mít, nên khó thoát ra, mà có lẽ, cô cũng chẳng muốn thoát ra làm gì, vì ở đó cô đã trải qua những thời khắc đẹp, những kỷ niệm đẹp, để nhớ, nhưng đôi lúc cũng cố quên, và hơn nữa, vì trong cõi nay, hình như cô là người đi lạc.
Ở T.H dường như có hai cái tôi. Phải vậy không? Điều đáng buồn là, hai cái tôi ấy, tôi của đời thường, và tôi của thơ nhiều khi lại chẳng có gì giống nhau, đó là bi kịch – tôi vốn ghét hai chữ bi kịch, sáo quá, nhưng biết dùng chữ gì hơn, đành vậy – đó là kết quả sự xung đột giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống, nhưng nếu hai cái tôi ấy luôn xếp chồng khít lên nhau được, tức là mọi việc ở đời đều như ý, đều tròn đầy, thì còn gì để nói, và thơ cũng đã chết tự lâu rồi, hoặc chỉ còn thoi thóp thở với những lời vu vơ, không hồn. Thơ T.H có hồn, vậy kết luận, ở cô, giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống có một khoảng cách khá xa. Bi kịch của cô, bi kịch nó trói cô vào cõi xưa, loay hoay mãi mà không gỡ ra được, nó xuyên suốt một đời làm thơ, nó khiến cho "gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn", có gì khác hơn là tình yêu? Nói đến "tình yêu", hơi rắc rối và có lẽ cũng hơi khó đấy, thôi thì tạm "tha" cho cô vậy, sẽ có ngày tôi viết về "tình yêu" trong thơ T.H nhưng chưa là bây giờ.

Xin nhấn mạnh, tôi chỉ nói đến T.H trong thơ thôi, và T.H như tôi cảm nhận, cũng qua thơ, có thể sai, có thể chính cô cũng không đồng tình, còn T.H đời thường, tôi không rõ về cô lắm, và cũng không may mắn có được mối thân tình. Này Thanh Hương, nếu tôi viết lách linh tinh, toàn chuyện vu vơ, trên trời dưới đất, thì cũng đánh liều xin cô một nụ cười hiền, xí xóa.
Vũ Lưu Xuân



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.

28 tháng 6, 2011

không còn chi


hẳn là không có gì tiếc hận
khi chúng mình mỗi đứa một nơi
khi yêu thương biến thành trái đắng
ngày vui xưa ai lấy đi rồi

hẳn là không có gì bội bạc
khi chúng mình nói tiếng chia phôi
mây xưa đã tan vào quên lãng
người năm xưa cũng đã qua đời

hẳn là không có gì sầu tủi
ngày tôi về lạnh gió thu đông
con chim nhỏ co mình trong tổ
tìm hoang mang một thoáng hương gần

hẳn là không còn chi nữa cả
người nhớ gì một buổi xa xưa
có tôi về cửa lòng buông thả
sợi khói tình ta níu cũng thừa

hẳn là thôi không còn chi hết
chuyện chúng mình như khói như mây
người xa rồi 
người đâu còn biết
hồn tôi sao cỏ úa mọc đầy.


thơ & tranh: trần thanh hương

25 tháng 6, 2011

hương thừa


có giọt nắng vừa tan trong mắt nâu
có làn mưa vừa rơi trên áo nhầu
ai đứng bên trời xanh lời hẹn ước
tôi đứng bên đời sầu chất thêm sâu

có ngày vừa tàn trên bước chân sang
có đêm vừa lên xóa dấu mây ngàn
ai tiễn ai đi không lời chia biệt
tôi níu tôi về lòng bỗng thênh thang

có một ai đi quên buổi dại khờ
có một tôi về nhớ mãi câu thơ
không xót đau mà nát hồn cây cỏ
không tiếc thương mà lạnh buốt trời mơ

có một mối tình chôn kín thiên thu
đâu biết ai đi chìm khuất sương mù
đâu biết tôi về nghe đời réo gọi
gom chút hương thừa gởi cõi chân như

có sợi khói vừa tan vào hư không
có bước chân ai vừa qua âm thầm
có bóng tôi về nghe chừng cô quạnh
ập xuống hiên đời sầu lấp mênh mông.



thơ & tranh: trần thanh hương

23 tháng 6, 2011

Sao đành

chiều đi qua con sông
đám lục bình trôi chậm
cành rong lạc theo dòng
xa chân cầu mấy bận
      ngẩng nhìn mây trời xanh
      cúi nhìn con nước ròng
      ơi lòng đời có rộng
      ơi lòng mình có mong
hỏi người quen năm cũ
rằng còn nhớ hay quên
hỏi dòng sông mây phủ
tìm nhau lạc miếu đền
     mắt người nhuộm đêm sâu
     áo tôi phai nhạt mầu
     có tìm thì vẫn muộn
     có chờ thì vẫn đau
người về nghe chiều trôi
lời kinh xưa xa rồi
một mình tôi đứng đợi
ngậm ngùi tiếng thơ rơi
    sông dài chia mấy nhánh
    đò dọc chia mấy khoang
    người về chia mấy ngã
    xa nhau thật sao đành.

trần thanh hương

22 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 2)

Gởi người

Trong cảnh biệt ly, người thiếu phụ vò võ trong phòng khuê, chợt thấy ánh trăng lạnh lẽo chiếu qua cửa sổ, nàng ngước nhìn lên bầu trời đêm thì chỉ thấy một vầng trăng khuyết, nhớ tới người đi, cảm thán:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Đây là cách diễn tả ước lệ được Nguyễn Du xử dụng và diễn tả một cách tài tình tâm trạng nhớ nhung của người thiếu phụ khi chồng đi xa. Đọc hai câu thơ ta có thể hình dung được sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng người thiếu phụ.

Cách diễn tả ước lệ này cũng được T.H xử dụng trong bài thơ“ Gửi người”. Tôi hãy trích khổ hai của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa mảnh gương
nửa kia tôi cất để đêm trường
soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
nơi tháng năm nào thuở nhớ thương

Nửa tấm gương vẫn là một tấm gương, vì khi ta nhìn trong một mảnh gương, ta vẫn thấy trọn vẹn hình ảnh. Đọc đoạn thơ này, ta nhớ tới câu thơ của vua Tự Đức thương khóc Bằng phi :
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

nhưng T.H diễn đạt một cách hiện đại hơn
“ Soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
Nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.

Tuy nhiên ,chữ “ ngóng” của T.H có lẽ nên cân nhắc. “Ngóng” có ý là chờ đợi, thí dụ: ngóng trông; nghĩa là chờ một điều gì đó chưa xảy ra. Ở đây ta thấy chữ “ tìm” của vua Tự Đức đắc địa hơn “Soi gương tìm lại từng nhân ảnh”.

Đọc đoạn thơ của T.H, tôi chợt liên tưởng tới niềm riêng của một thiếu nữ mà tôi đã đọc qua hai câu thơ cách nay đã 40 năm:
“Mai xa cách theo dòng năm tháng
Còn một chút gì để nhớ thương”

Dài ngắn khác nhau nhưng cùng một thi tứ.

Khổ bốn của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa giấc mơ
nửa kia tôi cất để mong chờ
lỡ khi người có về trong mộng
mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ.

Trong khổ này, “giấc mơ” vẫn là trong đời thực, dù mơ ước có thể không thành nhưng “mộng” thì chỉ có trong giấc ngủ. Tuy nhiên ,đọc khổ bốn của bài thơ người ta vẫn cảm được một mơ ước dù chỉ trong mơ. Về vần điệu, câu bốn rất hợp vận với "mong chờ" ở câu hai và câu thơ đọc lên thấy một vẻ tha thướt, tuy vậy, về ý thơ ,có lẽ nên cân nhắc. Ta có thể hiểu giấc mơ trong câu thơ rất đẹp và T.H đã chia sẻ với người nhưng sao T.H vẫn ao ước sẽ gặp trong mộng một ước mơ đẹp hơn,“êm đềm” hơn giấc mơ của hai người? Có “tham” quá chăng?

Nếu là tôi thì có lẽ chỉ ước gì “giấc mơ xưa” đừng tan vỡ:
“Lỡ khi người có về trong mộng
Chắp lại cùng người một giấc mơ”

Khổ ba của bài thơ lại diễn tả một tâm trạng tuyệt vọng, chấp nhận: Còn gì mà ước mơ , những kỷ niệm xưa dù ta có tha thiết bao nhiêu thì, tới một ngày nào đó, cũng sẽ cùng ta đi vào chốn hư không!
Tôi gởi cho người nửa chiếc khăn
nửa kia tôi cất để khi nằm
trong quan tài đỡ hồn hoang lạnh
nửa tấm khăn dành thay gối chăn

Theo bài thơ của T.H tới đây tôi chợt nhớ mình dường như bỏ sót khổ đầu của bài thơ
Tôi gởi cho người nửa đóa hoa
nửa kia tôi cất để khi già
nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
và tưởng đến người xa rất xa

Khổ này và khổ hai nằm trong cùng một ý thơ,tuy nhiên tôi dừng lại ở hình tượng “nửa đóa hoa”. Trong thi ca hình tượng dùng để diễn tả một ý thơ. Hình tượng phải làm nổi bật và tương xứng với ý thơ mà thi nhân muốn diễn tả. Với một tứ thơ đẹp thì hình tượng cũng phải tương xứng. Đóa hoa của T.H có thể là một tình yêu, có thể là một kỷ niệm đẹp. Còn “nửa đóa hoa” thì thế nào? Trước hết , nửa đóa hoa thì không còn vẻ đẹp của một đóa hoa. Và làm sao để có nửa đóa hoa? ta cắt theo chiều dọc hay theo chiều ngang? Nhưng dù cắt theo chiều nào thì nửa đóa hoa cũng không trọn vẹn, không đẹp, tức không tương ứng với ý thơ. Có nên thay hình ảnh “nửa đóa hoa” bằng “một cánh hoa”?
Tôi gửi cho người một cánh hoa
Cánh kia tôi giữ để khi già
Nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
Và tưởng đến người xa rất xa

Cuối cùng về bố cục bài thơ,có lẽ nên chuyển khổ thơ bốn lên vị tri của khổ thơ ba và đổi khổ ba xuống dưới.Trong khổ bốn Thanh Hương vẫn còn ước mơ trong khi khổ ba thì đã là ‘Tình tuyệt vọng” khi người thơ đi trọn đường trần. Như vậy thi tứ đi dần từ sự luyến tiếc những kỷ niệm rồi tới những ước mơ, dù vô vọng, và cuối cùng là chấp nhận một sự vô thường.
Nguyễn Trần Trác

19 tháng 6, 2011

Cho dù


cho dù người đã xa xôi
chắc gì người sẽ hết đời sầu đau
cho dù mình muốn xa nhau
chắc gì mình sẽ quên mau hỡi người
cho dù đêm ngóng xa vời
cho dù ngày đứng cuối trời gió mưa
chắc gì quên mắt xa xưa
chắc gì quên được lời thưa thuở nào
cửa xưa người đã bước vào
chắc gì mở được mây rào mà ra
cho dù năm tháng phôi pha
chắc gì tôi hết xót xa giận hờn
ừ thì sợi khói đành buông
ừ thì giọt nắng cuối đường cũng tan
cho dù tình hết gian nan
chắc gì lòng hết mênh mang giữa đời
tim đau xé nát môi cười
chắc gì quên được một người dẫu xa.

trần thanh hương

17 tháng 6, 2011

Sông núi


người gọi người nghe tiếng gì không
sao thanh âm quặn thắt trong lòng
nghe trăm con nước về trên sóng
nghe bạc đầu sông lạnh tới nguồn

đêm hỏi ngày có khác gì không
lá hỏi cây sao vắng hương nồng
yêu nhau dẫu biết tình vô vọng
hai ngã xa vời vẫn ngóng trông

núi ngó trời có thấy gì không
nghe mênh mông tiếng gió xa gần
mây xưa lạc nẻo về muôn ngã
bỏ mặc mưa buồn vương gót chân

sông lặng nhìn núi đứng bơ vơ
dạt về đâu những thoáng mong chờ
núi hiu hắt đợi niềm đau tới
sông cũng lạnh buồn trong cõi thơ

người hỏi người có biết gì hơn
chuyện yêu thương sao cũng vô thường
mây xưa cũng vội tan theo gió
sông núi sao đành chia mấy phương.

trần thanh hương

15 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ1)

Khi tôi về

Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc lại thơ của T.H. Thơ của T.H không chỉ là thơ mà, nhiều hơn, là một tâm sự; vì vậy khi đọc thơ, ta cảm thấy một sự gần gũi như đang nghe tâm tình của một người bạn.
Có những câu thơ sâu lắng, gợi ra nhiều cảm xúc, khiến tôi đọc lại nhiều lần. Tôi muốn nêu ra một thí dụ như trong mấy câu thơ sau trong bài thơ “Khi tôi về”:
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi
Người xưa sao không thấy đứng bên thềm
Hành lang vắng khuôn viên buồn rủ rượi
Lá me già như cũng nặng nề hơn”

Tôi dừng lại nhiều lần khi đọc hai câu đầu, nhất là ở câu hai “Người xưa sao không thấy đứng bên thềm”. Có thể tôi và người đã có những kỷ niệm rất đẹp ? Có thể nơi hành lang kia người đã đứng cùng tôi… nhìn mưa? Ngôi trường xưa dường như vẫn chờ tôi hay có ý đợi cả hai người?...

Thật là thích thú khi đọc thơ của N.T.T , tôi thấy một bài cùng chủ đề. Bài thơ “Chốn cũ”:
“Lâu lắm mới về qua chốn cũ
Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người
Đâu những trưa hè ngây ngất nắng
Em về áo trắng lá me rơi”

Hai tâm trạng diễn tả bởi hai đoạn thơ dường như giống nhau nhưng sắc thái có khác. Trong hai câu đầu của T.H, ta nhận thấy một sự gắn bó, một tình cảm chung thủy, một sự hoài niệm , một nỗi niềm khắc khoải :
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi,
người xưa sao không thấy đứng bên thềm?”

Ngược lại,trong hai câu đầu đoạn thơ của N.T.T diễn tả người trở về thăm lại chốn cũ, nhìn ngôi trường xưa, các phòng học cũ , biết bao kỷ niệm xưa hiện về, người đứng bâng khuâng nhưng đối với cảnh vật, người xưa dường như đã thành khách lạ:
"Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người"
Trong sân trường vắng lặng, N.T.T vẫn còn mường tượng những buổi trưa ngày xưa em tan học :
“Đâu những trưa hè ngây ngất nắng,
em về áo trắng lá me rơi”

Những hình ảnh cũng rất tương phản. Với T.H : "Hành lang vắng, khuôn viên buồn rũ rượi" thì trong thơ N.T.T : “Đâu những trưa hè ngây ngất nắng”
Và cả những chiếc lá me li ti của hai người sao cũng rất khác nhau.
Lá me của T.H thì:
“Lá me già như cũng nặng nề hơn”.

Trong câu thơ của N.T.T thì người đọc cảm thấy lá me rất nhẹ. Những chiếc lá me xanh non nhẹ nhàng, ngập ngừng rơi trên vai áo ai khi tan trường:
“Em về áo trắng lá me rơi”

T.H đã mô tả những chiếc lá me khi mình trở về ngôi trường cũ, lòng nặng trĩu những kỷ niệm xưa nên “lá me già như cũng nặng nề hơn”. Còn N.T.T về thăm lại chốn xưa, nhìn những cây me ở cổng trường, nhớ lại những chiếc lá me ngày xưa rơi trên áo ai khi tan học: những chiếc lá me của một thời thơ mộng.

Có một điều lạ là hai đoạn thơ có nhiều hình ảnh tương phản nhưng vẫn gây ra những cảm xúc như nhau.

Nguyễn Trần Trác

Nguyễn Trần Trác là cựu SV Đại học Sư phạm Saigon, ban Lý Hóa, 1963-1967. Giáo sư nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho, 1967-1973. Giảng sư Vật lý ĐHSPSG, 1973-2005.

14 tháng 6, 2011

gởi anh


chiều ra đứng ngó mây trôi
con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai
anh ơi sương khói lên đầy
anh ơi người ở chốn nầy buồn thiu
anh ơi lòng đã đau nhiều
anh ơi còn nhớ mưa chiều nắng mai
chúng mình tuy một mà hai
xa nhau sông núi đổi thay hướng đời
gởi cho anh chút mây trời
gởi cho anh chút nắng rời cuối sân
gởi cho nhau xót xa gần
gởi cho nhau những ân cần đã xa
ngại ngùng nhớ giấc mơ qua
anh ơi sầu đắng trong ta lại đầy.

trần thanh hương

11 tháng 6, 2011

Thư gửi người


người muốn em viết những chuyện gì?
lời thơ buồn như giọng cổ thi
cho nhau một chút tình tan vỡ
gom lại thành câu lạc xuân thì

người muốn em nhắc chuyện hôm nào?
nắng hạ về trong gió lao xao
thương con chim nhỏ rời xa tổ
thương cả tình ta thiếu ngọt ngào

người muốn em nói chuyện khác đời?
con sông khờ kiếm mãi mây trôi
lang thang gió tạt về bên núi
sông núi cùng đau nghẹn tiếng cười

người muốn em viết một đôi dòng?
có ai t
ìm góp lá trên sông
có ai gom cả hồn thơ dại
gởi trả hư không một chút lòng

người muốn em kể chuyện dông dài?
xa nhau rồi lòng cũng chia hai
ai hơi đâu giữ tình xưa mãi
em nhớ người ơi lạnh chốn này.
trần thanh hương

6 tháng 6, 2011

Trên sân tennis

Giải Roland-Garros của Pháp năm nay đã kết thúc. Về phía nam kết quả không có gì đáng ngạc nhiên với Nadal (Espagnol) thắng Federer (Suisse) 3/1, ngược lại về phía nữ mọi ngưòi hơi bất ngờ với Li Na (Chinoise) hạ Schiavone (Italienne) 2/0, một điều khá hiếm hoi vì chỉ cách đây vài tháng, Li Na đã bị Kim Clijsters (Belge) đánh bại trong kỳ Open d'Australie vào tháng 1/2011 và năm ngoái cũng ở Roland-Garros 2010, Li Na đã bị Schiavone loại ngay từ vòng thứ 3 của trận đấu. Dù hơi bất ngờ nhưng quan sát phong cách của Li Na trên sân tennis, không ai có thể phủ nhận là Li Na rất xứng đáng để lãnh giải thưởng nầy. Khi nghe bài quốc ca của Trung quốc (tức là quốc gia của người thắng giải) được trổi lên, tự nhiên tôi nghe tim mình hơi nhói đau với ý nghĩ "đàn anh Trung Quốc vĩ đại của nước Việt Nam nhỏ bé lại vừa làm thêm được một bàn thắng trên địa hạt quốc tế !" , "đàn anh" đang thôn tính dần dần "đàn em" và vừa "nuốt" đàn em kế bên vừa nhìn quanh tìm thêm "mồi" khác ở xa hơn… "cá lớn nuốt cá bé " cái định luật man rợ nầy muôn đời vẫn không thay đổi!!!

Tuy trận đấu chung kết chiều Chúa Nhật 5/6 diễn ra rất gay cấn giữa Nadal và Federer nhưng tôi lại giữ nhiều ấn tượng hơn về trận bán kết vào chiều thứ sáu 3/6 giữa Djokovic (Serbe) và Federer. Tôi vốn là fan của Federer, không kể đến kỹ thuật đánh đỡ đầy kinh nghiệm mà một tennisman được xếp hạng 3 trên thế giới hẳn nhiên phải có, điều khiến tôi khâm phục là Federer luôn luôn giữ được cho mình thái độ điềm tĩnh ôn hòa trên sân chơi, một phong cách từ tốn mà vẫn không thiếu vẻ tự tin, nói theo kiểu tây là rất "classe". Djokovic, đối thủ của Federer là tennisman hạng 2 trên thế giới và bỏ khá xa Federer về số điểm. Sau 4 set gay cấn, cuối cùng Federer đã thắng Djokovic 3/1. Nếu Federer đã giữ được sự bình tĩnh tự tin suốt trận đánh thì Djokovic đã đôi lần không dấu được những nhăn nhó bất mãn khi không vừa ý. Có hai lần Djokovic đánh hỏng bị mất điểm, cả hai lần tôi đều thấy Djokovic nhếch miệng cười nhẹ vừa liếc nhìn lên phía khán đài nơi có Bố Mẹ của mình đang ngồi xem. "Tiếu tựa văn nhân lạc đệ thì " , người xưa cười khi nghe tin thi rớt chắc cũng chỉ chua chát như nụ cười của Djokovic ngày nay khi biết mình sắp bị đánh bại là cùng chứ gì? Mà không chua chát sao được vì từ mấy năm nay, hầu như Djokovic luôn luôn giữ phần thắng, chỉ riêng mùa đấu 2010-2011, Djokovic đã thắng 43 trên 44 trận tham dự và người ta đã ví Djokovic với Mc Enroe của thập niên 70-80, chỉ khác là Mc Enroe là người rất nóng tính, khi có điều không vừa ý là luôn luôn sẵn sàng la lối thay vì "tiếu tựa văn nhân lạc đệ thì " như Djokovic.

Trong số báo Express cuối tháng 5 vừa rồi có một bài phỏng vấn Björn Borg, một vua tennis, đối thủ số một của Mc Enroe vào những năm 75-80. Borg cũng từng thắng 6 lần giải Roland-Garros giống như Rafael Nadal và ngược với Mc Enroe, Borg là người rất trầm tĩnh nên được báo chí thời bấy giờ mệnh danh là "iceborg". Borg kể: năm 1978, trong một lần tranh giải ở Nouvelle-Orléans (USA), đối thủ của Borg là Mc Enroe. Trong set thứ 2, cả hai huề với tỷ số 3-3. John Mc Enroe tỏ ra rất bực bội nóng nảy. Thấy Mc Enroe quá mất bình tĩnh không còn kiểm soát được mình nữa, Borg quyết định giúp đỡ đối thủ bằng cách tiến tới sát lưới và kêu "John, tới đây!" Mc Enroe ngỡ ngàng nhìn Borg, Borg tiếp tục nói "bình tĩnh nào, John, có gì quan trọng đâu, đây chỉ là một trò chơi mà thôi, rồi mọi sự sẽ đâu vào đấy mà thôi…". Thoạt tiên, Mc Enroe đã nhìn Borg như nhìn một đứa dở hơi và chẳng buồn nói gì nhưng sau đó, Mc Enroe trầm tĩnh lại dần và cuối cùng đã thắng trận đấu. Từ đó hai người trở thành bạn thân với nhau.

Trên một mảnh sân tennis nhỏ bé, ý nghĩ mình chỉ đang tham dự một trò chơi, chẳng có gì là quan trọng hết cả… đủ để đưa hai đối thủ trở thành hai người bạn thân thiết. Trong sân đời rộng lớn muôn mặt nầy, có mấy người là Borg để giúp biết bao Mc Enroe tìm lại được cho tâm hồn mình sự bình an cần thiết ?
thứ hai, 06/06/2011
trần thanh hương

3 tháng 6, 2011

Đâu rồi ?


tiếng yêu người bỏ đâu rồi?
lời thương người bỏ bên trời lãng quên?
xa nhau đá cũng hóa mềm
mất nhau đời cũng hóa đền miếu hoang
vẫn mùi hương cũ chưa tan
mà lòng người đã ngỡ ngàng bay xa
chia cùng em chút phong ba
đau cùng em giấc mơ hoa muộn nầy
người về nhìn nắng trên cây
em về nhìn gió đưa mây cuối trời
tiếng yêu người bỏ đâu rồi?
lời thương người bỏ, chao ơi nghẹn ngào.

trần thanh hương