]]>

25 tháng 4, 2012

Thơ Thanh Hương - Đọc và Cảm

Với mấy chữ “Đọc và cảm”, người viết muốn nhấn mạnh vào cách nhìn chủ quan, thiên về cảm tính, rất dễ bị phản bác vì không đồng tình, đành chịu. Như vậy, trước hết, đây không phải là một bài phê bình, tức không đưa ra những đánh giá, một việc làm đòi hỏi sự lạnh lùng, khách quan. Công việc ấy khô quá, chẳng thú vị gì, nhất là đối với thơ. Cảm thì khác, nó đem lại cái thú cho người thưởng thức, đặc biệt khi đang rong chơi, bất ngờ bắt gặp một ý hay, một thi ảnh lạ, một xúc động, một nét đẹp mong manh nào đó, tưởng là của người, mà hóa ra cũng là của mình, và lòng chợt hân hoan.

Tôi nhớ có lần hứa sẽ viết về tình yêu trong thơ Thanh Hương, nghĩ lại mới thấy liều quá,  e rằng, người đứng bên lề, sẽ đụng tới những chỗ không nên đụng, ngại. Nhưng lỡ hứa, thì đành nhắm mắt, bởi vậy, bài viết này chỉ dám ngó sơ thôi, tức là ghi lại vài nét loáng thoáng, mà nhờ duyên may đã cảm. Này Thanh Hương, nếu có chỗ nào không vừa ý, xin thứ lỗi cho.

Thơ Thanh Hương – tình
Nhìn vào thơ TH, cái dễ thấy trước tiên là cách đặt tựa bài, tuyệt đại đa số tựa gồm hai chữ, trong 94 bài đã công bố (tính tới “Chợt đau” – 16.4.2012), chỉ có 20 tựa 3 chữ, hoặc 4 chữ tối đa (Có một lần, Nhớ gì không, Khi về hỏi khẽ, Trong cõi thiên thu v. v… – riêng năm 2012 có 13 bài, tựa toàn 2 chữ). Mà tại sao vậy hả cô? Ngẫu nhiên? Tôi không nghĩ thế. Xin cố lý giải vu vơ. Có lẽ đây là một ám ảnh vô thức, chính cô cũng không để ý, nhưng cứ lập đi lập lại nhiều lần. Vậy thử bắt đầu từ “con số hai”. Hai, của cô, gồm em và anh, là con số tiêu biểu cho tình yêu, cho lứa đôi, một thế giới chỉ có, và chỉ dành riêng cho hai người. Thơ TH, xin nhấn mạnh, trong từng bài, không có bất cứ bóng dáng nhân vật thứ ba nào. Nghĩ vu vơ một chút, khi chủ trương trang mạng ĐHSP SG, ai cũng thấy rõ TH là người rất đau, nỗi đau chung của đất nước, nhưng đọc thơ cô, tôi chỉ bắt gặp chữ tình, hay nỗi đau riêng của một con người, lạc lõng, chơ vơ, đúng hơn của hai con người cụ thể, trầm luân giữa một thế giới chẳng rộng là bao, vậy mà khoảng cách hầu như bất tận, vô phương lấp đầy. Như thế, khi thả hồn trong thơ, TH đã vượt khỏi khái niệm dân tộc, tức là vượt khỏi cái chung, cô tuyệt nhiên không nghĩ tới những biến cố lịch sử: ly tán hay thanh bình.
Nói không sợ sai: ngoại trừ bài “Mẹ ơi con nhớ”, toàn bộ thơ Thanh Hương là cõi riêng dành cho tình yêu, ngọt ngào hay cay đắng chưa nói tới, nhưng là thứ tình cảm không ai tránh khỏi, và tất cả đều khao khát đi tìm, để đời bớt tối và bớt lạnh. Cũng cần thêm một chút, ngay cả bài “Nhớ Gia Long”, tưởng chừng ký ức một lần quay về ngôi trường cũ, mong gặp thầy và bạn, nhưng thật không phải thế, Gia Long chẳng qua cũng chỉ là cái cớ, là không gian “mượn”, để cô nhớ tới một người.
người đi áo rủ chiều nay lạnh
ngõ cũ chân qua bỗng ngậm ngùi
Thế nên:
hiu hắt hương xưa về tản mạn
mây trời sao vẫn mịt mùng trôi? (NGL)
Hoặc bài “Sông núi”, với câu đầu
người gọi người nghe tiếng gì không
Tưởng đâu sẽ được nghe “bài hịch” hùng hồn, nhưng không, “sông núi” trước sau cũng chỉ gợi nhớ tới một người đã yêu, với một cuộc tình đã vỡ:
chuyện yêu thương sao cũng vô thường

Tới đây có nên khái quát hóa không? Thơ TH trước sau chỉ là THƠ TÌNH. Điều đáng buồn, cuộc tình của cô hầu như luôn luôn cay đắng, xót xa. Vậy là, một đời cay đắng, xót xa.

Thơ Thanh Hương – nỗi xót xa
Với TH, nỗi xót xa, thương nhớ, như nhát dao một lần chém xuống, từ thời con gái mà sao vẫn hằn sâu dấu vết cho tới cuối đời này (Dẫu rằng). Nó tạo cảm giác có cái gì đó làm cho cuộc sống bỗng nhiên ngột ngạt. Một khi tình yêu đã mất, thì hầu như hơi thở của cuộc sống cũng đứt theo. Và, rất buồn, rất thiết tha, chỉ một câu thôi
lạc trăm năm vẫn nhớ một ngày (Biết không).
lạc nhau trăm năm, trọn một kiếp người rồi còn gì, vậy mà vẫn nhớ, nhớ gì? một ngày , hay dấu tích chút kỷ niệm nhỏ nhoi, nhưng cũng đủ đè nặng suốt cuộc đời, thế thì, chung thủy, buồn thật, cũng đồng nghĩa với chung thân buồn, cô như thế đó, phải không, TH?

Đã nói, trong từng bài cụ thể, thơ TH, không có bóng dáng của nhân vật thứ ba, tức nơi đây là một cõi riêng trọn vẹn, không chia sẻ. Vậy, ở đó có gì, cố thử xem, và gặp hai người:
- Tôi hay Em
Người biết đâu tôi như giọt lệ
Chảy âm thầm xuống cuối đời nhau (Biết không)
Anh biết em về với gió
Dẫu rằng gió rất mong manh (Dẫu rằng)

Như thế, Tôi hay Em, … cũng vậy mà thôi

- Ai, Người, hay Anh
Còn đối tượng được gọi là người, ai, có lúc là anh, nhưng dù gọi cách nào chăng nữa, giọng điệu của cô bao giờ cũng chan chứa yêu thương.
Đợi người về viết câu thơ
Đợi ai về nối cơn mơ thật dài…

- Và Chúng mình
Cuối cùng, em và anh, hợp lại thành mình và chúng mình.
chúng mình cùng đứng ở bên sông (bên sông)

Ước muốn chung của tất cả “chúng mình” trước sau vẫn là: hai thực thể đó hợp lại thành một, bất khả phân ly, thế là hạnh phúc, là đoàn viên, là đích tới của mọi cuộc tình. Nhưng thường thì, đây lại chính là lúc định mệnh hạ nhát dao đồ tể:
Thôi thì mình đã xa nhau
Thôi thì, tiếng than biểu thị thái độ chấp nhận, cam đành. Chấp nhận một thực tế chẳng bao giờ giống như mơ ước.

Đọc sáu bài đầu tiên trên blog, đăng năm 2008: “trong cõi thiên thu”, “đưa người”, “hiu hắt”, “ngẩn ngơ”, “một mình” và “tạ tình”, tôi hình dung cô đang tức tưởi, khóc một người nằm xuống:
nghĩa trang thăm thẳm đây rồi
từ đây người sẽ, trời ơi, lạnh lùng
nến soi trên vách chập chùng
tôi soi tôi mãi tận cùng hư không (đưa người)

Vậy khi soi mình trong chốn tận cùng hư không, cô thấy gì hả TH? Tôi biết rồi:
trong thơ tôi sống một mình
trong thơ tôi có bóng hình người xưa
xin như một chút hương thừa
đốt lên để tạ tình chưa trọn tình (tạ tình)

Đó là tình cảm dành cho người đã khuất, còn đối với người vẫn cùng cô hiện diện dưới ánh mặt trời thì sao?
chúng mình cùng đứng ở bên sông
mà sao xa cách đến muôn trùng
chúng mình cùng nói tiếng yêu thương
mà vẫn mất nhau cuối nẻo đường (bên sông)

Sao cay đắng vậy. Đó chính là sự quái ác của định mệnh, mà hình như nó chẳng dành cho TH phút nào để thở, để sống, để lòng thực sự an vui, khỏi cần bắt bề ngoài đeo thêm chiếc mặt nạ, giả vờ hạnh phúc.
Bài “dẫu rằng” mới nhất, vẫn là giọng điệu chán nản, cam đành thôi thì và thôi thì đành phải
thôi thì đời đã chia hai
chiều em qua phố gót hài chợt đau
thôi thì đành phải mất nhau
chiều em qua đó mưa mau nhớ người (dẫu rằng)

Cuối cùng
cũng vẫn hồn tôi của tháng năm xưa
         nhưng chỉ còn đây một chút âm thừa
         dâu biển đưa người trôi về vạn ngả
         còn một tôi về lạnh giữa cơn mưa
(trở lại nơi đây)

Và, cái còn lại của TH ngày xưa ấy:
người biết đâu tôi như giọt lệ
         chảy âm thầm xuống cuối đời nhau
         người biết đâu tôi như hạt bụi
         rất mong manh giữa nắng mưa sầu
(biết không)

        
Lại khái quát thêm một lần nữa. Thơ Thanh Hương trước sau chỉ là TÌNH BUỒN. Phải chăng định mệnh đối với cô ác quá?

Thơ Thanh Hương – sự giằng xé
Ừ, biết rằng:
đã xa xôi ngày thơ ấy
sao thương nhớ vẫn vơi đầy (dẫu rằng)

Vậy cô tính làm gì? Có lần cô dặn dò
muốn làm một làn hương
         bay trong cõi yên lành
         người ơi xin đừng kiếm
         hương vô cùng mong manh
(sai lầm)
xin đừng kiếm, để cô có thể bay trong cõi yên lành
Muốn người quên đi, và đừng kiếm nữa, cô kể lể những khiếm khuyết của mình
người biết đâu tôi như hạt bụi
         rất mong manh giữa nắng mưa sầu ...
người biết đâu tôi khờ khạo lắm
         mãi ham vui nên cứ sai lầm
(biết không)

Phải rồi tôi (hay em) vậy đó, có đáng gì đâu, người còn nhớ tôi làm gì. Đọc mấy câu này, tôi chợt hình dung ra một cô gái lẻ loi, đang thảng thốt tìm đường trốn chạy, đủ thứ, trốn người, trốn tôi, trốn thực tại cay đắng. Nhưng có trốn nổi không? Chính trong lúc tột cùng cô đơn, cô lại muốn níu chặt
gởi anh giọt nước mắt cay
         mình chia nhau cuối đời nầy
         anh nhé ngọt bùi xin giữ
         dẫu tình như gió heo may
(dẫu rằng)

Trốn và níu, níu và trốn, chính là tâm trạng rất thực của người đang tuyệt vọng trong tình yêu. Và trong cơn tuyệt vọng, tâm trạng cô hoàn toàn mâu thuẫn, rối bời. Tôi thấy thêm trong cô: sự giằng xé làm tâm hồn rách nát ra

Đoạn cuối bài “biết không”
người biết đâu tôi nhớ vô cùng
         mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung
         tôi con chim lạc sầu đêm tới
         thấy ánh sao khuya vẫn ngại ngùng

Riêng câu hai, sau khi post lên, cô đã sửa lại hai lần:
sử nhân sầu nhớ chốn thâm cung, sửa thành
vương phi sầu nhớ chốn thâm cung, cuối cùng là:
mắt ai tìm chia nỗi nhớ nhung

Đây mới đúng là cô. Hai lần đầu sáo quá. Cô nhớ nhung, và lúc nào cũng muốn chia nỗi nhớ nhung, chia là nhu cầu vốn có của mọi con người, bởi vậy cô tìm. Chạy trốn làm sao được hả cô. Cô phải nhớ: chạy trời cũng không khỏi nắng.
Thơ TH đầy đặn quá, xúc tích quá, giàu cảm xúc quá, viết làm sao cho cạn ý đây. Thôi thì… Thay lời kết, xin gửi cô tin nhắn:
Này Thanh Hương, đời đã thế, hay là ta cứ thử một lần đùa chơi với đời… để mắt khỏi cay.

Vũ Lưu Xuân
(Anh Thường ơi, TH vốn tính rất hay đùa, thế nhưng đùa chơi với đời thì chắc chắn là mắt sẽ cay hơn nên không dám "thử"  như lời xúi dại của anh đâu ạ)



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.