]]>

15 tháng 6, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ1)

Khi tôi về

Thỉnh thoảng, những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc lại thơ của T.H. Thơ của T.H không chỉ là thơ mà, nhiều hơn, là một tâm sự; vì vậy khi đọc thơ, ta cảm thấy một sự gần gũi như đang nghe tâm tình của một người bạn.
Có những câu thơ sâu lắng, gợi ra nhiều cảm xúc, khiến tôi đọc lại nhiều lần. Tôi muốn nêu ra một thí dụ như trong mấy câu thơ sau trong bài thơ “Khi tôi về”:
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi
Người xưa sao không thấy đứng bên thềm
Hành lang vắng khuôn viên buồn rủ rượi
Lá me già như cũng nặng nề hơn”

Tôi dừng lại nhiều lần khi đọc hai câu đầu, nhất là ở câu hai “Người xưa sao không thấy đứng bên thềm”. Có thể tôi và người đã có những kỷ niệm rất đẹp ? Có thể nơi hành lang kia người đã đứng cùng tôi… nhìn mưa? Ngôi trường xưa dường như vẫn chờ tôi hay có ý đợi cả hai người?...

Thật là thích thú khi đọc thơ của N.T.T , tôi thấy một bài cùng chủ đề. Bài thơ “Chốn cũ”:
“Lâu lắm mới về qua chốn cũ
Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người
Đâu những trưa hè ngây ngất nắng
Em về áo trắng lá me rơi”

Hai tâm trạng diễn tả bởi hai đoạn thơ dường như giống nhau nhưng sắc thái có khác. Trong hai câu đầu của T.H, ta nhận thấy một sự gắn bó, một tình cảm chung thủy, một sự hoài niệm , một nỗi niềm khắc khoải :
“Khi tôi về trường xưa chừng vẫn đợi,
người xưa sao không thấy đứng bên thềm?”

Ngược lại,trong hai câu đầu đoạn thơ của N.T.T diễn tả người trở về thăm lại chốn cũ, nhìn ngôi trường xưa, các phòng học cũ , biết bao kỷ niệm xưa hiện về, người đứng bâng khuâng nhưng đối với cảnh vật, người xưa dường như đã thành khách lạ:
"Trường lớp bâng khuâng, cảnh lạ người"
Trong sân trường vắng lặng, N.T.T vẫn còn mường tượng những buổi trưa ngày xưa em tan học :
“Đâu những trưa hè ngây ngất nắng,
em về áo trắng lá me rơi”

Những hình ảnh cũng rất tương phản. Với T.H : "Hành lang vắng, khuôn viên buồn rũ rượi" thì trong thơ N.T.T : “Đâu những trưa hè ngây ngất nắng”
Và cả những chiếc lá me li ti của hai người sao cũng rất khác nhau.
Lá me của T.H thì:
“Lá me già như cũng nặng nề hơn”.

Trong câu thơ của N.T.T thì người đọc cảm thấy lá me rất nhẹ. Những chiếc lá me xanh non nhẹ nhàng, ngập ngừng rơi trên vai áo ai khi tan trường:
“Em về áo trắng lá me rơi”

T.H đã mô tả những chiếc lá me khi mình trở về ngôi trường cũ, lòng nặng trĩu những kỷ niệm xưa nên “lá me già như cũng nặng nề hơn”. Còn N.T.T về thăm lại chốn xưa, nhìn những cây me ở cổng trường, nhớ lại những chiếc lá me ngày xưa rơi trên áo ai khi tan học: những chiếc lá me của một thời thơ mộng.

Có một điều lạ là hai đoạn thơ có nhiều hình ảnh tương phản nhưng vẫn gây ra những cảm xúc như nhau.

Nguyễn Trần Trác

Nguyễn Trần Trác là cựu SV Đại học Sư phạm Saigon, ban Lý Hóa, 1963-1967. Giáo sư nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho, 1967-1973. Giảng sư Vật lý ĐHSPSG, 1973-2005.