]]>

29 tháng 8, 2011

xa gần


có ai tiễn đưa ai không
có một mình tôi âm thầm
sân ga dường như quá rộng
ngậm ngùi nghe gió mênh mông

có ai đi về phương xa
có tôi bỏ nắng quê nhà
lang thang bên trời phiêu bạt
nhớ hoài những tháng năm qua

có ai chờ tôi hay không
sân ga cửa khóa hai vòng
vòng trong tôi còn đứng đợi
vòng ngoài người vẫn đi rong

có ai tìm kiếm tôi không
giữa dòng người trôi xa gần
sân ga nghe chừng quá chật
chỉ mình tôi đứng bên trong

có ai tiễn ai đi rồi
phi trường ngập lối chia phôi
loanh quanh đi về mệt mỏi
một mình tôi tiễn đưa tôi.

trần thanh hương

26 tháng 8, 2011

mù khơi


tôi về đây giữa mùa mưa
lang thang bước nhỏ đong đưa giọt sầu
về đây nhìn bóng đêm thâu
ngẩn ngơ đếm hạt mưa ngâu đợi người
tôi về nhớ tuổi hai mươi
nhớ trăng mười sáu nhớ thời mười lăm
nhớ tình thơ đã xa xăm
nhớ ai ngồi ngóng trăm năm chuyện mình
tôi về nghe lại lời kinh
nghe câu thơ cổ giữa miền thinh không
nghe thương chim hót trong lồng
nghe đau ai đứng bên sông ngậm ngùi
tôi về tìm bóng ngày vui
tìm hương xưa cũ tìm mùi tháng năm
tôi về đây giữa mùa trăng
bâng khuâng nghe tiếng ăn năn gọi mời
tôi về đây kiếm tôi ơi
nghìn năm sau vẫn mù khơi một người.

trần thanh hương

21 tháng 8, 2011

sợi khói


anh có nhớ không bài triết tây
anh giảng cho em lúc khảo bài
“linh thiêng chỉ còn khi cách biệt
gặp gỡ nhau rồi một sẽ thành hai”

thuở đó em khờ đâu hiểu chi
lời dặn ngày xưa em chẳng nhớ gì
vẫn kiếm vẫn tìm mong gặp gỡ
để rồi hối tiếc lúc chia ly

bài học vào đời sao khó khăn
em nhủ thầm luôn gắng thuộc lòng
nhưng mãi tới giờ chưa thuộc nỗi
nên vẫn vấp hoài một lỗi ơi anh

chiều nay trở lại bến sông xưa
đò dọc đò ngang đợi mấy mùa
tim nhỏ nghe chừng như vụn vỡ
lỡ gặp nhau rồi lỡ cả câu thơ

anh còn nhớ không bài triết tây
anh giảng cho em trong tiếng thở dài
nhìn bóng con đò trôi xa tắp
em hiểu tình mình: sợi khói trong tay.

trần thanh hương


20 tháng 8, 2011

trở lại nơi đây


cũng từ chốn nầy tôi bỏ ra đi
trở lại nơi đây tôi thấy những gì?
người vẫn xa người muôn bề mù mịt
lòng vẫn cách lòng lạnh ngắt trùng khơi

cũng ở nơi nầy tôi dấu cho tôi
một mảnh đời riêng dăm tiếng nấc rời
chốn cũ nay về nghe chừng rất lạ
tôi dấu cho mình thêm chút mưa rơi

cũng là nơi nầy tôi gởi cho ai
dáng nhỏ năm xưa tóc xỏa đêm dài
nay bước chân về dường như rất nặng
chìm khuất phương nào áo mỏng phai phôi

cũng vẫn hồn tôi của tháng năm xưa
nhưng chỉ còn đây một chút âm thừa
dâu biển đưa người trôi về vạn ngả
còn một tôi về lạnh giữa cơn mưa

cũng tại nơi nầy tôi nhắc cho tôi
tình đã xa xôi như gió xa trời
ngưòi đã xa người muôn đời chia biệt
lòng đã cách lòng thăm thẳm trùng khơi.

trần thanh hương

19 tháng 8, 2011

một vài cảm xúc khi đọc thơ t.t.hương

“Đọc thơ người”

Theo tôi, sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ: truyện gây nên ở người đọc ấn tượng về một quá trình, còn thơ tạo nên ở người đọc ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian.

Ấn tượng thẩm mỹ phi thời gian ở thơ về bản chất là sự kích hoạt bằng văn bản những ký ức, "thơ có vần điệu nhịp nhàng gây nên những hiệu ứng rất khác ở người nghe. Mức độ thôi miên giúp họ giải toả bằng tưởng tượng các mâu thuẫn trong đời thực, đi vào một thế giới bớt mang tính cá nhân nơi họ và có nhiều điều chia sẻ với kẻ khác hơn - rhythmical poetry produces quite different effects in listeners; the degree of hypnosis exerted enables them to resolve the discords of reality in fantasy, entering a less individualized world where they have more in common with other people" (Denys Thompson, 1978, The Uses of Poetry, Cambridge: Cambridge U.P.)

Mức độ thôi miên càng tăng ở các câu thơ lặp lại. Các câu lặp lại, ngoài tính nhấn mạnh khiến người đọc càng nhớ nhiều hơn, chúng còn tăng nỗi thấm nhập chia sẻ, càng thấm thía hồn thơ của tác giả thêm nhiều hơn, do đó , không phải chỉ hiểu hơn, mà là cảm xúc hơn.

Thi nhân đã thôi miên mình bằng sự đồng thỏa thuận về việc “đã mất nhau” về việc cùng “đã qua cầu đắng cay”, trong quá khứ :

ừ thì mình đã mất nhau
ừ thì mình đã qua cầu đắng cay

Nếu người đọc không hóa thân vào cái “mình” thì không thể nào thấy được nỗi đau xót trong tâm trạng này.
Thôi cũng đành chấp nhận cuộc tình của chúng mình “như gió như mây, như chút mưa bay cuối trời”

ừ thì như gió như mây
ừ thì như chút mưa bay cuối trời

Thi nhân đã dùng bốn chữ “Ừ thì” để diễn tả các tâm trạng buông xuôi, đành chấp nhận định mệnh phủ phàng vậy. Chuyện quá khứ buồn bã tưởng đã xa rồi, nhưng không, tâm trạng hãy còn vương vấn tồn tại đến ngày hôm nay :

hôm nay ngồi nhớ mưa đông
hôm nay ngồi đếm mênh mông lạnh lùng
...
hôm nay ngồi ngó cơn mưa
hôm nay gom hết hương xưa gởi người

Ôi Hoa khổ đau (Fleurs du mal) sao vẫn còn đeo đuổi mãi cho đến tận hôm nay vậy hở.

Rồi thì cũng đã đến lúc về. Về chốn cũ để tìm lại hương xưa, về chốn cũ để tìm lại người xưa, về chốn cũ để tìm lại cảnh xưa, để rồi :

về đây chỉ thấy mịt mùng
về đây chỉ thấy một vùng bóng đêm
về đây ngó nắng qua thềm
con tim thơ dại lại mềm nỗi đau
.....
về đây chỉ có mây trời
về đây chỉ có một thời buồn tênh.

Ôi! Nỗi buồn có giống như Chopin chăng- TRISTESSE (Chopin)

L' ombre s' enfuit.
Adieu beau rêve
Où les baisers s' offraient
comme des fleurs!...
......
Sache pourtant
Que toujours quand même,
Cher Amour, je t' aime
Éperdument...
Éperdument!...

Bài thơ cũng như bản nhạc bất hủ thật là buồn, rất buồn. Buồn mới đẹp.
Hỡi ôi !


VÕ HIẾU NGHĨA
18-08-2011


_________________________________________________________________________________


Gởi anh Đoàn Thuận một vài cảm xúc khi tình cờ đọc được bài thơ của T.Hương và lời bình của anh N.T.Trác, đăng trên Blog của anh Đoàn Thuận:http://doanthuan.wordpress.com/


"Gởi người"
Trong bài thơ “Gởi người”, mình đã nhận thấy cái đẹp đó.
Cái đẹp khi nói đến một “nửa”- Ma moitié. Một nửa là người vợ, người chồng, người yêu, hay nói cách khác, sự sống không thể có cái một nửa mà phải là sự hợp lại của hai cái “nửa”, để thành một.
Cái đẹp thứ hai là Ý đẹp . Đem một nửa này đế gán ghép, để ráp với một nửa kia thành MỘT, tức là thành cái trọn vẹn, cái hoàn chỉnh.
Cái đẹp thứ ba là CẤU TRÚC đẹp. Người thơ đã phân chia bốn cái “nửa” :
nửa đóa hoa;
nửa mảnh gương;
nửa chiếc khăn;
nửa giấc mơ
rồi sau đó kết hợp lại thành bốn cái MỘT tuyệt vời.
Bài thơ này khiến ta nhớ nhiều hơn đến
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”.

Nửa đóa hoa, nửa đóa hoa gì đây, có phải là HOA KHỔ ĐAU chăng, có phải là tình yêu nửa chừng gảy gánh chăng. Làm sao để giải phẩu xén cắt vật lý để xem phải xén ngang hay xén dọc. Ôi, hoa đau khổ cho dù khổ đau một hay khổ đau một nửa, thì cũng vậy mà thôi. Làm sao để có thể nói rằng tôi đang đau khổ một phần tư, một phần năm đây. Chỉ là để dành lại chút vấn vương khổ đau xưa để nhớ để thương một người ở xa, rất xa.
Nửa mảnh gương, bởi vì một mảnh gương trọn vẹn đã từng ghi bóng hình hai người bên nhau. Và nửa mảnh gương, có phải là chỉ còn lại người lẻ bóng, soi lại và ngóng trông “từng nhân ảnh, nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.
Nửa chiếc khăn kia, từ một chiếc khăn toàn bích, ghi lại nỗi lạnh lẻo, nỗi ấm áp được xẻ chia, hương của quá khứ. Gói lại để dành lấy hương xưa và cũng nói lên tình yêu sẽ mãi tồn tại, mãi thổn thức cho đến cuối đoạn hồng trần. Trong quan tài hoang lạnh.
Nửa giấc mơ. “Tôi gởi cho người nửa giấc mơ”, đó có phải là nửa phần giấc mơ đau khổ từ cuộc chia ly. “Nửa kia tôi cất để mong chờ”... giây phút tái ngộ, tái sum hợp. Và thi nhân sẽ được hưởng một giấc mơ toàn bích: “mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ”.

VÕ HIẾU NGHĨA
15-08-2011

Võ Hiếu Nghĩa là cựu SV ĐHSPSG, ban Lý Hóa, khóa 1961-1965. Trước đây ông đã dạy tại trường Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm đồng thời là Hiệu trưởng Trường Tân Văn ở Cần Thơ. Sau 1975, ông tiếp tục dạy học tại Võ Trường Toản và Bùi Thị Xuân ở Sàigòn. Hiện nay ông đang hưu trí ở Sàigòn.
Website Võ Hiếu Nghĩa:  http://www.vohieunghia.com/

17 tháng 8, 2011

đọc thơ người


hôm nay ngồi đọc thơ người
con tim khờ dại một đời vẫn đau
ừ thì mình đã mất nhau
ừ thì mình đã qua cầu đắng cay
ừ thì như gió như mây
ừ thì như chút mưa bay cuối trời
mộng chưa tan, phải không người?
làm sao quên lãng cuộc đời, phải không?
hôm nay ngồi nhớ mưa đông
hôm nay ngồi đếm mênh mông lạnh lùng
về đây chỉ thấy mịt mùng
về đây chỉ thấy một vùng bóng đêm
về đây ngó nắng qua thềm
con tim thơ dại lại mềm nỗi đau
tháng ngày còn đuổi theo sau
tương lai người đuổi lúc đầu, kịp chưa?
hôm nay ngồi ngó cơn mưa
hôm nay gom hết hương xưa gởi người
về đây chỉ có mây trời
về đây chỉ có một thời buồn tênh.

trần thanh hương

12 tháng 8, 2011

dặn lòng


thế là mùa hạ đã qua
thế là ngày hè sắp hết
em về ngó cội hoàng hoa
nhớ thầm tình xưa đã chết

thế là mùa thu gần sang
thế là mùa hoa sắp tàn
em về nghe chiều quá lạnh
hỏi lòng sao mãi hoang mang

thế là mình đã xa nhau
thế là mắt ai thêm sầu
em về quên lời kinh nhỏ
dặn lòng dấu kín thương đau

thế là lạc đường bước tới
thế là khuất mãi nơi nao
em về nghe hồn mệt mỏi
mong manh như khói không mầu

thế là mây bỏ xa sông
thế là ngày qua âm thầm
ai đi nghẹn ngào đếm tội
ai về cứu rỗi em không?


thơ & tranh: trần thanh hương

đọc thơ trần thanh hương (kỳ 3)

Nhớ gì không?

Một ngày đã rất lâu, tôi đang đi trên đường Phan Thanh Giản, ngày nay là đường Điện Biên Phủ, thì gặp mưa, phải dừng lại trú dưới một mái hiên. Ngoài đường vắng, chỉ thưa thớt có vài chiếc xe phóng nhanh, nhưng một cô bé làm tôi chú ý. Cô mặc chiếc áo dài trắng học trò, tóc để dài, lầm lũi bước trong mưa, không nhìn ai, mặc gió lạnh và những giọt nước mưa dòng dòng trên tóc.Tôi tự hỏi cô bé có tâm sự gì và có phải cô đang khóc? Hình ảnh cô bé ấy trong mưa, mặc dù đã nhiều năm trôi qua, đôi lúc tôi vẫn nhớ lại và hôm nay hình ảnh cô càng hiện lên rõ rệt khi tôi đọc hai câu thơ đầu trong bài thơ “Nhớ gì không” của T. Hương:

Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ
người không về che bớt gió dùm em

Không biết tâm sự cô bé ấy có gì giống với tâm trạng của “em” trong thơ của T.H? Phải chăng ngày xưa, em đã cùng người đi trên con phố này. Ngày đó, nắng rất dịu và bên hiên nhà ai những đóa hoa hồng nở rực rỡ. Nhưng bây giờ thì chỉ có mình em, lẻ loi trong mưa, trên con đường cũ. Cụm hoa ngày xưa đã úa tàn. Và anh có nhớ?

Bên hiên vắng nụ hoa gầy ủ rũ
nhớ gì không ngày đó nắng êm đềm

Câu hai trong khổ thơ này dễ làm ta xúc động: “ Người không về che bớt gió dùm em!”. Dường như câu thơ run rẩy, cô đơn, trách móc.
Anh ạ, trong vũ trụ mênh mông, chúng ta chỉ là những hạt bụi mà đời sống, trong dòng thời gian vô thủy vô chung, chỉ là những sát na ngắn ngủi; vậy tại sao em vẫn thương nhớ khôn nguôi, vẫn loanh quanh trong một khoảng đời trống rỗng:

Cũng như người em chỉ là hạt bụi
bay loanh quanh trong nỗi nhớ khôn cùng
khi đứng lại bên khung đời trơ trụi
nghe tim mình chợt vỡ giữa hư không

Người đọc thơ không khỏi tự hỏi: có ý nghĩa gì không những đau thương, nhung nhớ của một hạt bụi trong một không-thời gian mênh mông miên viễn không cùng? Dường như từ lãnh vực thơ, ta đang chạm vào một phạm trù triết học.

Khổ ba của bài thơ:

Người chập choạng bước dần vô đêm tối
nhớ gì không thềm cũ nắng xưa chờ
đêm hiu hắt cúi nhìn tay chỉ rối
có âm thầm đọc mãi một lời thơ

“Người” ở đây có lẽ chỉ là một hình ảnh và “đêm tối” có thể là một cõi hư vô hay một miền quên lãng. Trong thế giới ấy, có bao giờ “Người” nhớ lại thềm nắng ngày xưa, có bao giờ đọc lại lời thơ mà ngày xưa chúng mình trao đổi?

Nếu tôi hiểu đúng ý của khổ thơ thì câu đầu “Người chập choạng bước dần vô đêm tối” T.H viết có vẻ tả thực quá, giống như một câu văn xuôi và người đọc cóthể hiểu theo nghĩa đen (một người có thực đang đi vào bóng đêm). Câu thơ thiếu một chút lãng đãng, nửa thực nửa hư. Tôi liên tưởng tới câu thơ của Nguyễn Du khi tả Đạm Tiên trong giấc mơ của Thúy Kiều:
"Sen vàng lãng đãng như gần như xa".
Đọc câu thơ của Nguyễn Du ta thấy một Đạm Tiên như thực như ảo, lãng đãng khói sương.

Đọc tiếp khổ thơ bốn, tôi rất thích hai câu cuối :

Cũng như người em chỉ là giọt lệ
rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn
trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ
mùi hương về gợi nhớ một lần thương

“Trong gió thoảng đôi lần nghe rất nhẹ, mùi hương về gợi nhớ một lần thương”. Trong cuộc sống lao xao, tất bật, đôi khi trong một thoáng, ta bất chợt bắt gặp một giai điệu, một hình ảnh, một thoáng hương... khiến ta nhớ đến một bóng dáng nào đó đã rất xa. "Một lần thương"… vâng, chỉ một lần thương thôi mà sao tôi vẫn nhớ mãi tới người!

Tôi hơi phân vân ở hai chữ “long lanh” trong câu hai của khổ thơ: “Cũng như người em chỉ là giọt lệ, rơi long lanh trên miệng đắng môi hờn”. Tĩnh từ “long lanh” thường để chỉ một cái gì linh động, trong sáng, tươi vui, thí dụ: ánh mắt longlanh. Cũng có khi đi với nước mắt, nhưng thường để chỉ những giọt nước mắt hạnh phúc. Ngoài ra, một giọt lệ chỉ long lanh khi còn đọng trên mắt (vì ở trên một nền sáng bóng là bề mặt của nhãn cầu). Khi đã lăn trên má hoặc đọng trên môi thì không thể long lanh được. Không biết có một tĩnh từ nào khác để thay thế hay không?

T.H kết bằng khổ năm của bài thơ:

Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ
người không về nên áo cũng phôi pha
nghe hiu hắt con chim gầy trước ngõ
lời kêu thương còn đọng giữa chiều tà.

Trước hết, phải xin lỗi T.H vì đã sửa ở dòng đầu hai chữ "chiều qua" thành "chiều nay".

Câu đầu của khổ một là: "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố cũ". Nếu để nguyên câu đầu trong khổ thơ cuối "Mưa tạt lạnh chiều qua đường phố nhỏ" thì hai câu thơ gần như là một và ta chỉ có một thời điểm là “chiều qua”. Nhưng nếu sửa : “Mưa tạt lạnh chiều nay đường phố nhỏ” thì ta có hai buổi chiều khác nhau. Thời gian trong bài thơ đã được kéo dài ra và ta cảm nhận được một nỗi thương nhớ không cùng dù chỉ một lần thương.

Nguyễn Trần Trác