Tôi đã
viết ba bài về thơ Thanh Hương, thế mà chưa có dòng nào bàn tới nghệ thuật, tức
cái – gọi là gì nhỉ? – thôi thì, nói đại, cái … thổi hồn cho cảm xúc, tạo vẻ
đẹp cho tình và ý. Và, để khỏi thiếu sót, phen này, lại đành liều mình như chẳng có, mon men tới gần
nghệ thuật. Sở dĩ nói liều, vì nghệ
thuật rộng quá, mà ở một số phạm vi, vốn khó có sự phân biệt rạch ròi với nội
dung, nếu không khéo sẽ bị sa đà. Hơn nữa nghệ thuật lại là thứ gì đó bàng bạc,
khó nắm bắt, khó phân tích, người viết dễ rơi vào những lời khen chê hời hợt,
vu vơ. Thở dài một tiếng, “vu vơ” là thói thường của mấy anh chàng Việt-hán,
người ta bảo thế, vậy, đã là Việt-hán, sợ gì.
Trót mang
tiếng “vu vơ” thì bàn dông dài một chút, có sao. Chợt nhớ tới nhà thơ “dở hơi”
Giả Đảo, đời Đường. Cái ông ba năm mới làm nổi hai câu (lưỡng cú tam niên đắc), có một giai thoại cũng “dở hơi” không kém.
Một đêm sáng trăng, thiên hạ thấy ông “dở hơi”, chẳng thèm nhìn ai, vừa đi vừa
lẩm bẩm, tay không ngừng làm động tác: khi “đẩy” (thôi), khi “gõ” (xao). Về
sau mới biết ông đang loay hoay chọn chữ cho câu thơ: “tăng thôi nguyệt hạ môn”
(sư đẩy cửa dưới trăng), hay “tăng xao nguyệt hạ môn” (sư gõ cửa
dưới trăng). Chữ nào đây? Nghĩ đi, nghĩ lại, mới thấy, ông “dở hơi” loay hoay
là đúng, vì cả hai chữ đều … tuyệt vời, khó chọn thật. Từng chữ, tuy đơn giản,
bình thường, nhưng lại có khả năng gợi mở nhiều suy nghĩ và cảm xúc:
- Bất kể
đêm hôm khuya khoắt, sư vẫn xỏ áo, dưới trăng, tới gõ (xao) cửa nhà bạn. Vì
sao ư: có một lời chợt muốn tâm tình, có một ý hay chợt muốn chia sẻ? v. v… và
v. v… Nhưng thôi, chẳng cần biết lý do, chỉ ngờ ngợ thấy rằng, đó là giao tình
của những con người thanh cao.
- Bất kể
đêm hôm khuya khoắt, sư vẫn một mình lang thang dưới trăng. Chán rồi, quay về
chùa, thì cứ việc đẩy (thôi) cửa vào,
thanh bạch, có gì đâu mà cần khóa cổng; một mình, có ai đâu mà cần gọi cửa.
Hình ảnh trong câu thơ toát lên vẻ khoáng đạt, vượt khỏi cái phong thái bình
bình của những kẻ chỉ biết ngày đêm tất bật, và đặc biệt làm nổi bật không khí
tĩnh lặng, tĩnh lặng là khoảng khắc để ta ngẩng lên nhìn trời, cúi xuống nhìn
đất và, quay lại nhìn mình.
Người
viết bài này cũng chẳng cần biết ông “dở hơi” cuối cùng chọn chữ nào. Nhưng
mường tượng rằng, chỉ một chữ rất tầm thường, rất thông dụng: “đẩy” và “gõ”, nhưng dùng đúng lúc và đặt đúng chỗ, đã có thể thổi hồn cho
câu thơ, gợi cho người thưởng thức biết bao tình ý. Vậy, gọi bừa đó là “cái thần”, khác đi, đó cũng là tính hàm
súc, cô đọng của ngôn ngữ thơ. Thế mà, ông Giả Đảo ơi là ông Giả Đảo, đa phần
thiên hạ làm gì có mắt, nên đã ghép hai chữ “thôi xao” để làm thành ngữ mỉa mai, chỉ sự cầu kỳ một cách… “dở hơi”. Thần của thơ hiếm đấy, lác đác, lác
đác, như sao trời thưa, người thơ thỉnh thoảng may mà bắt được. Nhưng một đời
làm thơ, nếu chẳng tìm nổi một chữ, một câu nào đáng gọi là có thần, thì trước
sau chỉ là thơ của phường chợ búa.
Lang
thang chán, bây giờ mới vào đề: thơ Thanh Hương, nhìn về nghệ thuật. Rộng quá,
viết sao cho đủ. Thôi thì, đại khái thế này, chẳng biết có đúng không: nội dung
là tình ý, là cảm xúc, còn việc chọn lọc và sắp xếp chữ nghĩa để thể hiện nội
dung, khác đi diễn tả thấu suốt tình ý, lại thuộc phạm vi nghệ thuật. Thế là
bài viết đã co rút, thu gọn trong một ranh giới rất nhỏ của nghệ thuật: đi tìm “cái thần” trong thơ Thanh Hương.
Và, tới đây, đã có thể mặc sức bàn linh tinh về một câu, đúng hơn, một vài chữ,
mà người viết đột nhiên bàng hoàng cảm được “cái thần”, rõ hơn, câu thơ càng đọc càng thấy lâng lâng, khoái chí.
Vậy là đã định xong phạm vi bài viết, nhỏ thôi, so với nghệ thuật, và cũng nhỏ
thôi, so với thơ Thanh Hương.
Tôi đọc
thơ Thanh Hương tương đối kỹ, vậy có dịp nào gặp được “cái thần” hay không? Cũng hiếm, nhưng vẫn có đó, và mỗi lần gặp thì
rất mừng, cô đã cho tôi cơ hội thả hồn, vào đâu nhỉ? - vào cõi … “vu vơ”. Đành
phải cảm ơn cô một tiếng.
Thế chứ
gần một trăm bài trong blog “Gởi hương cho gió”, bài nào hay? Chữ “hay” dở quá,
kiểu khen rất chung chung, vậy nói khác đi một chút, bài nào “có hồn”, tức có
khả năng gợi xúc cảm cho người đọc? Câu hỏi này chẳng trả lời được, vì, mỗi
người mỗi ý, mỗi người nhìn thơ ở một góc độ, ở một thời điểm, ở một tâm trạng
khác nhau, nên khó đưa ra ý kiến chung, thống nhất. Riêng tôi – lại chủ quan
mất rồi, đành chịu vậy – trước sau vẫn đặc biệt thích bài “biết không”. Mà nói
“thích” e rằng chưa đủ, phải nói là “say” mới đúng.
“Biết
không” đã được anh NTT bình về nội dung. Vậy mặt này thế là đủ
rồi, không cần thêm thắt nữa. Người viết tự ý dành riêng cho mình một khoảng
nhỏ, để “vu vơ” đôi lời về “cái thần”
chợt ẩn, chợt hiện.
Bài làm
đều tay, nghĩa là không có chữ và câu nào sượng. Lời đẹp và tình ý thâm trầm
thì cũng nhiều, chẳng hạn:
người biết không tôi như mưa bay
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày.
Thế nhưng
“say” nhất vẫn là bốn câu cuối:
người biết đâu tôi nhớ vô cùng
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
tôi con chim lạc sầu đêm tới
thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
tôi con chim lạc sầu đêm tới
thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng
Và câu thơ khiến người viết đột nhiên cảm được “cái thần”, chính là: mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
Như thế,
trọn bài chỉ xin rút về một câu. (Vậy mà cũng dám lộng ngôn: “bàn tới nghệ
thuật” trong thơ Thanh Hương, liều đấy, nhưng đã sao, khả năng chỉ có vậy, xin
thứ lỗi cho.)
Thử nhìn
từng chữ, từng chữ:
Trước
hết, chữ “nhớ nhung”, tâm trạng của
hai con người – vì lý do nào đó, ở đời có biết bao lý do – buộc phải xa, mà
không thể quên nhau được, nó hàm chứa tình yêu, thời gian bất lực không đủ làm
phai, nó cũng hàm chứa nỗi đau, thời gian chỉ làm tâm hồn thêm héo mòn, đó
chính là định mệnh, luôn rình rập để cười cợt sự bất hạnh của con người. Nỗi “nhớ nhung” có thể đơn phương, đến từ một
phía, còn đối tượng dửng dưng, vô tình. Ngược lại nỗi nhớ có thể đến từ cả hai
phía, cả hai cùng nhớ nhau, vậy mà, buồn thật, chỉ tan, không hợp.
Tôi đã
làm công việc rất lẩn thẩn, thử thay “nhớ
nhung” bằng một vài chữ khác, chẳng hạn “xót thương” hoặc “đau thương”,
hay “xót xa” (không tính tới chuyện
lạc vận), mắt ai tìm chia nỗi xót thương
(xót xa, đau thương), câu thơ vẫn có
nghĩa, nhưng dở quá. Ba từ đó chỉ diễn tả nỗi đau của riêng mình, còn “nhớ nhung” là tình cảm chủ yếu dành cho
người, nó tìm tới đối tượng, đúng hơn, của hai người dành cho nhau, đó mới là
tình yêu. Kết luận nhỏ: “nhớ nhung”
là từ không thể thay được, nó là cái “mắt” của câu thơ.
Nỗi “nhớ nhung” ấy không thể ôm mãi trong
lòng, nên muốn được “chia”, để cả hai
cùng biết, và cả hai cùng nhận. “Chia”
chính là nhu cầu của con người, lạnh quá, không chịu nổi sự cô đơn. Thế nhưng,
nỗi buồn “chia”, có thể vơi đi một
phần, vì đối tượng không buồn, sẽ “chia”
giùm một ít, còn “nhớ nhung” có “chia”, một khi cả hai cùng nhớ, thì cuối
cùng cũng vẫn cứ đầy ắp mà thôi. Như thế “chia”
ở đây cũng hiểu là lời “nhắc”, nhắc cho đối tượng biết tấm lòng, dù xa nhau,
vẫn tràn ngập yêu thương của mình.
“Nhớ nhung” đã “chia” rồi, nhưng ai chia và chia cho ai? Thử tìm trong mấy chữ “mắt ai tìm”
Câu thơ
có thể ngắt hơi theo hai cách, mang hai ý nghĩa khác nhau:
mắt ai
tìm – chia nỗi nhớ nhung
và
mắt ai
– tìm chia nỗi nhớ nhung
Ngắt hơi
theo cách thứ nhất: mắt ai, đôi mắt
của ai đó (hay của anh), từ chốn xa xôi nào, đang tìm tới – ở đây có một túc từ
ẩn (objet sous-entendu) – tôi (hay em), để chia
nỗi nhớ nhung.
Ngắt hơi
theo cách thứ hai – ở đây có một chủ từ ẩn (sujet sous-entendu) – tôi (hay em)
ở nơi xa xôi, vẫn mong ước tìm tới mắt ai,
để chia nỗi nhớ nhung
Tóm lại,
đây là nỗi nhớ nhung của cả hai bên, muốn chia sẻ và nhắc cho nhau biết. Câu
thơ dạt dào tình cảm, dạt dào yêu thương, và cũng dạt dào đau buồn.
Tôi lại
lẩn thẩn, thử đảo lộn vị trí của chữ trong câu:
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
thành
tìm mắt ai chia nỗi nhớ nhung
Câu vẫn
có nghĩa, nhưng chỉ có thể hiểu một cách, với chủ từ (ẩn) duy nhất là “tôi”. Ý
thơ hẹp lại, trở thành con đường một chiều, từ “tôi” tới “đối tượng”, như vậy
không còn là tình yêu đích thực: con đường hai chiều, hay sự tương thông bất
tận giữa hai con người.
Vậy mới
thấy, chữ nghĩa Thanh Hương chọn và sắp xếp cho câu thơ trên – mở ngoặc một
chút, riêng câu trên thôi nhá – là không thể thay thế được, không thể đảo lộn
được, theo tôi – lại chủ quan – chúng đã đạt tới mức toàn hảo. Đây chính là “cái thần” của câu thơ.
Lang bang
như vậy chắc cũng đủ rồi. Này cô, nói nhỏ một chút, cái câu thơ "vớ vẩn" mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung đã làm tôi
một đêm loay hoay, mất ngủ. Ừ, mà cũng đáng, nên, cố viết bài này để cảm ơn cô.
Vũ Lưu
Xuân
(22/07/2012)Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.
biết không
người biết đâu tôi như giọt lệ
chảy âm thầm xuống cuối đời nhau
người biết đâu tôi như hạt bụi
rất mong manh giữa nắng mưa sầu
người biết đâu cây đời lạnh lắm
cứ cho hoài những nhánh ăn năn
người biết đâu tôi khờ khạo lắm
mãi ham vui nên cứ sai lầm
người biết không tôi như mưa bay
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày
sương cao mát ngọt mầm khô héo
tôi hoa gầy giữa núi cheo leo
người biết không một lần qua đây
hồn mênh mông bão tố lên đầy
tôi cơn mơ nhỏ đời giăng lưới
ngẩn ngơ nhìn sợi khói tình bay
người biết đâu tôi nhớ vô cùng
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
tôi con chim lạc sầu đêm tới
thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng.
trần thanh hương
(08/04/2012)