]]>

19 tháng 10, 2012

Tản mạn về một bài thơ

Lang thang trên mạng, ngẫu nhiên gặp một bài thơ của TTH. Đọc xong có vài ý tưởng tản mạn.

Thời xa xưa người Việt bị gò bó trong lễ nghĩa Khổng Mạnh, người ta thường chỉ đề cập tới các tình cảm như hiếu để, tình gia tộc, xóm làng v.v... những tình cảm cá nhân, nhất là tình yêu nam nữ, hầu như bị kiêng kỵ, ít khi được trình bày công khai một cách chính thống, trừ một số đoạn trong vài tác phẩm hiếm hoi như truyện Kiều hay Chinh Phụ Ngâm... hoặc trong văn học dân gian như một số câu ca dao :
"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ trước gió biết vào tay ai"

Chỉ đến những thập kỷ 20, 30 của thế kỷ trước với sự thâm nhập của văn chương Pháp vào các tầng lớp thanh niên ở các thành thị, với sự xuất hiện của các tiểu thuyết lãng mạn như "Tố Tâm", của các bài thơ mới của các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu,v.v... thì tình cảm nam nữ trong xã hội Việt Nam, như một hạt mầm từ lâu bị hạn, gặp được nước mát, vươn lên trổ lá xanh tươi. Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ thơ ca về tình yêu lại phong phú, nhiều hương sắc như giai đoạn này.

Nhưng Tình Yêu là một đề tài muôn thủa. Người ta làm thơ về tình yêu, ca ngợi tình yêu nhưng có lẽ chẳng mấy ai, hay chẳng ai, hiểu về tình yêu. Ngay Xuân Diệu, viết rất nhiều bài thơ tình sướt mướt, cũng vẫn ngẩn ngơ hỏi:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?”
Có thể cắt nghĩa được không, hay là một điều bất khả?

Trong bài thơ mới đăng trên blog  “Hai ngả”, TTH dường như đưa ra một câu trả lời phủ định khi viết:
“Anh cố hiểu những điều không thể hiểu
em cố im dù muốn nói vô cùng”
Em rất muốn thổ lộ, rất muốn bày tỏ nhưng em không thể, như vậy anh ơi, đừng cố tìm hiểu làm gì. Chúng ta đang chìm trong mộng ảo sương khói mông lung, giữa một thế giới thật với đêm ngày nối tiếp:
“hai chúng mình như hai cõi mông lung
đêm khép lại khi ngày về đâu đó”

Hình như với anh và em, mọi cái đều rất mong manh, mọi cái đều đã lỗi nhịp. Em cố tìm bắt, dù nhịp đầu đã lỡ, mà sao lòng vẫn mãi phân vân
“anh cố giữ dẫu biết tình như gió
bài ca xưa lạc điệu biết bao lần
em cố tìm dù chỉ thấy phân vân
câu hát cũ ngay nhịp đầu đã lỡ”

Trong những biến thiên của cuộc sống em cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé:
“ta bé nhỏ trước trang đời khép mở”
và lạc lõng , cô đơn, mỏi mệt:
“em đi về từng bước nhỏ bâng khuâng
thơ mỏi mệt chở trăm điều vô nghĩa”

Em muốn tìm một chỗ dựa nơi anh nhưng làm sao được khi:
“lời vô ưu anh chép cũng sai vần”

Người đọc có lẽ thấy thương cảm cho một tình yêu bế tắc nhưng còn người trong cuộc ?

Ngày xưa, mang tước là Uy Viễn Tướng Công , Nguyễn Công Trứ vẫn bị lụy bởi chữ “Tình” khi ông tự hỏi:
“chữ tình là cái chi chi?”
mà đến nỗi:
“đã gọi người nằm thiên cổ dậy
lại đưa hồn mộng ngủ canh đi”

Thực là một “ thiên cổ lụy”. Vì vậy, trở lại bài thơ của TTH , ta vẫn chỉ thấy một vòng luẩn quẩn
“anh cứ hiểu dẫu thật lòng không hiểu
em cứ tìm dù chẳng biết tìm chi
hai chúng mình như chim buổi thiên di
bay hai ngả ngược vòng quay cố xứ”

Tình yêu thì không thể cắt nghĩa. Nó đến tự nhiên với chúng ta như hơi thở, mang hương sắc đến cho đời nhưng rồi, theo quy luật của vô thường, nó cũng sẽ tàn phai
“khi trời đất biệt nghìn thu một lượt
còn một điều: ta chẳng hiểu gì hơn”

Có còn chăng, có lẽ, một chút gì để nhớ.

Tường Huy