]]>

30 tháng 6, 2011

vài cảm nhận vụn vặt về thơ thanh hương

Tôi nhận được email của T. Hương lần đầu khoảng tháng 7 năm 2009, khi xin ghi tên vào danh sách CSV ĐHSP SG, cô có nhờ tôi gửi bài ủng hộ trang nhà. Thú thật, tôi chẳng để ý tới cái tên Thanh Hương, cô sư muội ở tít tắp đâu đâu, mà cũng chẳng gửi bài, tệ! Và, quên… Giữa năm 2010, nhân dịp ra mắt cuốn Hương Hồng Quế, tôi có gửi sách tặng cô, nhưng gửi lộn tên, lại tệ nữa! Dịp đó, T.H nhiệt tình giới thiệu tôi với đồng môn, vậy là mắc món nợ ân tình. Cũng cố cám ơn một tiếng, nhưng, thế này thì chưa dứt được đâu. Đành vậy! Tôi nhớ có lần thấy tấm hình chụp chung, trong đó có T.H, cái trán dồ, chẳng biết đựng thứ gì trong đó? Nghi lắm. Mọi việc xong xuôi, có dịp đọc trang nhà, và đặc biệt đọc thơ T.H, rồi gần đây đọc blog “Gửi hương cho gió” của cô. Hương nào vậy? Gửi gió nào vậy? Có mà trời biết. Thú thật, tôi rất lười làm thơ, và cũng không mấy thích thơ, cả đời mới làm được dăm bảy bài. Làm rồi để đó ngó chơi, cười, rồi lẳng lặng cất đi, nhiều khi quên tiệt. Vậy mà đọc thơ T.H tự nhiên thấy thích, thấy cảm, có trớn đọc luôn, sao vậy kìa? Có lẽ vì gặp ở đó một tấm lòng, đồng điệu hay không, chưa biết, nhưng xúc động thì, có đó. À! Té ra cái trán dồ đựng thứ này, biết rồi. Mà không phải, “thứ này” tất phải cất kín trong lòng, ở ngăn sâu nhất, chứ có đâu đựng trong cái trán dồ, vừa nhìn đã thấy. Ngu thiệt! Này T.Hương, thế là tôi lại thiếu cô thêm một món nợ: nợ chữ nghĩa. Nợ ân tình và nợ chữ nghĩa, nhiều quá, lấy gì trả đây? Đành trả bằng vài bài viết loàng xoàng, vài bài thơ dấm dẳn. Và … viết bài này, về thơ Thanh Hương, nếu không tệ lắm, may ra nợ cũ cũng trả được phần tư. Sao lại phần tư? Lấy gì cân đong? Nhưng lạ thật, vẫn cứ thích con số phần tư, để thấy rằng chẳng bao giờ trả đủ, làm cách nào cũng vẫn còn thiếu hụt, vẫn còn ít lắm. Thế có tệ không? Ừ, tệ thật đấy! Nhưng mang nợ trong lòng nhiều khi lại thích, để cứ nhớ, để đừng quên, để nhắc mãi … Thêm tí nữa, có lần cô khen mấy bài thơ trong tập truyện ngắn của tôi hay, “anh làm thơ nữa đi”, nghe sướng quá, nhận bừa. Tỉnh ra mới thấy mình dại, thế là cứ cuống cả lên, chữ nghĩa bay vù vù, hoa cả mắt, chẳng bắt được chữ nào. Và mới biết, cái trán dồ đã phát huy tác dụng. Ghê thật! Cái trán dồ, ghê thật! Này T.Hương! Thôi, cho nợ nhá, Ok?
Và tôi bắt đầu, suy nghĩ linh tinh, chữ trào ra, hứng lấy. Cô thích hay không, kệ. Tôi thích, tôi viết, cần gì. (viết bài này xin dùng chữ cô, không gọi bằng sư muội hay em, phải giữ một khoảng cách, một cái nhìn của người xa lạ, may ra mới thấy đúng được, đứng gần lóa mắt, hóa thong manh)

                                                                             *

Tôi đã đọc hết 46 bài thơ của T. Hương, kết thúc là bài cho dù, ngày 19.6.2011, số lượng trên đủ để gom thành một tập. Đối với người thưởng thức thơ, chỉ muốn dừng lại ở những xúc cảm sâu lắng, những thi ảnh đẹp, những câu, những chữ óng mượt, mà một phút bất ngờ nào đó đã cảm nhận được, đã may mắn bắt gặp, thì số lượng trở thành vô nghĩa. Nhưng nếu muốn đọc, để tỉnh táo viết thành bài, cho dù không dám nhận là phê bình, hay phân tích, thì con số 46 cũng đã nhiều, đủ làm hoa mắt, loãng ý, mất tập trung. Bởi vậy tôi đành làm công việc mà có lẽ xưa nay không một nhà bình thơ nào thèm làm, vì nó có vẻ chẻ sợi tóc làm tư, không phù hợp với thế giới thơ, thế giới mơ màng, bay bổng, vượt thoát khỏi mọi khuôn khổ duy lý, máy móc, chật hẹp và khô cứng. Xin dựa vào thống kê, dựng thành một cái khung, vốn rất lung lay, từ đó tạm có cái nhìn sơ sài về thơ T. H.
Cũng xin thưa, việc đánh giá, phê phán, xin dành cho các nhà chuyên môn, bài viết này chỉ cố ghi lại một số cảm nhận, có thể vụn vặt, chủ quan, vì cảm nhận vốn chủ quan, dễ khiến một số bạn đồng môn không chấp nhận, thế thì,… cũng đành vậy!

Mỗi cá nhân đều có một không gian, một thời gian riêng để sống, để nhớ, để quên… và nếu thích làm thơ, thì để lấy làm bối cảnh cho thơ. Một mặt, nó phản ánh nếp cảm, nếp nghĩ, hầu như ít thay đổi, mặt khác, nó cũng làm rõ trạng thái tâm hồn tác giả qua từng thời điểm, tức là giao động ở mỗi khoảng khắc khác nhau. Thoáng nhìn vào đây, có lẽ chỉ thấy một tâm hồn thường chẳng giống ai, vì nó đơn nhất. Thế nhưng, kỳ lạ, đôi lúc người đọc lại bất ngờ tìm được một mảnh nào đó, có thể nhỏ, có thể méo của chính mình, tìm được một không gian nào đó, của riêng tác giả, mà, hóa ra cũng là của “tôi”. Cuối cùng thì, thơ là thế giới mà trong đó sự đồng cảm giao nhau, thế nên, thơ mới có hấp lực. Bài thơ nào không tạo được hấp lực, thì nên quẳng đi cho rồi. Người làm thơ nào, mà không mở được cách cửa, để hương bay cao, thu hút tha nhân từ mọi hướng đến với mình, thì đơn giản, chỉ nên gọi là… thợ thơ.
Xin đánh liều làm một chuyến phiêu lưu đi tìm T. Hương qua thơ, và như thế, biết đâu cũng may mắn gặp lại chính mình.

Về thời gian, hình như phần lớn tâm thức của T.H chỉ hướng về một thời nào đó đã trôi qua, đang còn tiếc, mà mãi mãi sẽ không thể quay về. Trong 46 bài, tôi nhặt được 54 chữ xưa. Xưa một từ tưởng đơn giản, hóa ra lại có nhiều dạng:
- Xưa của trời đất
Mây xưa đã bỏ lưng đèo…
Nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ…
- Xưa của lòng
Chắc gì quên mắt xa xưa
- Xưa của tình và mộng
Ai hơi đâu giữ tình xưa mãi…
Ngày xưa tôi nhớ mà quên
Người xưa tôi nhớ để quên suốt đời…
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa
- Và cả của em xưa
Áo xanh xưa cũng che mờ nẻo đi…
Em xưa đã bỏ người theo một người…
Giờ thì em xưa sao rồi? Câu hỏi đó không dám nhờ T.H trả lời. Xin dành cho cô một khoảng lặng, để cúi đầu trầm tư.

Như thế, thơ T.H chủ yếu là điểm gặp của quá khứ, của kỷ niệm, và nói nhỏ thôi, của cuộc tình, hạ giọng thêm tí nữa: cuộc tình tan vỡ. Còn nay, tức thế giới hiện tồn, thế giới của những nhọc nhằn đời thường đôi khi chán ngắt, T. Hương, với tư cách người làm thơ, vẫn có mặt ở đó, mà như không hề có mặt, nó chẳng để lại dấu tích gì nhiều. Xin chứng minh: từ nay chỉ được lập lại 7 lần, và 6 lần gắn liền với chiều, chiều nay – thời khắc đẹp và buồn nhất trong một ngày. Cũng xin nói thêm về chiều của T.H
Trong bốn buổi: sáng, trưa, chiều, tối, lạ thật, suốt 46 bài thơ không có lấy một chữ sáng nào, trưa được nhắc 3 lần, tối 1 lần, còn chiều, trong thơ, cô nhắc tới 31 lần.
Xin nghĩ thêm một chút về bốn khoảng khắc, dài ngắn không đồng đều, và dấu ấn để lại trong lòng mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau. Sáng là lúc tỉnh dậy, bắt đầu lao vào những ràng buộc đời thường, sáng là khoảng khắc dành cho xã hội, cho những người chung quanh, và cho tính toán chi li, cho cơm áo gạo tiền, nó hoàn toàn vắng mặt trong thơ T.H, mặc dù, theo người ta nói, T.H vẫn chưa tới tuổi nghỉ hưu. Còn trưa? Nếu trưa đơn thuần mang ý nghĩa sinh lý, tức là thời khắc dừng lại ăn, để mà sống, nghỉ một chút, để lấy sức tiếp tục làm việc, thì trưa sinh lý đó không có trong thơ T.H. Trưa của cô cũng gắn với quá khứ, với dằn vặt, với hoài niệm nào đó, để mà xót xa.
Ừ thôi em bỏ đường dài
bỏ trưa mộng ảo, bỏ ngày bơ vơ….
Áo trắng sân trường trưa nắng đổ…
Còn tối là thời khắc con người có cơ hội đối diện với chính mình, tại sao thơ T.H hầu như không nói tới tối? Xin lý giải vu vơ thế này. Bóng tối không màu sắc, đúng ra toàn một sắc đen, mọi hình khối chìm đi, mất dạng (ánh đèn làm mầu sắc lạc hoàn toàn), còn thơ cô luôn gắn với một màu sắc, một hình ảnh, một đường nét nào đó của trời mênh mông, ngạo nghễ, và của người nhỏ bé, cô đơn, khác đi, nó được xác định, được làm rõ, được gợi lên bằng một bổ ngữ, một hình dung từ, có lẽ vì thế tối không đánh động tiềm thức cô, nó không hiện lên thành thơ. Cuối cùng, với cô, với thơ của cô, chỉ còn có chiều. Trong thơ T.H, thời gian quyện lẫn vào không gian, nó không đơn thuần mang ý nghĩa kỳ gian (la durée de temps), mà đặt trong một cái khung không gian, có sự hiện diện của con người.
Chiều ra đứng ngó mây trôi
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai…
Nghe chiều đi thấy rưng rưng…
Nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
Lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà…
Chiều nay người ấy đi rồi
Chiều nay thôi cũng rã rời mộng xưa…
Phố nhỏ chiều nay về
Chao ơi buồn da diết…

Không gian và thời gian ấy bỗng dưng làm thơ T. Hương buồn quá. Và tôi cũng nhặt được 24 chữ buồn:
Bỏ mặc mưa buồn vương gót chân…
Sông cũng lạnh buồn trong cõi thơ…
Lời thơ buồn như giọng cổ thi
Áo dài mấy vạt buồn đưa bên trời…
Xa nhau buồn đọng đầy lên mắt…
Gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn
Tôi con chim nhỏ chiều đông hót buồn
Người ơi phương đó có tan giọt buồn
Giọt buồn nhỏ xuống một đời hư không…
Trời ơi sao tiếng chìm sâu giọt buồn
Mưa buồn, sông buồn, vạt áo buồn, giọt buồn, chim nhỏ buồn, tiếng hót buồn, phương đó buồn, gối chăn buồn, hơi thở buồn, thơ buồn và hơn hết: xa nhau buồn. Hình như với T.H mọi thứ đều vướng một chút buồn. Vậy có gì vui không? Có, tôi đếm được bốn chữ vui, nhưng đó lại là niềm vui của ngày tháng cũ, đã xa rồi, đã mất rồi, chỉ còn sót lại trong ký ức, để làm đẹp một thời đã qua.
Mai về tiếc dấu đêm vui
Người ơi còn nhớ ngọt bùi thuở xưa…
Ngày vui xưa biết đâu tìm…
Hoặc chỉ là vui gượng gạo, có pha một chút cay đắng, xót xa:
Người vui không sao chẳng gắng cười...
Còn giờ thì ?...
Không gian và thời gian ấy, vui ít, buồn nhiều, dùng làm nền cho thơ, làm sao thơ khỏi buồn. Trong một góc nhỏ, giữa không gian và thời gian ấy, xin hình dung, cô ở đó, thu nhỏ lại với hồn thơ, để nhớ và gọi:
Con tim đau bỗng ngậm ngùi nhớ ai
Và một lần nữa, lại cố làm công việc lẩn thẩn: đếm. Trong 46 bài thơ, tôi đếm được 46 chữ nhớ. Và trong nỗi nhớ tột cùng, cô thảng thốt, vì cô đơn, lên tiếng gọi, gọi bằng giọng điệu tha thiết, anh ơi, hoặc ơi anh, người ơi, rồi cả chiều ơi, mẹ ơitôi ơi. Tôi là T. Hương phải không? Hình như giữa cõi đời tuy đông mà lại vắng này, tôi cũng đã lạc đâu mất rồi. Chữ ơi nhắc lại 39 lần, đôi lúc kết hợp cả với lời than chao ơi,trời ơi. Ai đó, được cô gọi là anh, anh ơi (8 lần), nhưng vẫn chưa bằng người ơi (10 lần), tiếng người như vu vơ mà thật ra tha thiết. Người là ai, chỉ cô mới biết, nhưng được giấu kín trong lòng.

                                                                                 *

Tôi vừa tạm dựng xong bộ khung, xin nhắc lại, rất lung lay, để có cái nhìn sơ sài về thơ T. Hương, và cái nhìn sơ sài đó, chẳng biết đúng hay sai nhưng chợt gợi cho người viết một cảm nhận, gây xúc động: tôi con chim nhỏ, đã, đang, và sẽ mãi mãi tự nhốt mình trong một cái lồng, lồng đan bằng sợi tơ chằng của quá khứ, của xưa. Tơ có nhiều màu, tuy đẹp, êm, nhưng bền, và giăng bốn bề kín mít, nên khó thoát ra, mà có lẽ, cô cũng chẳng muốn thoát ra làm gì, vì ở đó cô đã trải qua những thời khắc đẹp, những kỷ niệm đẹp, để nhớ, nhưng đôi lúc cũng cố quên, và hơn nữa, vì trong cõi nay, hình như cô là người đi lạc.
Ở T.H dường như có hai cái tôi. Phải vậy không? Điều đáng buồn là, hai cái tôi ấy, tôi của đời thường, và tôi của thơ nhiều khi lại chẳng có gì giống nhau, đó là bi kịch – tôi vốn ghét hai chữ bi kịch, sáo quá, nhưng biết dùng chữ gì hơn, đành vậy – đó là kết quả sự xung đột giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống, nhưng nếu hai cái tôi ấy luôn xếp chồng khít lên nhau được, tức là mọi việc ở đời đều như ý, đều tròn đầy, thì còn gì để nói, và thơ cũng đã chết tự lâu rồi, hoặc chỉ còn thoi thóp thở với những lời vu vơ, không hồn. Thơ T.H có hồn, vậy kết luận, ở cô, giữa cái mà tôi đang sống, và cái mà tôi muốn sống có một khoảng cách khá xa. Bi kịch của cô, bi kịch nó trói cô vào cõi xưa, loay hoay mãi mà không gỡ ra được, nó xuyên suốt một đời làm thơ, nó khiến cho "gối chăn giờ cũng chìm hơi thở buồn", có gì khác hơn là tình yêu? Nói đến "tình yêu", hơi rắc rối và có lẽ cũng hơi khó đấy, thôi thì tạm "tha" cho cô vậy, sẽ có ngày tôi viết về "tình yêu" trong thơ T.H nhưng chưa là bây giờ.

Xin nhấn mạnh, tôi chỉ nói đến T.H trong thơ thôi, và T.H như tôi cảm nhận, cũng qua thơ, có thể sai, có thể chính cô cũng không đồng tình, còn T.H đời thường, tôi không rõ về cô lắm, và cũng không may mắn có được mối thân tình. Này Thanh Hương, nếu tôi viết lách linh tinh, toàn chuyện vu vơ, trên trời dưới đất, thì cũng đánh liều xin cô một nụ cười hiền, xí xóa.
Vũ Lưu Xuân



Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968.
Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.