]]>

12 tháng 8, 2011

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 3)

Nhớ gì không?

Một ngày đã rất lâu, tôi đang đi trên đường Phan Thanh Giản, ngày nay là đường Điện Biên Phủ, thì gặp mưa, phải dừng lại trú dưới một mái hiên. Ngoài đường vắng, chỉ thưa thớt có vài chiếc xe phóng nhanh, nhưng một cô bé làm tôi chú ý. Cô mặc chiếc áo dài trắng học trò, tóc để dài, lầm lũi bước trong mưa, không nhìn ai, mặc gió lạnh và những giọt nước mưa dòng dòng trên tóc.Tôi tự hỏi cô bé có tâm sự gì và có phải cô đang khóc? Hình ảnh cô bé ấy trong mưa, mặc dù đã nhiều năm trôi qua, đôi lúc tôi vẫn nhớ lại và hôm nay hình ảnh cô càng hiện lên rõ rệt khi tôi đọc hai câu thơ đầu trong bài thơ “Nhớ gì không” của T. Hương:

Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ
người không về che bớt gió dùm em

Không biết tâm sự cô bé ấy có gì giống với tâm trạng của “em” trong thơ của T.H? Phải chăng ngày xưa, em đã cùng người đi trên con phố này. Ngày đó, nắng rất dịu và bên hiên nhà ai những đóa hoa hồng nở rực rỡ. Nhưng bây giờ thì chỉ có mình em, lẻ loi trong mưa, trên con đường cũ. Cụm hoa ngày xưa đã úa tàn. Và anh có nhớ?

Bên hiên vắng nụ hoa gầy ủ rũ
nhớ gì không ngày đó nắng êm đềm

Câu hai trong khổ thơ này dễ làm ta xúc động: “ Người không về che bớt gió dùm em!”. Dường như câu thơ run rẩy, cô đơn, trách móc.
Anh ạ, trong vũ trụ mênh mông, chúng ta chỉ là những hạt bụi mà đời sống, trong dòng thời gian vô thủy vô chung, chỉ là những sát na ngắn ngủi; vậy tại sao em vẫn thương nhớ khôn nguôi, vẫn loanh quanh trong một khoảng đời trống rỗng:

Cũng như người em chỉ là hạt bụi
bay loanh quanh trong nỗi nhớ khôn cùng
khi đứng lại bên khung đời trơ trụi
nghe tim mình chợt vỡ giữa hư không

Người đọc thơ không khỏi tự hỏi: có ý nghĩa gì không những đau thương, nhung nhớ của một hạt bụi trong một không-thời gian mênh mông miên viễn không cùng? Dường như từ lãnh vực thơ, ta đang chạm vào một phạm trù triết học.

Khổ ba của bài thơ:

Người chập choạng bước dần vô đêm tối
nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ
đêm hiu hắt cúi nhìn tay chỉ rối
có âm thầm đọc mãi một lời thơ

“Người” ở đây có lẽ chỉ là một hình ảnh và “đêm tối” có thể là một cõi hư vô hay một miền quên lãng. Trong thế giới ấy, có bao giờ “Người” nhớ lại thềm nắng ngày xưa, có bao giờ đọc lại lời thơ mà ngày xưa chúng mình trao đổi?

Nếu tôi hiểu đúng ý của khổ thơ thì câu đầu “Người chập choạng bước dần vô đêm tối” T.H viết có vẻ tả thực quá, giống như một câu văn xuôi và người đọc cóthể hiểu theo nghĩa đen (một người có thực đang đi vào bóng đêm). Câu thơ thiếu một chút lãng đãng, nửa thực nửa hư. Tôi liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du khi tả Đạm Tiên trong giấc mơ của Thúy Kiều:
"Sen vàng lãng đãng như gần như xa".
Đọc câu thơ của Nguyễn Du ta thấy một Đạm Tiên như thực như ảo, lãng đãng khói sương.

Đọc tiếp khổ thơ bốn, tôi rất thích hai câu cuối :

Cũng như người em chỉ là giọt lệ
rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn
trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ
mùi hương về gợi nhớ một lần thương

“Trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ, mùi hương về gợi nhớ một lần thương”. Trong cuộc sống lao xao, tất bật, đôi khi trong một thoáng, ta bất chợt bắt gặp một giai điệu, một hình ảnh, một thoáng hương... khiến ta nhớ đến một bóng dáng nào đó đã rất xa. "Một lần thương"… vâng, chỉ một lần thương thôi mà sao tôi vẫn nhớ mãi tới người!

Tôi hơi phân vân ở hai chữ “long lanh” trong câu hai của khổ thơ: “Cũng như người em chỉ là giọt lệ, rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn”. Tĩnh từ “long lanh” thường để chỉ một cái gì linh động, trong sáng, tươi vui, thí dụ: ánh mắt longlanh. Cũng có khi đi với nước mắt, nhưng thường để chỉ những giọt nước mắt hạnh phúc. Ngoài ra, một giọt lệ chỉ long lanh khi còn đọng trên mắt (vì ở trên một nền sáng bóng là bề mặt của nhãn cầu). Khi đã lăn trên má hoặc đọng trên môi thì không thể long lanh được. Không biết có một tĩnh từ nào khác để thay thế hay không?

T.H kết bằng khổ năm của bài thơ:

Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ
người không về nên áo cũng phôi pha
nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà.

Trước hết, phải xin lỗi T.H vì đã sửa ở dòng đầu hai chữ "chiều qua" thành "chiều nay".

Câu đầu của khổ một là: "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ". Nếu để nguyên câu đầu trong khổ thơ cuối "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố nhỏ" thì hai câu thơ gần như là một và ta chỉ có một thời điểm là “chiều qua”. Nhưng nếu sửa : “Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ” thì ta có hai buổi chiều khác nhau. Thời gian trong bài thơ đã được kéo dài ra và ta cảm nhận được một nỗi thương nhớ không cùng dù chỉ một lần thương.

Nguyễn Trần Trác