]]>

24 tháng 6, 2013

Vài cảm nghĩ về hai bài thơ "Một thuở" & "Nhìn quanh"

Thỉnh thoảng tôi mở cửa Internet đón gió nhận hương của trang thơ Thanh Hương. Rất đều đặn như con tằm, mỗi tháng TH nhả ra một hay hai bài thơ để gieo vào gió.
TH có thiên khiếu dùng chữ ít theo định nghĩa của từ điển nhưng diễn tả được cảm xúc của mình.
Từ điển có cụm từ suy nghĩ bâng khuâng , không có gió bâng khuâng
Từ điển có cụm từ đường quanh co, không có hồn quanh co v.v…
Còn nhiều lắm……
Đọc bài «Nhìn quanh» của tháng 6, những câu thơ khởi đầu mỗi đoạn người đợi người… người xa người… người chờ người… Khi xem lại những bài thơ năm 2012, tháng 5 tôi thấy Thanh Hương đã có đăng một bài thơ

Một thuở
người chờ người một thuở
mây mù quán năm xưa
người đợi người một thuở
bâng khuâng gió giao mùa

đi tìm nhau mấy thuở
mệt nhoài bước tha hương
quanh co hồn trăn trở
yêu nhau cũng vô thường

người đợi người bên hiên
quán năm xưa muộn phiền
đưa nhau chiều gió lạnh
cây gầy nhạt nắng nghiêng

người chờ người trăm năm
tình như sương trên cành
bơ vơ hồn lá rụng
tan theo đời mong manh.

Cũng người chờ đợi người… Một kỷ niệm được gợi lại qua hai bài thơ với hai tựa đề khác nhau khiến tôi đọc kỹ và so sánh 2 bài.

Trong bài thơ Một thuở, nơi hẹn nhau là quán năm xưa được nhắc lại hai lần.
Chờ đợi chỉ là kỷ niệm của « một thuở » ngày xưa, một khoảnh khắc, không dài lâu như gió giao mùa… như sương trên cành… mong manh vì « yêu nhau cũng vô thường », không gắn bó như chỉ nhắc lại rồi sẽ quên mau. Nhưng làm sao quên khi «hồn còn trăn trở». Rồi năm nay 2013 TH khơi lại kỷ niệm năm nào

Nhìn quanh
người đợi người như bến đợi sông
nghìn năm sau vẫn mãi tang bồng
mây xưa đã lạc về muôn nẻo
đâu biết nơi nào để ngóng trông

người xa người như lá xa cây
rụng xuống theo cơn gió lên đầy
gió đưa xác lá về xa tắp
xa cả một trời lạnh áo bay

người bỏ người như đò bỏ sông
neo trăm năm lỡ kiếp phiêu bồng
sóng đưa đò dạt về muôn phía
có một phía nào không mênh mông

người chờ người mãi có buồn không
lòng xa xôi lòng không như lòng
lỡ câu hò hẹn còn câu hứa
lỡ bước đời thôi hết trông mong

người đợi người nghe tiếng âm u
người nhìn quanh tìm kiếm mịt mù
mắt xưa đã lạc vào quên lãng
thơ xưa đành gởi cõi thiên thu.

Đọc thoáng qua tên bài thơ làm tôi thấy lạ vì chưa nắm được ý của tác giả. Hiểu ra thì TH chọn tựa ngắn «nhìn quanh» để diễn tả trọn tâm lý người đợi.
Khi đã bị một lần lỗi hẹn, người đợi không mấy tin tưởng, nơi hẹn lần nầy là ở bến đò con sông, chỉ có một đường tới để gặp nhau, không có đường nào khác nhưng nhìn tứ phía, nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây, nhìn lá…, chỉ thấy điềm xa cách chia ly (lá xa cây thay vì lá rụng, đò bỏ sông thay vì đò rời bến) đó là tâm trạng đợi chờ không hy vọng
mây xưa đã lạc về muôn nẻo...
gió đưa xác lá về xa tắp…

Tuyệt vọng đợi, nên hờn trách người xa người như lá xa cây… người bỏ người như đò bỏ sông… cuối cùng tự an ủi, tự hỏi
người chờ người mãi có buồn không...
lỡ câu hò hẹn còn câu hứa …
Thôi, không muốn nhìn, không muốn thấy cảnh đơn côi đợi chờ và - có lẽ - không muốn cả làm thơ gợi lại kỷ niệm nữa
mắt xưa đã lạc vào quên lãng
thơ xưa đành gởi cõi thiên thu


Trong 2 bài thơ TH dùng chữ « người », không nói anh, nói em, nói nàng, nói tôi… mà nói trổng, theo tiếng Pháp là « on », pronom impersonnel cho ta hiểu rằng là đã xa cách, đã lợt lạt rồi nên không muốn gọi tên nhắc tên ai nữa, rằng chuyện xa xưa đã hoặc sẽ xóa nhòa trong ký ức cho nên đành đem thơ xưa gởi vào cõi thiên thu vậy.
(Thế nhưng "cõi thiên thu chứa thơ" hay "thơ chứa cõi thiên thu" vậy?)
Có lẽ đó chỉ là một cố gắng tự hứa bởi vì sau bài "Một thuở" viết năm 2012, kỷ niệm hẹn hò đợi chờ ở bến đò lại được nhiều lần gợi lại trong những bài từ đầu năm 2013 như
bơ vơ đứng giữa mênh mông một người…
(Rất xa)
có tôi còn dại khờ đứng ngóng…
(Điều gì)
có con đò bỏ bến sang sông…
sông quên đò người có quên không ?
(Tiếng gọi)

Mỗi bài thơ của TH là một bức tranh « không hình », tuyệt hầu hết chỉ là cảnh bến đò, núi sông, trời, mây, cây lá…, cảnh sông Hương núi Ngự thân yêu của TH, được vẽ bằng những vần thơ đượm nhiều màu sắc, có nắng, có trăng, có gió lạnh... giúp chúng ta tưởng tượng đang ngắm nhiều bức tranh cùng một cảnh mà khác mùa, biến thiên theo sự xúc động của tác giả. Điều nầy cũng dễ hiểu khi biết TH cũng thích cầm cọ vẽ tranh dù không chuyên nghiệp.

Muốn quên nhưng làm sao quên khi sống nơi đất lạ quê người, TH vẫn luôn nhớ tới con đò, tới dòng sông quê cũ. Và dường như luôn luôn, cùng với hình ảnh quê nhà, thì hình ảnh đợi chờ người yêu năm nào lại cùng lúc hiện về trong ký ức.

Tôi tin rằng một ngày nào đó khi Thanh Hương được trở về sống ở quê hương an lạc, nhìn con đò dòng sông còn đó, hết còn nghe tiếng âm u mà chỉ có tiếng cười rộn rả, không còn cảnh mịt mù mà chỉ có khung trời tươi sáng, lúc ấy, hẳn là những kỷ niệm xa cách đau buồn sẽ lùi xa, sẽ tan biến trong niềm vui hạnh ngộ trên quê nhà yêu dấu.

Phạm Hữu Thành

 

Phạm Hữu Thành tốt nghiệp và hành nghề Bác sĩ Y khoa tại Paris.
Từ một năm nay ông về hưu trí và hoạt động đóng góp nhiều hơn cho việc duy trì văn hóa VN trong cộng đồng người Việt ở Pháp.