]]>

4 tháng 12, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 4)

Sự hoài cảm trong thơ tth


Cậu bé Nguyễn Bính, sau này là nhà thơ, ở cạnh một nhà hàng xóm có hai chị em. Cô em tên là Nhi cùng trạc tuổi với Bính. Hai đứa trẻ hàng ngày chơi đùa với nhau. Bính thường sang nhà Nhi. Có lần, nhân ngày giỗ bên nhà Nhi, Bính và Nhi được cho uống chút rượu ai ngờ hai đứa bị say, ôm nhau ngủ tới sáng. Chị của Nhi bắt gặp chế mãi khiến:
“Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười”

Một ngày, gia đình cô hàng xóm dọn đi nơi khác, để lại trong lòng cậu bé Bính đa cảm những nuối tiếc khôn nguôi. Sau này khi đã trưởng thành, đã là một nhà thơ, Nguyễn Bính vẫn không quên cô bạn hàng xóm ngày xưa, và trong tưởng tượng, có lần Nguyễn Bính gặp lại cô bạn xưa trong cảnh huống
“Chị em mới lấy chồng năm trước
Nhà chị trồng cam ở mé sông
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông…”


Và tưởng tượng tiếp:
“Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng…”


Nhưng rồi nhà thơ tỉnh mộng “Chao ơi ! là mộng hay là thực?” ,tự hỏi : nếu một ngày nào gặp lại thì có còn hình ảnh của cô bé tên Nhi ngày trước? có còn tình cảm ngày xưa? và chàng chợt sợ hãi
“ Chiều nay tôi chắp tay tôi lại
Đừng gặp người xưa nữa lạy trời”


Trong thơ Thanh Hương người ta cũng bắt gặp nhiều nỗi niềm hoài niệm, nhớ thương, nhưng không nhẹ nhàng như thơ Nguyễn Bính, mặc dù đôi khi có những hoài cảm thơ mộng, gợi nhớ
Em đứng bên chùm hoa khế xưa
long lanh giọt nắng gió thu đùa
vàng rơi rất nhẹ trên tà áo
nghe động bên trời cơn gió thưa

Có nhớ không, “Người” đã đứng cùng em bên gốc khế này, trong một buổi sáng có nắng thu vàng rất nhẹ? hay
hình như có một mùi hương lạ
ghé lại bên thềm mưa đổ nghiêng

Nhưng nhìn chung thì những hoài niệm trong thơ T.H day dứt hơn. Nguyễn Bính thì vẫn còn mộng tưởng nhưng thơ T.H thì không, vì biết gửi mộng tưởng về đâu?
Xe đời đã bỏ đi xa
Sao ta còn lại mình ta thẩn thờ

Tuổi mộng đã qua đi, “Người” đã đi vào miền quên lãng, chỉ còn có mình em với những hoài vọng khôn nguôi
Một mình đứng ngẩn trong mưa
nghe như có chút hương thừa quẩn quanh.


Có những khi đi qua những con phố mà ngày nào “Người” cùng em sánh đôi, nhưng giữa hai dòng người xuôi ngược em vẫn thấy con đường sao vắng
Buổi chiều tôi về giữa phố đông
nhìn quanh sao bỗng xót xa lòng
tìm đâu thấy lại ngày thơ dại
giữa một sông đời chia nhớ mong


Những nỗi niềm trong cảnh buồn hiu quạnh của cuộc đời viễn xứ, mong sao, là một chút hương xưa em xin gửi về chốn quê nhà
em ở đó bên ngày buồn hiu quạnh
chờ hương xưa gom nhớ gởi mây ngàn


Khi đọc thơ, người đọc chỉ thấy thơ hay khi cảm nhận được cái tình mà người viết gửi gắm trong thơ. Ta hãy đọc vài câu thơ của nhà thơ Thanh Nam viết trong những ngày hiu hắt ở quê người:
Nửa khuya nghe động tiếng mưa buồn
Mái lạnh hiên người giọt giọt tuôn
Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng
Dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn

Ta cảm nhận được một sự hoài niệm kín đáo, trầm lắng. "Mộng cũ" là một cái gì đã qua, ở đây có thể là người bạn đời? một tình nhân? hay một hình ảnh dịu dàng nào đấy của thủa hoa niên? Nhưng dù là ai, người đọc vẫn nhận thấy giấc mộng đó của nhà thơ đẹp lắm, dù rất mong manh.

T.H cũng có những câu thơ với những hoài niệm đầy xúc động như trên, nhưng tha thiết hơn
Gọi tên người mãi còn mơ
Gọi tên người mãi còn ngơ ngẩn lòng
Tay nào níu giữ hư không
Tay nào đan ngón xuân hồng người ơi


Những câu thơ của Thanh Nam chỉ là một sự hồi tưởng “ Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng, dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn”. Nhà thơ tuy bâng khuâng về một mùi hương cũ, một nét dịu dàng xưa, nhưng không còn mộng tưởng, chấp nhận một hiện tại "đêm khuya nghe mưa lạnh hiên người".
Trong đoạn thơ của Thanh Hương không có cái “tĩnh” như vậy mà ta thấy một sự níu kéo dĩ vãng “Gọi tên người mãi còn mơ, gọi tên người mãi còn ngơ ngẩn lòng”, một sự luyến tiếc day dứt những ngày tuổi hồng đã mất “Tay nào đan ngón xuân hồng người ơi!”
Trong thơ của T.H có rất nhiều những hoài niệm ,luyến tiếc ,nhớ nhung như trên nhưng có lẽ, tới một thời điểm nào đấy, chúng ta sẽ ngộ ra rằng các kỷ niệm, dù rất đẹp, của một thời đã qua, những hình ảnh mà chúng ta từng yêu dấu, những tình cảm thánh thiện của một tuổi hoa niên,… tất cả đều là ảo ảnh, chợt đến chợt đi trong mỗi kiếp người. T.H có lẽ đã ngộ ra điều đó chăng khi viết
Ví dụ bây giờ mình gặp lại nhau
có chắc là vui như buổi ban đầu?

Đặt câu hỏi như vậy có nghĩa là một sự phủ nhận. Tới đây ta thấy có sự tương đồng với ý thơ của Nguyễn Bính
Chiều nay tôi chắp tay tôi lại
Đừng gặp người xưa nữa, lạy trời!

Tuy nhiên, hai câu thơ của nhà thơ thôn dã N.B để lại trong lòng người đọc một sự phân vân: có thật không nhà thơ không muốn gặp lại cô bạn hàng xóm ngày xưa?

Nguyễn Trần Trác