]]>

21 tháng 2, 2012

đi & đến

Mười mấy năm trước, mở cuốn "Ký " của Nguyễn Hữu Nghĩa, tôi bị thu hút bởi bài tựa của Võ Phiến. Mười mấy năm sau, vô tình cầm lại cuốn sách cũ, vẫn là bài tựa nầy lôi cuốn sự chú tâm của tôi hơn bất kỳ bài văn nào trong tập truyện, dẫu rằng "du ký của Nguyễn Hữu Nghĩa có sức khua mạnh. Cái du của ông đã nhiều, cái cảm của ông lại tinh, cái ký của ông cũng tài…"

Giới thiệu một tập du ký tràn ngập những chuyến đi với những đổi thay liên miên về địa hình địa vật mà Võ Phiến lại nhắc ngay tới cái hư vô "Mới ba bốn giờ chiều, đôi khi chợt ngẩng đầu khỏi công việc đã bắt gặp và sững sờ trước cái Trống Không. Tưởng chừng ta đột nhiên đối diện với chân tướng cuộc đời và nó cũng bất ngờ chộp được ta. Đôi bên cùng ngỡ ngàng. Và trong tâm hồn ta vào những lúc như thế là cả một tan hoang… Mọi biểu thị huênh hoang, mọi phô diễn năng lực một cách vô bổ, mọi cái thừa thãi đều hóa ra bẽ bàng. Những ảo tưởng bên bờ vực Hư Vô. Như thế còn nói làm chi đến cái nông nổi đời người lúc năm sáu giờ chiều…"

Người ta hay có thói quen so sánh tuổi con người với bốn mùa xuân hạ thu đông, ông Võ Phiến lại "hà tiện" hơn một bậc, ông so sánh tuổi con người chỉ với 24 giờ của một ngày và năm sáu giờ chiều là lúc hoàng hôn, buồn thiệt! Vậy thì để cho đỡ buồn tủi, đỡ tiếc nuối vào buổi hoàng hôn, hãy tận dụng thời gian từ sáng sớm cho đến chiều để "đi" cho thỏa chí tang bồng như Nguyễn Hữu Nghĩa đã kể trong "Ký" (hay như Nguyễn Tuân ngày xưa trong "Vang bóng một thời"). Thế nhưng, vẫn theo Võ Phiến: "…bôn chôn xuôi ngược, chẳng qua là một ham hố điên cuồng… cả cuộc nhân sinh là những bước chạy quáng quàng say mê không đích…". Đọc tới đây, ít nhiều, Võ Phiến đã gợi trong tôi ý nghĩ "nên ngồi một chỗ cho khoẻ thân, đi với chạy chi hoài cho mệt!"

Nhưng "đi" đã vậy còn "đến" thì sao? Năm 20 tuổi tôi được một người bạn trai chép cho 4 câu thơ của Tô Đông Pha, không giỏi chữ Hán chút nào vậy mà tôi lại thuộc nằm lòng

Lô sơn yên tỏa, Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều.


Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi, hóa cũng không gì lạ
Khói toả Lô Sơn, sóng Chiết Giang.
( Trúc Thiên dịch )


Nghĩ đến cảnh thi nhân sau bao gian nan vất vả để đến được Lô sơn, ngẩng nhìn lên, chỉ thấy núi vô tri bất động, đến Chiết giang, cúi nhìn sông, chỉ thấy nước hờ hững vô tình… chẳng có gì khác! Nghĩ đến cảnh thi nhân thờ thẩn quay về với cõi lòng trống không, với bao nhiêu hình ảnh tưởng tượng về núi Lô sông Triết đã tan tành… tôi bỗng thấm thía nỗi cô đơn không cùng của Tô Đông Pha sau khi đã "đến". Hẳn thi nhân, con người giàu tưởng tượng, đã đau đớn "ngộ" ra rằng giữa hy vọng và thất vọng chỉ là một giây tơ vô cùng mong manh hư ảo.

trần thanh hương