]]>

23 tháng 12, 2012

Đọc thơ Thanh Hương & Phiếm luận

Tôi  không biết tí xíu gì về thơ nhưng thích đọc thơ.
Đọc những bài thơ về tình yêu, người ta có cảm giác như đang nghe những bản nhạc trữ tình hoặc đang xem bức tranh vẽ người yêu của thi sĩ.

Thơ không có dấu note tạo lên thành tiếng như bản nhạc nhưng nếu đọc đúng theo vần, với một chút tâm tư thì người ta sẽ cảm nhận được một âm thanh êm dịu.

Thơ không có nét, không có màu  sắc như hình vẽ nhưng khi  chỉ ngâm nhẹ cho mình nghe thôi thì chẳng khác gì như đang nhìn một bức tranh của thi sĩ vậy .
Ai không tưởng tượng vẻ đẹp tuyệt vời của Mộng Cầm qua những vần thơ của Hàn Mặc Tử̉ ?

Hôm nay tôi đọc bài CÓ KHÔNG  của Thanh Hương đăng trong tháng 11, cứ mỗi tháng TH đăng lên vài bài thơ chứng tỏ hồn thơ khá sung sức.

Bài thơ CÓ KHÔNG, TH mở đầu bằng những câu hỏi khá lạ
có không gian nào thật dài
chặt ngang nỗi nhớ chêm đầy nỗi đau
có thời gian nào thật sâu
cho ta ở đó thật lâu đợi người

TH không hỏi Ở ĐÂU để tìm tới nơi đợi ai đó ,mà lại hỏi chiều dài của không gian.
Rồi TH lại hỏi có thời gian nào SÂU.
SÂU, CẠN là tĩnh từ dùng cho không gian chớ đâu phải cho thời gian ?

À nhưng mà  thi sĩ nhìn không gian qua ống kính cảm xúc tâm hồn, không gian của thi sĩ  không đo bằng kích thước của đời thường. Thời gian của thi sĩ  là thời gian theo nhịp đập con tim chứ không phải thời gian theo địa cầu  quay vòng  quanh mặt trời. Cho nên thơ không dùng văn phạm hay định nghĩa của tự điển thông thường.

Những vần thơ  hỏi  nầy là lời tự thán  nỗi sầu sâu đậm và dai dẳng của mình không cần ai trả lời.  
  Chặt ngang nỗi nhớ chêm đầy nỗi đau

Theo sự xúc động tâm hồn mà Thanh Hương chơi chữ
   chém chặt nỗi nhớ mạnh hơn ngăn
  chêm đầy nỗi đau mạnh hơn thêm hơn dồn

Dù đau đớn lắm nhưng vẫn kiên nhẫn chấp nhận  chờ đợi, không tính tới thời gian sẽ chiếm bao lâu và không gian sẽ chiếm bao xa, vì  chỉ  có yêu thương là thần dược mới làm quên đi nỗi đau để rồi sẽ cùng nhau
  có vòng tay nào cuối đời
   đưa nhau qua bến ngọt lời yêu đương
   có làn môi nào thơm hương
   cho ta giữ mãi phố phường ấu thơ
Khi  gợi yêu thương thôi, lòng cảm thấy dịu lại nhớ lại những kỷ niệm êm ấm ngày xưa của phố phường thơm hương tình yêu một thuở.

Chơi chữ  tiếp theo:  GIAM HỒN mà không THẢ HỒN mình vào cõi bơ vơ?
giam hồn trong cõi bơ vơ
buông lòng trong mỗi giấc mơ ngậm ngùi

Thì ra phải hiểu GIAM  theo nghĩa GIỮ hồn theo giấc mơ của tuổi thơ ngây được nhiều nuông chiều dịu ngọt  khó quên.
Giấc mơ  là một khoảnh khắc chiêm bao cho  thấy lại những gương mặt thương yêu dầm sương dãi nắng đã khuất.
Thanh Hương đã được thương và đã thương lại. Tình thương lắng đọng trong kỷ niệm, từ thời xa xưa, nhầu nát gió sương nay bỗng trổi lên cao, tràn vào tâm thức và TH muốn đem treo nó lại một nơi nào thật cao để mãi mãi khỏi rơi vào dĩ vãng.
có không gian nào thật cao
cho ta treo ngọn tình vào cõi không
 
Đợi trong  THỜI GIAN MÊNH MÔNG là  đợi trọn đời, trọn kíếp, có phải vì quá tha thiết muốn gặp lại gương mặt mà mình đã thương yêu.
có thời gian nào mênh mông
cho ta vin bóng thu đông đợi người

Trở lại cái tựa bài thơ CÓ KHÔNG thấy cũng khá dí dỏm: không có dấu hỏi.

Thoạt đầu tôi nghĩ đó là câu hỏi. À, đặc điểm của tiếng Việt   có những chữ những câu được xử dụng dưới hình thức câu hỏi nhưng lại có nghĩa phủ định: Không (nul, aucun). Chẳng hạn câu CÓ AI BIẾT ĐÂU !!! nghĩa  là KHÔNG AI BIẾT. CÓ nghĩa là KHÔNG. Tôi ghép lại CÓ KHÔNG thành KHÔNG KHÔNG hoặc lộn lại  KHÔNG CÓ.
Và KHÔNG của CÓ KHÔNG có bao nhiêu ý?
Vào câu đầu, nhà thơ cho tôi một ý nghĩa là KHÔNG GIAN nhưng đọc đến  câu cuối  thì nghĩa của chữ KHÔNG lại là chẳng CÓ. Vì sao? Bởi vì ở đây những không gian, thời gian ước muốn của nhà thơ là chẳng có, chỉ là cơn mơ! chỉ là chiêm bao! 

Giữa thi nhân với nhau, chỉ đọc thơ  suông không cần phân tích dài dòng, người đọc vẫn thông cảm được tâm tư tác giả. Còn tôi, vì chưa từng làm thơ, tôi  phân tích từng vần, từng chữ để nhận chân được phần nào cảm xúc của tác giả. Hơn nữa, phân tích từ thơ giúp cho tôi hiểu được những thâm thúy của tiếng mẹ mà thi sĩ là người đã biết  khai thác.

Phạm Hữu Thành
 

Phạm Hữu Thành tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa và hành nghề ở Paris.
Từ một năm nay ông về hưu trí và hoạt động đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì văn hóa VN trong cộng đồng người Việt ở Pháp.
 
                                           
Có không
có không gian nào thật dài
chặt ngang nỗi nhớ chêm đầy nỗi đau
có thời gian nào thật sâu
cho ta ở đó thật lâu đợi người
có vòng tay nào cuối đời
đưa nhau qua bến ngọt lời yêu đương
có làn môi nào thơm hương
cho ta giữ mãi phố phường ấu thơ
giam hồn trong cõi bơ vơ
buông lòng trong mỗi giấc mơ ngậm ngùi
ơn ai chia tiếng ngọt bùi
ơn ai chia một đoạn đời dẫu đau
có về đây mấy đời sau
khăn xưa áo cũ đã nhầu gió sương
có về gọi tiếng yêu thương
người xưa đã khuất cuối đường chiêm bao
có không gian nào thật cao
cho ta treo ngọn tình vào cõi không
có thời gian nào mênh mông
cho ta vin bóng thu đông đợi người.
trần thanh hương

còn chi

còn lại gì và đã mất chi
nghìn năm sau cũng vẫn chia lìa
mây trôi phương đó chiều xưa lạnh
gió tạt phương này đêm mưa bay

thêm được gì và mất bớt chi
tàn thu đông tới mấy chu kỳ
sầu ai trói chặt đời xa xứ
có chút ngọt bùi pha đắng cay

tìm được gì và lạc mất chi
người ra đi nát cả xuân thì
mơ xưa thức dậy chiều nay lạnh
mộng cũ quay về gợi gió lay

không còn gì và chẳng có chi
chuyện xa xưa nhắc tới làm gì
trời đông khơi mạch sầu thiên cổ
người đã xa rồi người có hay?

trần thanh hương


19 tháng 12, 2012

chán đời

không dưng mà thấy chán đời
không dưng mà muốn nói lời đắng cay
không dưng mà thấy lưu đày
chân vương mây bắc hồn vầy gió nam
thật lòng chỉ muốn nói ngang
thật tình chỉ muốn bước quàng dẫm xiên
đạp tung lên những bất bình
đưa chân đá nát luôn mình với ta
bực mình bắt chước yêu ma
trắng đen xanh đỏ bày ra thật đầy
không dưng ủ mặt chau mày
không dưng mà muốn chết rày chết mai
không dưng mà một thành hai
không dưng mà thấy bi hài thế gian
rắp lòng đem xẻ tâm can
chia ra trăm khúc vẫn mang một mình
chán đời thơ bỗng linh tinh…

trần thanh hương

9 tháng 12, 2012

Đi tìm “cái thần”


Tôi đã viết ba bài về thơ Thanh Hương, thế mà chưa có dòng nào bàn tới nghệ thuật, tức cái – gọi là gì nhỉ? – thôi thì, nói đại, cái … thổi hồn cho cảm xúc, tạo vẻ đẹp cho tình và ý. Và, để khỏi thiếu sót, phen này, lại đành liều mình như chẳng có, mon men tới gần nghệ thuật. Sở dĩ nói liều, vì nghệ thuật rộng quá, mà ở một số phạm vi, vốn khó có sự phân biệt rạch ròi với nội dung, nếu không khéo sẽ bị sa đà. Hơn nữa nghệ thuật lại là thứ gì đó bàng bạc, khó nắm bắt, khó phân tích, người viết dễ rơi vào những lời khen chê hời hợt, vu vơ. Thở dài một tiếng, “vu vơ” là thói thường của mấy anh chàng Việt-hán, người ta bảo thế, vậy, đã là Việt-hán, sợ gì.

Trót mang tiếng “vu vơ” thì bàn dông dài một chút, có sao. Chợt nhớ tới nhà thơ “dở hơi” Giả Đảo, đời Đường. Cái ông ba năm mới làm nổi hai câu (lưỡng cú tam niên đắc), có một giai thoại cũng “dở hơi” không kém. Một đêm sáng trăng, thiên hạ thấy ông “dở hơi”, chẳng thèm nhìn ai, vừa đi vừa lẩm bẩm, tay không ngừng làm động tác: khi “đẩy” (thôi), khi “gõ” (xao). Về sau mới biết ông đang loay hoay chọn chữ cho câu thơ: “tăng thôi nguyệt hạ môn” (sư đẩy cửa dưới trăng), hay “tăng xao nguyệt hạ môn” (sư cửa dưới trăng). Chữ nào đây? Nghĩ đi, nghĩ lại, mới thấy, ông “dở hơi” loay hoay là đúng, vì cả hai chữ đều … tuyệt vời, khó chọn thật. Từng chữ, tuy đơn giản, bình thường, nhưng lại có khả năng gợi mở nhiều suy nghĩ và cảm xúc:

- Bất kể đêm hôm khuya khoắt, sư vẫn xỏ áo, dưới trăng, tới (xao) cửa nhà bạn. Vì sao ư: có một lời chợt muốn tâm tình, có một ý hay chợt muốn chia sẻ? v. v… và v. v… Nhưng thôi, chẳng cần biết lý do, chỉ ngờ ngợ thấy rằng, đó là giao tình của những con người thanh cao.

- Bất kể đêm hôm khuya khoắt, sư vẫn một mình lang thang dưới trăng. Chán rồi, quay về chùa, thì cứ việc đẩy (thôi) cửa vào, thanh bạch, có gì đâu mà cần khóa cổng; một mình, có ai đâu mà cần gọi cửa. Hình ảnh trong câu thơ toát lên vẻ khoáng đạt, vượt khỏi cái phong thái bình bình của những kẻ chỉ biết ngày đêm tất bật, và đặc biệt làm nổi bật không khí tĩnh lặng, tĩnh lặng là khoảng khắc để ta ngẩng lên nhìn trời, cúi xuống nhìn đất và, quay lại nhìn mình.

Người viết bài này cũng chẳng cần biết ông “dở hơi” cuối cùng chọn chữ nào. Nhưng mường tượng rằng, chỉ một chữ rất tầm thường, rất thông dụng: “đẩy” và “”, nhưng dùng đúng lúc và đặt đúng chỗ, đã có thể thổi hồn cho câu thơ, gợi cho người thưởng thức biết bao tình ý. Vậy, gọi bừa đó là “cái thần”, khác đi, đó cũng là tính hàm súc, cô đọng của ngôn ngữ thơ. Thế mà, ông Giả Đảo ơi là ông Giả Đảo, đa phần thiên hạ làm gì có mắt, nên đã ghép hai chữ “thôi xao” để làm thành ngữ mỉa mai, chỉ sự cầu kỳ một cách… “dở hơi”. Thần của thơ hiếm đấy, lác đác, lác đác, như sao trời thưa, người thơ thỉnh thoảng may mà bắt được. Nhưng một đời làm thơ, nếu chẳng tìm nổi một chữ, một câu nào đáng gọi là có thần, thì trước sau chỉ là thơ của phường chợ búa.

Lang thang chán, bây giờ mới vào đề: thơ Thanh Hương, nhìn về nghệ thuật. Rộng quá, viết sao cho đủ. Thôi thì, đại khái thế này, chẳng biết có đúng không: nội dung là tình ý, là cảm xúc, còn việc chọn lọc và sắp xếp chữ nghĩa để thể hiện nội dung, khác đi diễn tả thấu suốt tình ý, lại thuộc phạm vi nghệ thuật. Thế là bài viết đã co rút, thu gọn trong một ranh giới rất nhỏ của nghệ thuật: đi tìm “cái thần” trong thơ Thanh Hương. Và, tới đây, đã có thể mặc sức bàn linh tinh về một câu, đúng hơn, một vài chữ, mà người viết đột nhiên bàng hoàng cảm được “cái thần”, rõ hơn, câu thơ càng đọc càng thấy lâng lâng, khoái chí. Vậy là đã định xong phạm vi bài viết, nhỏ thôi, so với nghệ thuật, và cũng nhỏ thôi, so với thơ Thanh Hương.

Tôi đọc thơ Thanh Hương tương đối kỹ, vậy có dịp nào gặp được “cái thần” hay không? Cũng hiếm, nhưng vẫn có đó, và mỗi lần gặp thì rất mừng, cô đã cho tôi cơ hội thả hồn, vào đâu nhỉ? - vào cõi … “vu vơ”. Đành phải cảm ơn cô một tiếng.

Thế chứ gần một trăm bài trong blog “Gởi hương cho gió”, bài nào hay? Chữ “hay” dở quá, kiểu khen rất chung chung, vậy nói khác đi một chút, bài nào “có hồn”, tức có khả năng gợi xúc cảm cho người đọc? Câu hỏi này chẳng trả lời được, vì, mỗi người mỗi ý, mỗi người nhìn thơ ở một góc độ, ở một thời điểm, ở một tâm trạng khác nhau, nên khó đưa ra ý kiến chung, thống nhất. Riêng tôi – lại chủ quan mất rồi, đành chịu vậy – trước sau vẫn đặc biệt thích bài “biết không”. Mà nói “thích” e rằng chưa đủ, phải nói là “say” mới đúng.

“Biết không” đã được anh NTT bình về nội dung. Vậy mặt này thế là đủ rồi, không cần thêm thắt nữa. Người viết tự ý dành riêng cho mình một khoảng nhỏ, để “vu vơ” đôi lời về “cái thần” chợt ẩn, chợt hiện.

Bài làm đều tay, nghĩa là không có chữ và câu nào sượng. Lời đẹp và tình ý thâm trầm thì cũng nhiều, chẳng hạn:
người biết không tôi như mưa bay
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày.

Thế nhưng “say” nhất vẫn là bốn câu cuối:
          người biết đâu tôi nhớ vô cùng
         mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
         tôi con chim lạc sầu đêm tới
         thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng

Và câu thơ khiến người viết đột nhiên cảm được “cái thần”, chính là: mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
Như thế, trọn bài chỉ xin rút về một câu. (Vậy mà cũng dám lộng ngôn: “bàn tới nghệ thuật” trong thơ Thanh Hương, liều đấy, nhưng đã sao, khả năng chỉ có vậy, xin thứ lỗi cho.)

Thử nhìn từng chữ, từng chữ:
Trước hết, chữ “nhớ nhung”, tâm trạng của hai con người – vì lý do nào đó, ở đời có biết bao lý do – buộc phải xa, mà không thể quên nhau được, nó hàm chứa tình yêu, thời gian bất lực không đủ làm phai, nó cũng hàm chứa nỗi đau, thời gian chỉ làm tâm hồn thêm héo mòn, đó chính là định mệnh, luôn rình rập để cười cợt sự bất hạnh của con người. Nỗi “nhớ nhung” có thể đơn phương, đến từ một phía, còn đối tượng dửng dưng, vô tình. Ngược lại nỗi nhớ có thể đến từ cả hai phía, cả hai cùng nhớ nhau, vậy mà, buồn thật, chỉ tan, không hợp.

Tôi đã làm công việc rất lẩn thẩn, thử thay “nhớ nhung” bằng một vài chữ khác, chẳng hạn “xót thương” hoặc “đau thương”, hay “xót xa” (không tính tới chuyện lạc vận), mắt ai tìm chia nỗi xót thương (xót xa, đau thương), câu thơ vẫn có nghĩa, nhưng dở quá. Ba từ đó chỉ diễn tả nỗi đau của riêng mình, còn “nhớ nhung” là tình cảm chủ yếu dành cho người, nó tìm tới đối tượng, đúng hơn, của hai người dành cho nhau, đó mới là tình yêu. Kết luận nhỏ: “nhớ nhung” là từ không thể thay được, nó là cái “mắt” của câu thơ.  

Nỗi “nhớ nhung” ấy không thể ôm mãi trong lòng, nên muốn được “chia”, để cả hai cùng biết, và cả hai cùng nhận. “Chia” chính là nhu cầu của con người, lạnh quá, không chịu nổi sự cô đơn. Thế nhưng, nỗi buồn “chia”, có thể vơi đi một phần, vì đối tượng không buồn, sẽ “chia” giùm một ít, còn “nhớ nhung” có “chia”, một khi cả hai cùng nhớ, thì cuối cùng cũng vẫn cứ đầy ắp mà thôi. Như thế “chia” ở đây cũng hiểu là lời “nhắc”, nhắc cho đối tượng biết tấm lòng, dù xa nhau, vẫn tràn ngập yêu thương của mình.

Nhớ nhung” đã “chia” rồi, nhưng ai chia và chia cho ai? Thử tìm trong mấy chữ “mắt ai tìm
Câu thơ có thể ngắt hơi theo hai cách, mang hai ý nghĩa khác nhau:
 mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
 mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung

Ngắt hơi theo cách thứ nhất: mắt ai, đôi mắt của ai đó (hay của anh), từ chốn xa xôi nào, đang tìm tới – ở đây có một túc từ ẩn (objet sous-entendu) – tôi (hay em), để chia nỗi nhớ nhung.
Ngắt hơi theo cách thứ hai – ở đây có một chủ từ ẩn (sujet sous-entendu) – tôi (hay em) ở nơi xa xôi, vẫn mong ước tìm tới mắt ai, để chia nỗi nhớ nhung
Tóm lại, đây là nỗi nhớ nhung của cả hai bên, muốn chia sẻ và nhắc cho nhau biết. Câu thơ dạt dào tình cảm, dạt dào yêu thương, và cũng dạt dào đau buồn.

Tôi lại lẩn thẩn, thử đảo lộn vị trí của chữ trong câu:
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
thành
tìm mắt ai chia nỗi nhớ nhung
Câu vẫn có nghĩa, nhưng chỉ có thể hiểu một cách, với chủ từ (ẩn) duy nhất là “tôi”. Ý thơ hẹp lại, trở thành con đường một chiều, từ “tôi” tới “đối tượng”, như vậy không còn là tình yêu đích thực: con đường hai chiều, hay sự tương thông bất tận giữa hai con người.

Vậy mới thấy, chữ nghĩa Thanh Hương chọn và sắp xếp cho câu thơ trên – mở ngoặc một chút, riêng câu trên thôi nhá – là không thể thay thế được, không thể đảo lộn được, theo tôi – lại chủ quan – chúng đã đạt tới mức toàn hảo. Đây chính là “cái thần” của câu thơ.

Lang bang như vậy chắc cũng đủ rồi. Này cô, nói nhỏ một chút, cái câu thơ "vớ vẩn" mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung đã làm tôi một đêm loay hoay, mất ngủ. Ừ, mà cũng đáng, nên, cố viết bài này để cảm ơn cô.

Vũ Lưu Xuân
(22/07/2012)



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.


biết không

người biết đâu tôi như giọt lệ
chảy âm thầm xuống cuối đời nhau
người biết đâu tôi như hạt bụi
rất mong manh giữa nắng mưa sầu

người biết đâu cây đời lạnh lắm
cứ cho hoài những nhánh ăn năn
người biết đâu tôi khờ khạo lắm
mãi ham vui nên cứ sai lầm

người biết không tôi như mưa bay
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày
sương cao mát ngọt mầm khô héo
tôi hoa gầy giữa núi cheo leo

người biết không một lần qua đây
hồn mênh mông bão tố lên đầy
tôi cơn mơ nhỏ đời giăng lưới
ngẩn ngơ nhìn sợi khói tình bay

người biết đâu tôi nhớ vô cùng
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
tôi con chim lạc sầu đêm tới
thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng.

trần thanh hương
(08/04/2012)

trống rỗng

sáng thức dậy nghe đầu mình trống rỗng
hồn ngu ngơ sao vẫn thấy thật buồn
nghe rất nhẹ dư âm nghìn tiếng động
lối xưa còn vang vọng mấy hồi chuông

sáng thức dậy nghe đêm dài trĩu nặng
giấc mơ tan sao vẫn nhớ vô cùng
xa hun hút bên kia trời biển lặng
áo xưa còn lay vạt thoáng đời chung

sáng thức dậy nghe kinh lời cựu ước
hồn bơ vơ như chim nhỏ xa bầy
dẫu trước sau cứ trật hoài nhịp bước
vẫn đợi chờ dù chỉ thấy heo may

sáng thức dậy nghe quanh mình trống rỗng
người quên nhau như chim bỏ quên lồng
bởi hôm nay chưa là ngày hôm trước
nên đi về quên nhớ cũng bằng không.

trần thanh hương

12 tháng 11, 2012

có không

có không gian nào thật dài
chặt ngang nỗi nhớ chêm đầy nỗi đau
có thời gian nào thật sâu
cho ta ở đó thật lâu đợi người
có vòng tay nào cuối đời
đưa nhau qua bến ngọt lời yêu đương
có làn môi nào thơm hương
cho ta giữ mãi phố phường ấu thơ
giam hồn trong cõi bơ vơ
buông lòng trong mỗi giấc mơ ngậm ngùi
ơn ai chia tiếng ngọt bùi
ơn ai chia một đoạn đời dẫu đau
có về đây mấy đời sau
khăn xưa áo cũ đã nhầu gió sương
có về gọi tiếng yêu thương
người xưa đã khuất cuối đường chiêm bao
có không gian nào thật cao
cho ta treo ngọn tình vào cõi không
có thời gian nào mênh mông
cho ta vin bóng thu đông đợi người.

trần thanh hương

3 tháng 11, 2012

Roméo & Juliette

Chiều thứ sáu với tôi vẫn luôn là buổi chiều đáng yêu nhất của một tuần lễ, chiều thứ sáu nầy cũng vậy. Ra khỏi hãng khi hãy còn một chút ánh sáng mặt trời le lói, lại thêm một niềm vui "phụ trội " bởi bắt đầu từ lúc sang thu, ngày tối dần thật nhanh nên hầu như chiều nào tôi cũng rời hãng khi bầu trời đã nhuộm mầu đen thẫm.

Nghĩ tới chuyện chợ búa cơm nước hoài cũng chán, tôi "vô tư" chạy xe theo sự điều khiển của cái đầu trống rỗng. Đang là lúc học trò nghỉ lễ Toussaint nên phố xá bớt đông đúc hơn ngày thường. Avenue de Paris hôm nay ít xe cộ trông có vẻ thênh thang, ra dáng "đại lộ" hơn một tí. Đến gần nhà tù dành cho nữ phạm nhân có cái tên tây dài ngoằng là "maison d'arrêt des femmes de Versailles", mọi người đang chạy ngon trớn bỗng bị chận lại bởi sự xuất hiện của một đoàn xe cảnh sát. Nhìn về phía phát ra âm thanh náo nhiệt của những tiếng còi hụ liên hồi, đập vào mắt tôi là mầu xanh dương của cánh cổng nhà giam đang từ từ mở ra đón đoàn xe cảnh sát chở tù nhân. Mầu xanh dương cũ kỹ bỗng gợi tôi nhớ đến một chuyện tình xẩy ra cách đây không lâu sau cánh cổng khám đường nầy và đã là một đề tài khai thác cho báo chí từ hai năm về trước.

Đầu năm 2006, Emma, một cô gái 17 tuổi thuộc nhóm Gang des barbares (gồm một số người trẻ Á rập sống ngoài vòng pháp luật, dưới sự điều động của Youssouf Fofana, vai trò của Emma trong nhóm nầy là "nhử mồi ") đã làm xiêu lòng được Ilan Halimi, một thanh niên Do thái, hành nghề bán điện thoại di động, và đã nhử cho cậu này tới một chung cư ở Bagneux (ngoại ô của Paris) để những người trong nhóm Gang des barbares tra tấn đánh đập và đòi tiền chuộc. Sau 3 tuần lễ hành hạ dã man nạn nhân mà vẫn không nhận được tiền chuộc từ cộng đồng người Do thái, ngày 13/2/2006 nhóm Gang des barbares đã vất bỏ xác Ilan Halimi đang hấp hối cạnh đường rầy xe lửa RER C. Ilan Halimi từ trần trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Emma bị kết án 9 năm tù về tội đồng lõa sát nhân và được đưa vào giam giữ ở maison d'arrêt des femmes de Versailles. Tại đây Emma gặp Florent Goncalvès, 36 tuổi, Giám đốc khám đường. Tình yêu đến với họ. Dĩ nhiên là Florent đã dành cho Emma nhiều biệt lệ hơn những tù nhân khác, điều nầy đã gây ra lòng ganh tị ở các phạm nhân cùng bị giam giữ chung với Emma và nhiều người trong họ đã tìm cách lên tiếng. Tháng 3/2010, Olivier Pinson, thủ quỹ của "nghiệp đoàn nhân viên khám đường" Ufap đã định tố cáo cấp trên của mình là Florent Goncalvès, nhưng sau khi tiếp xúc với Emma để tìm chứng cớ thì chính Olivier Pinson lại cũng đâm ra yêu mê mệt người nữ tù nầy và tìm cách ếm nhẹm mọi chuyện.

Trong khi Florent Goncalvès có một lý lịch sáng sủa với vợ con đàng hoàng, với một chỗ làm "bien placé" đầy hứa hẹn trong xã hội thì Emma, trước khi vào tù đã có một quá khứ khá nặng nề: Emma (tên thật là Yalda Arbabzadeh) gốc Iran, là kết quả của một cuộc hôn nhân cưỡng bách. Để thoát khỏi người chồng hung bạo, năm Emma 11 tuổi, Mẹ của cô đã đem hai người con gái sang tị nạn tại Pháp. Năm 14 tuổi, Emma bị hiếp dâm tập thể, sau đó cô bị tâm thần bất ổn, học hành dở dang rồi đi theo băng đảng và vào tù năm 18 tuổi. Trước và trong thời gian bị giam cầm, Emma đã nhiều lần tìm cách kết liễu đời sống. Tâm hồn hoang mang bất định nhưng cô vẫn thành công trong việc tiếp tục học lại và thi đậu bằng tú tài trong tù . Cô vừa được xem là một tù nhân gương mẫu, chăm chỉ và kỷ luật… dưới mắt một số người; đồng thời lại vừa là một "yêu nữ" gợi cảm, thích chỉ huy sai khiến đàn ông con trai… dưới nhãn quan của một số người khác.

Tình yêu của họ kéo dài từ năm 2007 đến tháng 10 năm 2010 thì bị phát hiện. Florent Goncalvès bị cất chức và bị truy tố trước pháp luật. Ngày 20/01/2012 Emma được trả về đời sống thường dân. Ngày 15/02/2012, Florent Goncalvès ra tòa và lãnh án 1 năm tù ở cộng thêm 1 năm tù treo và 10000€ tiền phạt. Emma có mặt tại phiên tòa xử Florent với tư cách nhân chứng.
Trước Bồi thẩm đoàn và mọi người tham dự, Florent Goncalvès đã ân cần nhường ghế ngồi của mình cho Emma để ra ngồi phía sau và dịu dàng thì thầm với cô những lời an ủi. Chánh án phiên tòa đã ra lệnh cho Florent phải trở về chỗ ngồi của mình, Florent Goncalvès thi hành nhưng ánh mắt thương yêu của ông vẫn không rời Emma suốt buổi xét xử.

Ngày hôm sau 16/02/2012, cuốn sách do Florent Goncalvès viết và do nhà xuất bản Presses de la cité phát hành được ra mắt độc giả với tựa đề "Défense d'aimer" (tạm dịch:"Cấm yêu"). Trong đó, Florent phủ nhận tất cả những lời cáo buộc cho rằng Emma không hề yêu thương ông mà chỉ lừa phỉnh, xử dụng tình cảm chân thành của ông cho quyền lợi riêng tư của cô mà thôi. Ông bác bỏ vai trò "phù thủy kinh khủng" (l'effroyable encorceleuse) mà nhiều người đã gán cho Emma trong việc ông bị mất chức. Ngày nay, bị vợ con từ bỏ, bị thất nghiệp và sống cô đơn (bởi ngay chính Emma cũng tìm cách xa lánh ông), Florent Goncalvès vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Emma dành cho ông - vào thời điểm lúc ông còn làm Giám đốc maison d'arrêt des femmes de Versailles - mà ông chắc chắn là thành thật, ông viết "Người ta có thể nói và nghĩ là chúng tôi không nên làm như vậy. Thế nhưng, từ bao giờ, tình yêu ép buộc được? tất cả mọi lý do chính đáng được viện dẫn vẫn không thể nào chia cách chúng tôi được. Chúng tôi đã thử, đã tan nát, đã rời nhau nhưng rồi lại vẫn tìm đến nhau. Người ta không thể ngăn chận tình yêu được…"

Cũng trong tháng 2 năm 2012, chương trình Sept à Huit của TF1 đã trình chiếu một phóng sự về Emma. Luật sư của Emma đã đọc một đoạn trong bức thư dài 8 trang mà Emma viết trả lời cho đài truyền hình TF1 "Tôi thật lòng yêu Florent Goncalvès, tình yêu của Florent đã chữa lành những vết thương trong tôi. Yêu thương đâu phải là một tội lỗi?…"

Chuyện tình của Florent Goncalvès và Emma đã được nhiều báo chí Pháp bình luận trong một thời gian dài và đã được gọi là chuyện tình Roméo et Juliette của đầu thế kỷ 21. Roméo Florent đã hết lòng sống cho tình yêu của mình, không một ý so đo, không một lời tính toán và hối tiếc thì lại càng không nữa. Ít ra, trong cuộc đời thiếu may mắn của mình, Juliette Emma cũng đã nhận được một đền bù vô giá, đó là tình yêu chân thật của Roméo Florent, một "sản phẩm cực kỳ hiếm hoi" của thời đại mà chúng ta đang sống.
Được là Juliette Emma, hạnh phúc biết bao! Và cũng hạnh phúc biết bao cho trần gian nầy nếu vẫn còn những Roméo và Juliette đợi chờ nhau đâu đó.

trần thanh hương
thứ sáu 02/11/2012




F.Goncalvès - Emma (Yalda) - F.Goncalvès và cựu Bộ trưởng nội vụ M. Alliot-Marie.


2 tháng 11, 2012

chiêm bao

người ơi tôi là sông mông mênh
chảy trăm năm vẫn nhớ thác ghềnh
nhớ con đò nhỏ chiều lưu lạc
nhớ sóng vô tình đưa lênh đênh

người ơi tôi là mây bơ vơ
trôi trăm năm vẫn cứ mong chờ
chờ cây cao níu đời phiêu bạt
chờ gió vô hình chia ước mơ

người ơi tôi là hoa trên non
đứng trăm năm đợi nắng mưa mòn
đợi đêm chưa hết ngày chưa tới
đợi bước ai về lạnh dấu son

và người ơi tôi cơn chiêm bao
ru trăm năm vẫn thiếu ngọt ngào
thương con sâu nhỏ chờ đêm tới
mộng nát tan còn mơ ánh sao.

trần thanh hương

21 tháng 10, 2012

người về

người về tím thẫm hoàng hôn
cây rơi lá nhớ chiều buông giọng đàn
về nghe sông réo xa gần
về nghe núi khóc một lần biệt ly
về đây đưa tiễn nhau đi
nghìn năm sông núi nói gì cũng đau
người về tím áo mùa sau
tóc xanh xưa đã phai mầu nhớ thương
người về bóng cũ còn vương
mắt xưa chìm khuất nẻo đường xa xôi
thơ xưa ai đổi thay lời
tình xưa người đã quên rồi phải không?
người ơi sương khói mênh mông
bơ vơ đối bóng hư không thở dài
người ơi sương khói lưu đầy
bơ vơ nửa bóng phương nầy ngóng trông
người về tím gió bên sông
nghìn năm sau nữa vẫn không thấy người.

trần thanh hương

19 tháng 10, 2012

Tản mạn về một bài thơ

Lang thang trên mạng, ngẫu nhiên gặp một bài thơ của TTH. Đọc xong có vài ý tưởng tản mạn.

Thời xa xưa người Việt bị gò bó trong lễ nghĩa Khổng Mạnh, người ta thường chỉ đề cập tới các tình cảm như hiếu để, tình gia tộc, xóm làng v.v... những tình cảm cá nhân, nhất là tình yêu nam nữ, hầu như bị kiêng kỵ, ít khi được trình bày công khai một cách chính thống, trừ một số đoạn trong vài tác phẩm hiếm hoi như truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm... hoặc trong văn học dân gian như một số câu ca dao :
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai"

Chỉ đến những thập kỷ 20, 30 của thế kỷ trước với sự thâm nhập của văn chương Pháp vào các tầng lớp thanh niên ở các thành thị, với sự xuất hiện của các tiểu thuyết lãng mạn như "Tố Tâm", của các bài thơ mới của các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu,v.v... thì tình cảm nam nữ trong xã hội Việt Nam, như một hạt mầm từ lâu bị hạn, gặp được nước mát, vươn lên trổ lá xanh tươi. Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ thơ ca về tình yêu lại phong phú, nhiều hương sắc như giai đoạn này.

Nhưng Tình Yêu là một đề tài muôn thủa. Người ta làm thơ về tình yêu, ca ngợi tình yêu nhưng có lẽ chẳng mấy ai, hay chẳng ai, hiểu về tình yêu. Ngay Xuân Diệu, viết rất nhiều bài thơ tình sướt mướt, cũng vẫn ngẩn ngơ hỏi:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?”
Có thể cắt nghĩa được không, hay là một điều bất khả?

Trong bài thơ mới đăng trên blog  “Hai ngả”, TTH dường như đưa ra một câu trả lời phủ định khi viết:
“Anh cố hiểu những điều không thể hiểu
em cố im dù muốn nói vô cùng”
Em rất muốn thổ lộ, rất muốn bày tỏ nhưng em không thể, như vậy anh ơi, đừng cố tìm hiểu làm gì. Chúng ta đang chìm trong mộng ảo sương khói mông lung, giữa một thế giới thật với đêm ngày nối tiếp:
“hai chúng mình như hai cõi mông lung
đêm khép lại khi ngày về đâu đó”

Hình như với anh và em, mọi cái đều rất mong manh, mọi cái đều đã lỗi nhịp. Em cố tìm bắt, dù nhịp đầu đã lỡ, mà sao lòng vẫn mãi phân vân
“anh cố giữ dẫu biết tình như gió
bài ca xưa lạc điệu biết bao lần
em cố tìm dù chỉ thấy phân vân
câu hát cũ ngay nhịp đầu đã lỡ”

Trong những biến thiên của cuộc sống em cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé:
“ta bé nhỏ trước trang đời khép mở”
và lạc lõng , cô đơn, mỏi mệt:
“em đi về từng bước nhỏ bâng khuâng
thơ mỏi mệt chở trăm điều vô nghĩa”

Em muốn tìm một chỗ dựa nơi anh nhưng làm sao được khi:
“lời vô ưu anh chép cũng sai vần”

Người đọc có lẽ thấy thương cảm cho một tình yêu bế tắc nhưng còn người trong cuộc ?

Ngày xưa, mang tước là Uy Viễn Tướng Công , Nguyễn Công Trứ vẫn bị lụy bởi chữ “Tình” khi ông tự hỏi:
“chữ tình là cái chi chi?”
mà đến nỗi:
“đã gọi người nằm thiên cổ dậy
lại đưa hồn mộng ngủ canh đi”

Thực là một “ thiên cổ lụy”. Vì vậy, trở lại bài thơ của TTH , ta vẫn chỉ thấy một vòng luẩn quẩn
“anh cứ hiểu dẫu thật lòng không hiểu
em cứ tìm dù chẳng biết tìm chi
hai chúng mình như chim buổi thiên di
bay hai ngả ngược vòng quay cố xứ”

Tình yêu thì không thể cắt nghĩa. Nó đến tự nhiên với chúng ta như hơi thở, mang hương sắc đến cho đời nhưng rồi, theo quy luật của vô thường, nó cũng sẽ tàn phai
“khi trời đất biệt nghìn thu một lượt
còn một điều: ta chẳng hiểu gì hơn”

Có còn chăng, có lẽ, một chút gì để nhớ.

Tường Huy

13 tháng 10, 2012

hai ngả

anh cố hiểu những điều không thể hiểu
em cố im dù muốn nói vô cùng
hai chúng mình như hai cõi mông lung
đêm khép lại khi ngày về đâu đó

anh cố giữ dẫu biết tình như gió
bài ca xưa lạc điệu biết bao lần
em cố tìm dù chỉ thấy phân vân
câu hát cũ ngay nhịp đầu đã lỡ

ta bé nhỏ trước trang đời khép mở
lời vô ưu anh chép cũng sai vần
em đi về từng bước nhỏ bâng khuâng
thơ mỏi mệt chở trăm điều vô nghĩa

anh cứ hiểu dẫu thật lòng không hiểu
em cứ tìm dù chẳng biết tìm chi
hai chúng mình như chim buổi thiên di
bay hai ngả ngược vòng quay cố xứ

khi trời đất biệt nghìn thu một lượt
còn một điều: ta chẳng hiểu gì hơn.

trần thanh hưong

8 tháng 10, 2012

thở dài

có người biết mình lỗi hẹn
vẫn về lối cũ tìm ai
xa nhau từ mùa trăng hết
bao năm dấu tiếng thở dài

có lần ngồi nghe quanh đây
trăm năm mà tưởng một ngày
bơ vơ ngoái nhìn đêm tới
tưởng chừng ôm gió trong tay

có lần đứng lặng chờ ai
ngẩn ngơ nhớ tích chương đài
tóc thơm bay chiều phiêu bạt
tưởng còn rối mãi trên vai

có người nhớ mình lỗi hẹn
nên về chốn cũ tìm ai
nghe tin người xưa đã chết
nghìn năm chôn tiếng thở dài.

trần thanh hương

5 tháng 10, 2012

Một thuở

người chờ người một thuở
mây mù quán năm xưa
người đợi người một thuở
bâng khuâng gió giao mùa

đi tìm nhau mấy thuở
mệt nhoài bước tha hương
quanh co hồn trăn trở
yêu nhau cũng vô thường

người đợi người bên hiên
quán năm xưa muộn phiền
đưa nhau chiều gió lạnh
cây gầy nhạt nắng nghiêng

người chờ người trăm năm
tình như sương trên cành
bơ vơ hồn lá rụng
tan theo đời mong manh.


thơ & tranh: trần thanh hương


Thơ họa:

Ta chờ người một thuở
quán vắng chiều năm xưa
giọt mưa nào rơi nhẹ
bâng khuâng lúc giao mùa

Đi tìm nhau mấy độ
ngập ngừng bước tha hương
từng đêm dài trăn trở
yêu nhau cũng vô thường

Ta đợi người bên hiên
quán vắng như muộn phiền
tiễn nhau chiều gió lạnh
mắt nhìn xót xa thêm

Ta chờ người trăm năm
tình như sương trên cành
long lanh cơn gió nhẹ
rơi xuống đời mong manh.

Hoàng An

30 tháng 9, 2012

về soi gương lại

coi như người chỉ đi xa
coi như trời chỉ nhạt nhòa chút mưa
coi như lòng vẫn như xưa
coi như tình vẫn chưa vừa nhớ thương
áo ai bay tím nẻo đường
thơ xanh ai thả cuối vườn mộng du
ru người ngủ giấc thiên thu
ru tình qua bến mịt mù tình ơi
son xưa in dấu môi cười
đường xưa in dấu chân người, buồn không?
ru nhau ngủ giấc chưa nồng
tay đưa đã mỏi dặm hồng đã xa
đi về chật cõi bao la
ngu ngơ hỏi nhỏ ta bà là đâu
son môi xưa đã thay mầu
áo hoa xưa đã phai nhầu tháng năm
hỏi người trong cõi xa xăm
thương nhau khóc mấy nguyệt rằm, nhớ không?
chia người một bến mênh mông
chia nhau một bãi bờ sông vắng thuyền
ngọt ngào hát lý chim quyên
mà sao cay đắng triền miên hỡi người
hồn buồn như tiếng mưa rơi
lòng buồn như bóng đơn côi kéo dài
về thương nửa kiếp lưu đày
về soi gương lại tháng ngày buồn tênh.

trần thanh hương

22 tháng 9, 2012

cho mượn

cho tôi xin vài khúc củi
đốt tan những ảo huyền xưa
cho tôi mượn vài chiếc búa
đập tan những ước mơ thừa

cho tôi một vài dấu chấm
cắt ngang lời viết vu vơ
cho tôi một vài dấu hỏi
thêm sau những thoáng nghi ngờ

cho tôi mượn mầu mực đỏ
trang đời xóa bỏ tên ai
cho tôi mượn dòng thơ nhỏ
đêm đêm dỗ giấc mơ dài

cho tôi mượn vài trang sách
tìm về chuyện kể xa xưa
thần tiên muôn đời xa cách
yêu thương là chữ dư thừa

cho tôi xin vài câu hát
ru người ngủ giấc trăm năm
cho tôi thêm lời tan nát
khóc đêm nao chết trăng rằm.

trần thanh hương

3 tháng 9, 2012

lời đau


người từ rủ áo hoàng hoa
quên câu sông nước gần xa gọi mời
cùng tôi leo dốc cuộc đời
có băn khoăn đếm những lời dối gian
cùng tôi leo dốc hoang mang
có bâng khuâng tiếc trăng ngàn gió đêm
tôi về gõ bước buồn tênh
đường xưa mây trắng lênh đênh cuối trời
tôi về nghe nhịp sầu rơi
người xưa đã ngủ, quên lời nhớ thương
tôi về tìm chút dư hương
tình xưa như khói như sương cũng tàn
tôi về gom hết lỡ làng
tưởng như lòng vẫn ngỡ ngàng đợi nhau
tôi về gọi mấy đời sau
nghe sông xưa khóc lời đau, nhớ người.

trần thanh hương

29 tháng 8, 2012

về thăm


em về thăm con sông
nghe mưa giăng ngập lòng
bến xưa người chẳng đợi
sông đời trôi mênh mông

em tìm thăm con trăng
nghe đêm réo xa gần
trăng xưa chừ rất lạnh
như trăng đời mong manh

em lên thăm đồi cao
mây trôi về phương nào
nghe quanh mình hiu quạnh
chỉ còn gió xôn xao

em qua thăm vườn ai
rêu phong phủ dấu hài
nắng dài như nỗi nhớ
theo dần tháng năm phai

em về thăm người xưa
biệt tin nhau mấy mùa
bơ vơ cành phượng đỏ
bên mộ buồn trong mưa.

trần thanh hương

8 tháng 8, 2012

sầu tôi


từ độ bước qua hồn tôi bỏ ngõ
người đem theo thanh gươm bén vô cùng
đâm lút cán con tim hiền ngoan nhỏ
đêm đen vàng ngày trắng đỏ hòa chung

từ độ áo thơ bay trời biệt xứ
cây vô ưu mang trái đắng trên cành
sầu tôi rụng bao lần đêm hạ chí
mưa bão về xóa sạch bóng ngày xanh

từ độ hát vu vơ lời trăn trở
tình còn không hay đã hết lâu rồi
âm thanh nghẽn câu ca thành dang dở
hát cho người hay hát chỉ cho tôi

từ độ bỏ trăng thơ buồn với núi
hồn bơ vơ như cây đứng không cành
người mãi miết tìm quên lời tiếc nuối
sầu tôi về rơi rụng tháng ngày xanh.

trần thanh hương

3 tháng 8, 2012

đã hết


thì thôi đã hết thưa người
duyên xưa đã lỡ mộng đời đã tan
thì thôi đã hết thưa anh
tình ta như gió mong manh cuối trời
là thôi cũng hết thưa người
hương xưa đã khuất giọng cười cũng xa
áo vàng che dấu phong ba
thơ xanh chở bóng quê nhà mấy câu
vết thương nào cũng làm đau
tình yêu nào cũng mang màu đắng cay
thử nhìn sâu mỗi lòng tay
ngổn ngang chỉ rối rủi may ít nhiều
lạc đường vào cõi thương yêu
khăn che ngang mắt, lòng kiêu cũng tàn
vẫy vùng lưới xiết tâm can
ngu ngơ chân bước hồn hoang mang sầu
hỏi thầm đời sẽ về đâu
khăn xưa áo cũ bạc mầu nhớ thương
ừ thì tình mỏng như sương
ừ thì đem gửi trăm phương muộn phiền
trăng về chia nửa mái hiên
người về chia nửa sầu nghiêng xuống đời
nắng qua che nửa mặt trời
người qua che nửa cuộc đời buồn thiu.

trần thanh hương

vực thẳm


một mình bên vực thẳm
trời ơi hồn chênh vênh
một mình bên vực thẳm
chao ơi lạnh miếu đền

lạc bước vào thơ nhau
lúc trăng đời chưa khuyết
lạc bước vào hồn nhau
trước sau nào ai biết

có ai về đêm nay
lang thang bên sông đầy
bơ vơ hồn nguyệt bạch
trăng mềm rơi trên tay

có ai đợi chiều nay
hắt hiu hàng cây gầy
ngu ngơ hồn thủy tận
sơn cùng với heo may

một mình giữa đêm thâu
hoang mang lời kinh cầu
một mình bên vực thẳm
trời ơi lòng nghe đau.

trần thanh hương

26 tháng 7, 2012

Ngoảnh lại nào hay chỉ gió đùa


Ngắm dậu tường vi dưới nắng mai
Nghe như đâu đó tiếng thở dài
Chút mùi hương cũ sao nhung nhớ
Người ở phương trời có nhạt phai?

Nhìn đóa hồng nghiêng trong nắng trưa
Xa xôi thương quá, mấy cho vừa
Nghe như có tiếng người bên cạnh
Ngoảnh lại nào hay chỉ gió đùa

Nhìn cổng nhà ai hoa tím lay
Hồn ai giông bão nổi lên đầy
Người ơi xa quá hồn thơ lạnh
Biết gửi về đâu chút mộng nầy?

Hoàng An

30 tháng 6, 2012

Thơ người chút mộng xin từ nhé



Ngày một ngày hai em thôi nhớ
Mối tình hư ảo dễ mau quên
Sớm mai ra vườn hoa cỏ biếc
Em chào ngày mới nắng đương lên

Là thôi lối cũ đành không đợi
Cổng vắng chuông xưa tiếng ngậm ngùi
Tri kỷ ôm đàn ca rất vội
Nghẹn ngào lỗi nhịp, tiếc đời trôi

Thơ người chút mộng xin từ nhé
Dẫu nói tri âm cũng hão huyền
Mây trắng lưng trời trôi lãng đãng
Ai chờ người ấy cuối trời quên!

Mây Tần

26 tháng 6, 2012

cơn mơ


thương người dù chẳng tới đâu
thương ai dù biết qua cầu chẳng chung
thương anh dù thấy mịt mùng
thương nhau dù biết cuối cùng sẽ tan
ôm đàn thử tiếng tình tang
nghe trong xênh phách ngổn ngang trăm bề
ừ thì mình lạc bến mê
ừ thì mình đứng bên lề trầm luân
cõi xưa đưa tới vô cùng
cõi nay đưa tới một vùng buồn thiu
đi về nghe tiếng hắt hiu
chân son gót nhỏ vạn chiều còn đau
ừ thì mình cứ thương nhau
ngày mai ai biết trước sau mà ngờ
ngậm ngùi gởi một câu thơ
mai qua bến lạ gọi bờ ghé thăm
hỏi người nơi chốn xa xăm
chiều mưa bên đó có đăm đắm chờ
hỏi người đã lỡ cơn mơ
chiều mưa bên đó có hờ hững trông
hỏi đông sang có nắng hồng
hỏi hè sang có chất chồng tuyết giăng
một mình lặng lẽ nhìn trăng
hỏi người có thấy ăn năn ngậm ngùi
xa rồi những tháng ngày vui
người ơi còn nhớ một mùi hương xưa.

trần thanh hương


Thơ họa:

thương người nào biết về đâu
cùng ai chung một nhịp cầu nhớ nhung
thương anh ngại nỗi mịt mùng
thương em ai biết cuối cùng hợp tan?
nửa đêm chợt tỉnh bàng hoàng
nhịp đời riêng lẻ ngổn ngang mấy bề
thôi thì cùng lạc bến mê
với ai mà gửi câu thề sắt son.

Mây Tần

3 tháng 6, 2012

nhớ thêm


mai sau ngồi nhớ chuyện xa xăm
người đừng quên đã có một lần
ga cũ tầu xưa chiều cố quận
bơ vơ chờ mãi khách sang thăm

mai sau tìm nhắc chuyện ngày xanh
người chớ quên một sáng yên lành
có con chim nhỏ trên cành hót
rất vô tình giữa nắng mong manh

mai sau về ghé bến sông xưa
người nhớ không một buổi giao mùa
chân non thơ dại đùa bên áo
đã xa rồi theo gió theo mưa

mai sau dù người nhớ hay quên
giữ cho nhau một chút êm đềm
hiên mưa gió lộng thềm khuya vắng
tóc ai còn dấu mãi hương đêm

mai sau ngồi kể chuyện trăm năm
người nhớ thêm một chuyện rất gần
gương xưa lược cũ chừng nghe lạnh
bởi bước ai về đã biệt tăm.

trần thanh hương

26 tháng 5, 2012

yêu người

xưa yêu người áo trận
muộn phiền níu chân ai
nay yêu người lận đận
buồn vương chật gót hài
      xưa yêu người khờ dại
      trầm mình chốn ngây thơ
      nay yêu người ngần ngại
      băn khoăn đếm chữ ngờ
áo hồn nhiên năm nao
mờ phai theo lệ trào
sông đời trôi mệt mỏi
cuốn dần áo xôn xao
      xưa yêu người hờ hững
      xa gần vắng trông mong
      nay yêu người với những
      tàn phai nhuộm tím lòng
người qua đời hỏi nhỏ
nhớ gì tháng năm xưa
chiều nghiêng hồn hỏi nhỏ
yêu thương mấy mới vừa
      xưa yêu người chẳng đợi
      tình dẫu có như không
      nay yêu người rất vội
      hồn đau giữa mặn nồng
xưa yêu người như thở
chẳng tìm kiếm xa xăm
nay yêu người trăn trở
nhìn trăng khóc nguyệt rằm.

trần thanh hương

21 tháng 5, 2012

thơ xanh


tại sao tìm kiếm những điều
dấu trong sâu thẳm của nhiều đắng cay
tại sao tìm kiếm heo may
khi đêm nghe gió về lay lá rừng
tại sao đàn lẻ tơ chùng
khi trong tâm tưởng vẫn cùng nhớ nhau
tại sao trước chẳng là sau
để cho người ngó mưa mau nhớ người
tại sao đời vắng tiếng cười
và câu thơ chỉ là lời dối gian
tại sao tìm chuyến đò ngang
khi sông xưa vẫn mênh mang một dòng
tại sao chỉ rối tơ lòng
gỡ xong rồi lại vướng vòng quẩn quanh
tìm hoài chỉ thấy mong manh
thì thôi gom hết thơ xanh gởi người
tìm đâu cũng đắng môi cười
thì thôi chôn hết mộng đời là xong
người về phố lạ buồn không
sông năm xưa đã mênh mông mấy dòng
người về dấu kín trong lòng
tay năm xưa mới nửa vòng đã lơi
người về giọng hát chơi vơi
hỏi thăm vạt nắng bên trời có đau
thôi thì trước chẳng là sau
nên chi dù có thương nhau cũng đành.

trần thanh hương

14 tháng 5, 2012

khoảng vắng


cho tôi được cùng người chia một chút
giấc mơ xanh khi tuổi đã thu vàng
cơn mộng dữ hay mơ màng tấu khúc
chút ngọt bùi và thêm chút ăn năn

cửa hỏa ngục hình như người đã mở
tội tình chi tôi mãi đứng trông chờ
thiên đường hứa hình như người đã đóng
tội tình gì tôi mãi miết trông mong

sân địa ngục chắc là không rộng lắm
cửa thiên đường có lẽ chỉ vài gang
tôi khờ dại húc đầu vô khoảng vắng
người bên đây hay bên đó đâu cần

không hề nói nhưng tôi vờ như hiểu
chuyện xa xưa hay chuyện mới rất gần
thêm đôi chữ rạc rời dăm ba nghĩa
dẫu vô tình hay dẫu rất phân vân

trong hạnh ngộ dấu trăm mầm bi lụy
người có về xin ghé cuối cơn mơ
câu thương mến xin người khoan nói vội
bởi yêu đương đâu biết thực hay ngờ.

trần thanh hương

30 tháng 4, 2012

khổ hình


tôi vẫn nghìn năm đợi một người
kiếm tìm sao chỉ thấy chia phôi
xa xăm người vẫn còn đâu đó
tôi mãi ngu ngơ lạc bước đời

tôi đứng trăm năm ngóng một người
chờ hoài sao chỉ thấy tôi thôi
bơ vơ thiếu phụ phòng khuê lạnh
dấu nỗi niềm đau dưới nụ cười

tôi cứ bâng khuâng nhớ một người
"gió về thêm lạnh tháng năm tôi" *
loanh quanh tìm mãi lòng chân thật
nào thấy ai đâu giữa chợ đời

tôi mãi ngây thơ đứng đợi chờ
cuối đường chỉ có mấy câu thơ
dại khờ tôi gởi thêm thương mến
theo gió theo mây lạc bến bờ

tôi vẫn thiên thu ngóng một người
gặp nhau rồi chỉ để xa thôi
khổ hình tôi chịu ngàn năm nữa
chỉ nhớ trăm năm có một người.

trần thanh hương
                                            * thơ quên tên tác giả

25 tháng 4, 2012

Thơ Thanh Hương - Đọc và Cảm

Với mấy chữ “Đọc và cảm”, người viết muốn nhấn mạnh vào cách nhìn chủ quan, thiên về cảm tính, rất dễ bị phản bác vì không đồng tình, đành chịu. Như vậy, trước hết, đây không phải là một bài phê bình, tức không đưa ra những đánh giá, một việc làm đòi hỏi sự lạnh lùng, khách quan. Công việc ấy khô quá, chẳng thú vị gì, nhất là đối với thơ. Cảm thì khác, nó đem lại cái thú cho người thưởng thức, đặc biệt khi đang rong chơi, bất ngờ bắt gặp một ý hay, một thi ảnh lạ, một xúc động, một nét đẹp mong manh nào đó, tưởng là của người, mà hóa ra cũng là của mình, và lòng chợt hân hoan.

Tôi nhớ có lần hứa sẽ viết về tình yêu trong thơ Thanh Hương, nghĩ lại mới thấy liều quá,  e rằng, người đứng bên lề, sẽ đụng tới những chỗ không nên đụng, ngại. Nhưng lỡ hứa, thì đành nhắm mắt, bởi vậy, bài viết này chỉ dám ngó sơ thôi, tức là ghi lại vài nét loáng thoáng, mà nhờ duyên may đã cảm. Này Thanh Hương, nếu có chỗ nào không vừa ý, xin thứ lỗi cho.

Thơ Thanh Hương – tình
Nhìn vào thơ TH, cái dễ thấy trước tiên là cách đặt tựa bài, tuyệt đại đa số tựa gồm hai chữ, trong 94 bài đã công bố (tính tới “Chợt đau” – 16.4.2012), chỉ có 20 tựa 3 chữ, hoặc 4 chữ tối đa (Có một lần, Nhớ gì không, Khi về hỏi khẽ, Trong cõi thiên thu v. v… – riêng năm 2012 có 13 bài, tựa toàn 2 chữ). Mà tại sao vậy hả cô? Ngẫu nhiên? Tôi không nghĩ thế. Xin cố lý giải vu vơ. Có lẽ đây là một ám ảnh vô thức, chính cô cũng không để ý, nhưng cứ lập đi lập lại nhiều lần. Vậy thử bắt đầu từ “con số hai”. Hai, của cô, gồm em và anh, là con số tiêu biểu cho tình yêu, cho lứa đôi, một thế giới chỉ có, và chỉ dành riêng cho hai người. Thơ TH, xin nhấn mạnh, trong từng bài, không có bất cứ bóng dáng nhân vật thứ ba nào. Nghĩ vu vơ một chút, khi chủ trương trang mạng ĐHSP SG, ai cũng thấy rõ TH là người rất đau, nỗi đau chung của đất nước, nhưng đọc thơ cô, tôi chỉ bắt gặp chữ tình, hay nỗi đau riêng của một con người, lạc lõng, chơ vơ, đúng hơn của hai con người cụ thể, trầm luân giữa một thế giới chẳng rộng là bao, vậy mà khoảng cách hầu như bất tận, vô phương lấp đầy. Như thế, khi thả hồn trong thơ, TH đã vượt khỏi khái niệm dân tộc, tức là vượt khỏi cái chung, cô tuyệt nhiên không nghĩ tới những biến cố lịch sử: ly tán hay thanh bình.
Nói không sợ sai: ngoại trừ bài “Mẹ ơi con nhớ”, toàn bộ thơ Thanh Hương là cõi riêng dành cho tình yêu, ngọt ngào hay cay đắng chưa nói tới, nhưng là thứ tình cảm không ai tránh khỏi, và tất cả đều khao khát đi tìm, để đời bớt tối và bớt lạnh. Cũng cần thêm một chút, ngay cả bài “Nhớ Gia Long”, tưởng chừng ký ức một lần quay về ngôi trường cũ, mong gặp thầy và bạn, nhưng thật không phải thế, Gia Long chẳng qua cũng chỉ là cái cớ, là không gian “mượn”, để cô nhớ tới một người.
người đi áo rủ chiều nay lạnh
ngõ cũ chân qua bỗng ngậm ngùi
Thế nên:
hiu hắt hương xưa về tản mạn
mây trời sao vẫn mịt mùng trôi? (NGL)
Hoặc bài “Sông núi”, với câu đầu
người gọi người nghe tiếng gì không
Tưởng đâu sẽ được nghe “bài hịch” hùng hồn, nhưng không, “sông núi” trước sau cũng chỉ gợi nhớ tới một người đã yêu, với một cuộc tình đã vỡ:
chuyện yêu thương sao cũng vô thường

Tới đây có nên khái quát hóa không? Thơ TH trước sau chỉ là THƠ TÌNH. Điều đáng buồn, cuộc tình của cô hầu như luôn luôn cay đắng, xót xa. Vậy là, một đời cay đắng, xót xa.

Thơ Thanh Hương – nỗi xót xa
Với TH, nỗi xót xa, thương nhớ, như nhát dao một lần chém xuống, từ thời con gái mà sao vẫn hằn sâu dấu vết cho tới cuối đời này (Dẫu rằng). Nó tạo cảm giác có cái gì đó làm cho cuộc sống bỗng nhiên ngột ngạt. Một khi tình yêu đã mất, thì hầu như hơi thở của cuộc sống cũng đứt theo. Và, rất buồn, rất thiết tha, chỉ một câu thôi
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày (Biết không).
lạc nhau trăm năm, trọn một kiếp người rồi còn gì, vậy mà vẫn nhớ, nhớ gì? một ngày , hay dấu tích chút kỷ niệm nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ đè nặng suốt cuộc đời, thế thì, chung thủy, buồn thật, cũng đồng nghĩa với chung thân buồn, cô như thế đó, phải không, TH?

Đã nói, trong từng bài cụ thể, thơ TH, không có bóng dáng của nhân vật thứ ba, tức nơi đây là một cõi riêng trọn vẹn, không chia sẻ. Vậy, ở đó có gì, cố thử xem, và gặp hai người:
- Tôi hay Em
Người biết đâu tôi như giọt lệ
Chảy âm thầm xuống cuối đời nhau (Biết không)
Anh biết em về với gió
Dẫu rằng gió rất mong manh (Dẫu rằng)

Như thế, Tôi hay Em, … cũng vậy mà thôi

- Ai, Người, hay Anh
Còn đối tượng được gọi là người, ai, có lúc là anh, nhưng dù gọi cách nào chăng nữa, giọng điệu của cô bao giờ cũng chan chứa yêu thương.
Đợi người về viết câu thơ
Đợi ai về nối cơn mơ thật dài…

- Và Chúng mình
Cuối cùng, em và anh, hợp lại thành mình và chúng mình.
chúng mình cùng đứng ở bên sông (bên sông)

Ước muốn chung của tất cả “chúng mình” trước sau vẫn là: hai thực thể đó hợp lại thành một, bất khả phân ly, thế là hạnh phúc, là đoàn viên, là đích tới của mọi cuộc tình. Nhưng thường thì, đây lại chính là lúc định mệnh hạ nhát dao đồ tể:
Thôi thì mình đã xa nhau
Thôi thì, tiếng than biểu thị thái độ chấp nhận, cam đành. Chấp nhận một thực tế chẳng bao giờ giống như mơ ước.

Đọc sáu bài đầu tiên trên blog, đăng năm 2008: “trong cõi thiên thu”, “đưa người”, “hiu hắt”, “ngẩn ngơ”, “một mình” và “tạ tình”, tôi hình dung cô đang tức tưởi, khóc một người nằm xuống:
nghĩa trang thăm thẳm đây rồi
từ đây người sẽ, trời ơi, lạnh lùng
nến soi trên vách chập chùng
tôi soi tôi mãi tận cùng hư không (đưa người)

Vậy khi soi mình trong chốn tận cùng hư không, cô thấy gì hả TH? Tôi biết rồi:
trong thơ tôi sống một mình
trong thơ tôi có bóng hình người xưa
xin như một chút hương thừa
đốt lên để tạ tình chưa trọn tình (tạ tình)

Đó là tình cảm dành cho người đã khuất, còn đối với người vẫn cùng cô hiện diện dưới ánh mặt trời thì sao?
chúng mình cùng đứng ở bên sông
mà sao xa cách đến muôn trùng
chúng mình cùng nói tiếng yêu thương
mà vẫn mất nhau cuối nẻo đường (bên sông)

Sao cay đắng vậy. Đó chính là sự quái ác của định mệnh, mà hình như nó chẳng dành cho TH phút nào để thở, để sống, để lòng thực sự an vui, khỏi cần bắt bề ngoài đeo thêm chiếc mặt nạ, giả vờ hạnh phúc.
Bài “dẫu rằng” mới nhất, vẫn là giọng điệu chán nản, cam đành thôi thì và thôi thì đành phải
thôi thì đời đã chia hai
chiều em qua phố gót hài chợt đau
thôi thì đành phải mất nhau
chiều em qua đó mưa mau nhớ người (dẫu rằng)

Cuối cùng
cũng vẫn hồn tôi của tháng năm xưa
         nhưng chỉ còn đây một chút âm thừa
         dâu biển đưa người trôi về vạn ngả
         còn một tôi về lạnh giữa cơn mưa
(trở lại nơi đây)

Và, cái còn lại của TH ngày xưa ấy:
người biết đâu tôi như giọt lệ
         chảy âm thầm xuống cuối đời nhau
         người biết đâu tôi như hạt bụi
         rất mong manh giữa nắng mưa sầu
(biết không)

        
Lại khái quát thêm một lần nữa. Thơ Thanh Hương trước sau chỉ là TÌNH BUỒN. Phải chăng định mệnh đối với cô ác quá?

Thơ Thanh Hương – sự giằng xé
Ừ, biết rằng:
đã xa xôi ngày thơ ấy
sao thương nhớ vẫn vơi đầy (dẫu rằng)

Vậy cô tính làm gì? Có lần cô dặn dò
muốn làm một làn hương
         bay trong cõi yên lành
         người ơi xin đừng kiếm
         hương vô cùng mong manh
(sai lầm)
xin đừng kiếm, để cô có thể bay trong cõi yên lành
Muốn người quên đi, và đừng kiếm nữa, cô kể lể những khiếm khuyết của mình
người biết đâu tôi như hạt bụi
         rất mong manh giữa nắng mưa sầu ...
người biết đâu tôi khờ khạo lắm
         mãi ham vui nên cứ sai lầm
(biết không)

Phải rồi tôi (hay em) vậy đó, có đáng gì đâu, người còn nhớ tôi làm gì. Đọc mấy câu này, tôi chợt hình dung ra một cô gái lẻ loi, đang thảng thốt tìm đường trốn chạy, đủ thứ, trốn người, trốn tôi, trốn thực tại cay đắng. Nhưng có trốn nổi không? Chính trong lúc tột cùng cô đơn, cô lại muốn níu chặt
gởi anh giọt nước mắt cay
         mình chia nhau cuối đời nầy
         anh nhé ngọt bùi xin giữ
         dẫu tình như gió heo may
(dẫu rằng)

Trốn và níu, níu và trốn, chính là tâm trạng rất thực của người đang tuyệt vọng trong tình yêu. Và trong cơn tuyệt vọng, tâm trạng cô hoàn toàn mâu thuẫn, rối bời. Tôi thấy thêm trong cô: sự giằng xé làm tâm hồn rách nát ra

Đoạn cuối bài “biết không”
người biết đâu tôi nhớ vô cùng
         mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
         tôi con chim lạc sầu đêm tới
         thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng

Riêng câu hai, sau khi post lên, cô đã sửa lại hai lần:
sử nhân sầu nhớ chốn thâm cung, sửa thành
vương phi sầu nhớ chốn thâm cung, cuối cùng là:
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung

Đây mới đúng là cô. Hai lần đầu sáo quá. Cô nhớ nhung, và lúc nào cũng muốn chia nỗi nhớ nhung, chia là nhu cầu vốn có của mọi con người, bởi vậy cô tìm. Chạy trốn làm sao được hả cô. Cô phải nhớ: chạy trời cũng không khỏi nắng.
Thơ TH đầy đặn quá, xúc tích quá, giàu cảm xúc quá, viết làm sao cho cạn ý đây. Thôi thì… Thay lời kết, xin gửi cô tin nhắn:
Này Thanh Hương, đời đã thế, hay là ta cứ thử một lần đùa chơi với đời… để mắt khỏi cay.

Vũ Lưu Xuân
(Anh Thường ơi, TH vốn tính rất hay đùa, thế nhưng đùa chơi với đời thì chắc chắn là mắt sẽ cay hơn nên không dám "thử"  như lời xúi dại của anh đâu ạ)



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.