]]>

22 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 2)

Gởi người

Trong cảnh biệt ly, người thiếu phụ vò võ trong phòng khuê, chợt thấy ánh trăng lạnh lẽo chiếu qua cửa sổ, nàng ngước nhìn lên bầu trời đêm thì chỉ thấy một vầng trăng khuyết, nhớ tới người đi, cảm thán:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Đây là cách diễn tả ước lệ được Nguyễn Du xử dụng và diễn tả một cách tài tình tâm trạng nhớ nhung của người thiếu phụ khi chồng đi xa. Đọc hai câu thơ ta có thể hình dung được sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng người thiếu phụ.

Cách diễn tả ước lệ này cũng được T.H xử dụng trong bài thơ“ Gửi người”. Tôi hãy trích khổ hai của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa mảnh gương
nửa kia tôi cất để đêm trường
soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
nơi tháng năm nào thuở nhớ thương

Nửa tấm gương vẫn là một tấm gương, vì khi ta nhìn trong một mảnh gương, ta vẫn thấy trọn vẹn hình ảnh. Đọc đoạn thơ này, ta nhớ tới câu thơ của vua Tự Đức thương khóc Bằng phi :
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.

nhưng T.H diễn đạt một cách hiện đại hơn
“ Soi gương ngóng lại từng nhân ảnh
Nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.

Tuy nhiên ,chữ “ ngóng” của T.H có lẽ nên cân nhắc. “Ngóng” có ý là chờ đợi, thí dụ: ngóng trông; nghĩa là chờ một điều gì đó chưa xảy ra. Ở đây ta thấy chữ “ tìm” của vua Tự Đức đắc địa hơn “Soi gương tìm lại từng nhân ảnh”.

Đọc đoạn thơ của T.H, tôi chợt liên tưởng tới niềm riêng của một thiếu nữ mà tôi đã đọc qua hai câu thơ cách nay đã 40 năm:
“Mai xa cách theo dòng năm tháng
Còn một chút gì để nhớ thương”

Dài ngắn khác nhau nhưng cùng một thi tứ.

Khổ bốn của bài thơ:
Tôi gởi cho người nửa giấc mơ
nửa kia tôi cất để mong chờ
lỡ khi người có về trong mộng
mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ.

Trong khổ này, “giấc mơ” vẫn là trong đời thực, dù mơ ước có thể không thành nhưng “mộng” thì chỉ có trong giấc ngủ. Tuy nhiên ,đọc khổ bốn của bài thơ người ta vẫn cảm được một mơ ước dù chỉ trong mơ. Về vần điệu, câu bốn rất hợp vận với "mong chờ" ở câu hai và câu thơ đọc lên thấy một vẻ tha thướt, tuy vậy, về ý thơ ,có lẽ nên cân nhắc. Ta có thể hiểu giấc mơ trong câu thơ rất đẹp và T.H đã chia sẻ với người nhưng sao T.H vẫn ao ước sẽ gặp trong mộng một ước mơ đẹp hơn,“êm đềm” hơn giấc mơ của hai người? Có “tham” quá chăng?

Nếu là tôi thì có lẽ chỉ ước gì “giấc mơ xưa” đừng tan vỡ:
“Lỡ khi người có về trong mộng
Chắp lại cùng người một giấc mơ”

Khổ ba của bài thơ lại diễn tả một tâm trạng tuyệt vọng, chấp nhận: Còn gì mà ước mơ , những kỷ niệm xưa dù ta có tha thiết bao nhiêu thì, tới một ngày nào đó, cũng sẽ cùng ta đi vào chốn hư không!
Tôi gởi cho người nửa chiếc khăn
nửa kia tôi cất để khi nằm
trong quan tài đỡ hồn hoang lạnh
nửa tấm khăn dành thay gối chăn

Theo bài thơ của T.H tới đây tôi chợt nhớ mình dường như bỏ sót khổ đầu của bài thơ
Tôi gởi cho người nửa đóa hoa
nửa kia tôi cất để khi già
nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
và tưởng đến người xa rất xa

Khổ này và khổ hai nằm trong cùng một ý thơ,tuy nhiên tôi dừng lại ở hình tượng “nửa đóa hoa”. Trong thi ca hình tượng dùng để diễn tả một ý thơ. Hình tượng phải làm nổi bật và tương xứng với ý thơ mà thi nhân muốn diễn tả. Với một tứ thơ đẹp thì hình tượng cũng phải tương xứng. Đóa hoa của T.H có thể là một tình yêu, có thể là một kỷ niệm đẹp. Còn “nửa đóa hoa” thì thế nào? Trước hết , nửa đóa hoa thì không còn vẻ đẹp của một đóa hoa. Và làm sao để có nửa đóa hoa? ta cắt theo chiều dọc hay theo chiều ngang? Nhưng dù cắt theo chiều nào thì nửa đóa hoa cũng không trọn vẹn, không đẹp, tức không tương ứng với ý thơ. Có nên thay hình ảnh “nửa đóa hoa” bằng “một cánh hoa”?
Tôi gửi cho người một cánh hoa
Cánh kia tôi giữ để khi già
Nhìn hoa nhớ lại hồn năm cũ
Và tưởng đến người xa rất xa

Cuối cùng về bố cục bài thơ,có lẽ nên chuyển khổ thơ bốn lên vị tri của khổ thơ ba và đổi khổ ba xuống dưới.Trong khổ bốn Thanh Hương vẫn còn ước mơ trong khi khổ ba thì đã là ‘Tình tuyệt vọng” khi người thơ đi trọn đường trần. Như vậy thi tứ đi dần từ sự luyến tiếc những kỷ niệm rồi tới những ước mơ, dù vô vọng, và cuối cùng là chấp nhận một sự vô thường.
Nguyễn Trần Trác