]]>

24 tháng 2, 2012

bỏ núi


mai em bỏ núi lên rừng
bỏ xôn xao đó bỏ mừng tủi đây
bỏ người ngồi nhớ thơ ngây
bỏ ai ngồi ngó mưa lay áo vàng
mai em bỏ phố lên ngàn
gởi cho người giấc mơ tàn rồi thôi
cuối đường là nẻo chia phôi
cuối hồn là núi đơn côi đợi chờ
mai em bỏ bến lên bờ
gom trăm con nước hững hờ tặng ai
gom sầu chật cả hai tay
gom thêm một chút đắng cay tặng đời
mai em bỏ suối lên đồi
nghe mênh mông tiếng gọi mời nỗi đau
thôi thì mình đã xa nhau
mai qua đâu đó trước sau vẫn buồn.


thơ & tranh: trần thanh hương

21 tháng 2, 2012

đi & đến

Mười mấy năm trước, mở cuốn "Ký " của Nguyễn Hữu Nghĩa, tôi bị thu hút bởi bài tựa của Võ Phiến. Mười mấy năm sau, vô tình cầm lại cuốn sách cũ, vẫn là bài tựa nầy lôi cuốn sự chú tâm của tôi hơn bất kỳ bài văn nào trong tập truyện, dẫu rằng "du ký của Nguyễn Hữu Nghĩa có sức khua mạnh. Cái du của ông đã nhiều, cái cảm của ông lại tinh, cái ký của ông cũng tài…"

Giới thiệu một tập du ký tràn ngập những chuyến đi với những đổi thay liên miên về địa hình địa vật mà Võ Phiến lại nhắc ngay tới cái hư vô "Mới ba bốn giờ chiều, đôi khi chợt ngẩng đầu khỏi công việc đã bắt gặp và sững sờ trước cái Trống Không. Tưởng chừng ta đột nhiên đối diện với chân tướng cuộc đời và nó cũng bất ngờ chộp được ta. Đôi bên cùng ngỡ ngàng. Và trong tâm hồn ta vào những lúc như thế là cả một tan hoang… Mọi biểu thị huênh hoang, mọi phô diễn năng lực một cách vô bổ, mọi cái thừa thãi đều hóa ra bẽ bàng. Những ảo tưởng bên bờ vực Hư Vô. Như thế còn nói làm chi đến cái nông nổi đời người lúc năm sáu giờ chiều…"

Người ta hay có thói quen so sánh tuổi con người với bốn mùa xuân hạ thu đông, ông Võ Phiến lại "hà tiện" hơn một bậc, ông so sánh tuổi con người chỉ với 24 giờ của một ngày và năm sáu giờ chiều là lúc hoàng hôn, buồn thiệt! Vậy thì để cho đỡ buồn tủi, đỡ tiếc nuối vào buổi hoàng hôn, hãy tận dụng thời gian từ sáng sớm cho đến chiều để "đi" cho thỏa chí tang bồng như Nguyễn Hữu Nghĩa đã kể trong "Ký" (hay như Nguyễn Tuân ngày xưa trong "Vang bóng một thời"). Thế nhưng, vẫn theo Võ Phiến: "…bôn chôn xuôi ngược, chẳng qua là một ham hố điên cuồng… cả cuộc nhân sinh là những bước chạy quáng quàng say mê không đích…". Đọc tới đây, ít nhiều, Võ Phiến đã gợi trong tôi ý nghĩ "nên ngồi một chỗ cho khoẻ thân, đi với chạy chi hoài cho mệt!"

Nhưng "đi" đã vậy còn "đến" thì sao? Năm 20 tuổi tôi được một người bạn trai chép cho 4 câu thơ của Tô Đông Pha, không giỏi chữ Hán chút nào vậy mà tôi lại thuộc nằm lòng

Lô sơn yên tỏa, Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.


Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi, hóa cũng không gì lạ
Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang.
( Trúc Thiên dịch )


Nghĩ đến cảnh thi nhân sau bao gian nan vất vả để đến được Lô sơn, ngẩng nhìn lên, chỉ thấy núi vô tri bất động, đến Chiết giang, cúi nhìn sông, chỉ thấy nước hờ hững vô tình… chẳng có gì khác! Nghĩ đến cảnh thi nhân thờ thẩn quay về với cõi lòng trống không, với bao nhiêu hình ảnh tưởng tượng về núi Lô sông Triết đã tan tành… tôi bỗng thấm thía nỗi cô đơn không cùng của Tô Đông Pha sau khi đã "đến". Hẳn thi nhân, con người giàu tưởng tượng, đã đau đớn "ngộ" ra rằng giữa hy vọng và thất vọng chỉ là một giây tơ vô cùng mong manh hư ảo.

trần thanh hương

14 tháng 2, 2012

nhắc lại


anh có về qua ngõ năm xưa
nhớ cất giùm em một chút hương thừa
nhớ níu giùm em mây mù mịt lối
nhớ giữ cho bền một ít mưa thưa

anh có về thăm lại vườn xưa
nhớ ngó giùm em cây khế sai mùa
hoa vẫn tím buồn khơi sầu cô quạnh
dẫu tháng năm tàn anh biết hay chưa

anh có về trường cũ hôm nay
thấy áo ai bay nhớ nhốt cho đầy
một chút nắng vàng khi chiều mưa tạnh
em ở nơi nầy chỉ có heo may

anh có về thăm lại thầy cô
nhớ vẽ cho em một bức dư đồ
chép lại giùm em đôi vần ly biệt
bởi trước sau gì rồi cũng hư vô

anh có về tìm bóng ngày xưa
nhắc lại giùm em nhớ mấy cho vừa
người xa biền biệt trời thiên cổ
ai đợi ai hoài lạnh buốt tay đưa.

trần thanh hương

10 tháng 2, 2012

tên ai


sách đời đóng mở trên vai
ai qua nhạt dấu vân hài
biết tìm đâu mùa xưa ấy
khi đường về đã chia hai

sương gầy lạnh buốt trên môi
người đi như gió xa trời
ngẩn ngơ nghe mình bỗng lạ
tìm hoài đâu đó tôi ơi

nhớ gì ngày cũ xa xôi
khi trang hạnh phúc khép rồi
chỉ còn đôi tờ giấy mỏng
lạc loài theo tháng năm trôi

xót xa là cuối niềm vui
đắng cay là cuối ngọt bùi
trùng phùng là mầm chia biệt
cuối đường là dấu ngăn đôi

sách đời nặng trĩu trên vai
yêu thương là tiếng thở dài
bâng khuâng tay đời lật mãi
trang đời ai viết tên ai.

trần thanh hương

4 tháng 2, 2012

về đâu


em về xõa tóc bên sông
hồn tan theo sóng mênh mông cuối trời
em về ngậm kín môi cười
sầu nghiêng theo giọt nắng rời lẻ loi
em về đập vỡ gương soi
hình xưa đâu thấy bóng ngoài cõi mơ
em về chắp lại vần thơ
chữ yêu thương ghép chữ ngờ chợt đau
"em về mấy thế kỷ sau
nhìn trăng còn thấy nguyên mầu hay không" *
thưa rằng trăng vẫn mênh mông
thưa rằng đời vẫn sắc không một mầu
ơi dòng thơ chảy về đâu
mà sao hồn mãi đầy câu muộn phiền
ơi người mơ chuyện thần tiên
nghìn năm sau vẫn thiên niên kỷ buồn
em về nhìn khói chiều buông
bơ vơ con nước xa nguồn mù khơi
trăng về nửa bóng chơi vơi
em về nửa bóng trời ơi thật buồn.
trần thanh hương

* thơ Bùi Giáng