]]>

1 tháng 9, 2011

Mù khơi - Vài cảm nhận chủ quan

Tôi nhớ có lần đã hứa viết một bài về tình yêu trong thơ Thanh Hương. Nghĩ lại thấy mình liều quá. Tình yêu là cõi thiêng liêng và hoàn toàn riêng tư, đừng đụng đến, cứ để nguyên đó cho tôi và cho một người, là chỗ tôi cất kín, để giữ kỷ niệm khỏi bạc màu với thời gian, để những chuyện ngày mười lăm, mười sáu lúc nào cũng như vừa mới sống, vừa mới gặp hôm qua, và khi hiện về, như một bất ngờ – trong giấc chiêm bao, hay trong thực tế – vẫn còn nguyên sức mạnh, đủ dựng dậy một thời nào đó, một trời nào đó, dễ gây xúc động, để nhớ thương, để xót xa, với cả giọt sầu – nếu không nén được - từng giọt, từng giọt, nhỏ xuống thành mưa ngậm ngùi.
Vậy kẻ ngoài cuộc như ngươi làm sao thấy hết mà dám lanh chanh. Thế nhưng dù kín đáo cách mấy, thì, qua ngôn ngữ, thứ phương tiện gọi con người đến với nhau, cuối cùng người thơ cũng hé lộ ít nhiều cái vẫn cất giấu cho mình. Hay là người thơ, trong khoảng khắc điên điên nào đó, chợt muốn chia sẻ, vì giữ riêng nặng lòng? Và một lần, may, tôi bắt găp, qua mù khơi, ngàn năm kỷ niệm ấy. Rồi bỗng dưng, lạ quá, thấy mình cũng… xúc động giống như người trong cuộc. Vậy, tôi đang ghi lại cảm xúc của cô, kỷ niệm của cô, hay của tôi, chẳng rõ, mà cần gì. Cảm xúc là thứ cuộc sống chai cứng, ngột ngạt đang cần, vì thiếu hụt.
Này T. Hương, tôi cố hình dung bóng dáng một thiếu phụ từ cõi xa, ở đâu nhỉ? trở về chốn cũ, giữa mùa mưa, mùa buồn nhất của Việt Nam đang buồn.
tôi về đây giữa mùa mưa
lang thang bước nhỏ đong đưa giọt sầu
Đúng cô không? Lang thang bước nhỏ gợi hình ảnh cô đơn tột cùng, chỉ mình cô thôi, lang thang giữa không gian cũ, cốt gặp lại hình bóng một người, còn triệu triệu khuôn mặt khác hiển hiện, mà là hư không, nhòe nhoẹt. Không gian cũ mênh mông kỷ niệm, và với bước nhỏ – cô không sải chân hòng trốn chạy – cô chăm chút, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, ghép lại, để một lần tận hưởng mùi vị của nỗi đau tròn đầy. Và, thế là hồi ức trào ra, mỗi câu thơ là một tuôn trào, con đê đời thường – gồm những câu thúc ước lệ, những xã giao vờ vịt, như thứ mặt nạ đeo vào, để cố nặn ra nụ cười, rất ít tốn kém – trong lúc bất ngờ, trở tay không kịp.
về đây nhìn bóng đêm thâu
Bóng đêm thâu toàn màu đen, có gì đâu mà nhìn, hả cô? Vậy mà có đó, có nỗi cô đơn lồng khít vào khoảng không gian hoàn toàn vắng lặng. Trong không gian và thời gian ấy, con người tự do làm những chuyện điên điên, chẳng hạn:
ngẩn ngơ đếm hạt mưa ngâu đợi người
Đếm hạt mưa ngâu, cô điên thật, nếu hiểu theo nghĩa dung tục, nhưng bốn chữ là một thi ảnh đẹp, cô đọng, đủ gợi lại, mà còn vượt qua câu chuyện chàng Ngưu, cô Chức, suốt năm dài, cả hai ngong ngóng, chờ gặp nhau vào dịp mưa Ngâu. Rất may, họ vẫn được họp mặt, dù mỗi năm một lần. Thế mà đã đủ để thiên hạ xót xa. Còn cô, trong bóng đêm thâu, cô đếm được bao nhiêu hạt mưa ngâu rồi? cô đợi người bao nhiêu năm rồi? Xin hỏi, cô đã gặp chưa? Một lần thôi? Tôi cảm nhận trong câu thơ nỗi buồn mênh mông của sự chờ đợi mỏi mòn, đến tuyệt vọng. Vì, những kỷ niệm hồng của thời hai mươi, mười sáu, mười lăm chẳng bao giờ chịu biến khỏi ký ức, nó là nhát dao định mệnh đã một lần chém xuống, nặng tay. Nếu dễ dàng quên được, thì đời đâu còn là cõi ưu phiền, phải không?
tôi về nhớ tuổi hai mươi
nhớ trăng mười sáu, nhớ thời mười lăm
Trình tự thời gian đẩy ký ức mỗi lúc một lùi xa, và hình như càng xa càng thấy lạnh, vì có đi mòn gót chân, cũng chẳng thể sống lại phút giây ngày nào, ngày mà tình còn thơ, ở đó thơ ngây trộn chung với hồn nhiên, dại khờ, vậy mà rất đẹp, vì thời ấy mọi tính toán, được coi là khôn ngoan, chưa làm cuộc sống bẩn đi.
nhớ tình thơ đã xa xăm
nhớ ai ngồi ngóng trăm năm chuyện mình
Điều đáng nói, ai mà cô nhớ đó, giống như cô, vào một thời xa xăm, đã cùng thao thức ngóng trăm năm chuyện mình, tức là cùng mơ tới một kết thúc có hậu, vuông tròn. Nhưng trời ít khi chiều người như trong cổ tích, nên thực tế thường tàn nhẫn đánh chết ảo tưởng ngọt ngào.
tôi về nghe lại lời kinh
nghe câu thơ cổ giữa miền thinh không
Kinh là lời cầu nguyện, để được hạnh phúc, để được tròn đầy, cô đã đọc, hay đã nghe ai đó đọc ngày xưa, ở tuổi mười lăm, mười sáu, ở tuổi hai mươi, khi còn rất trẻ. Tuổi ấy, ai chẳng cầu, ai chẳng đọc, ai chẳng mơ hạnh phúc tới bạc đầu. Vậy mà…, bây giờ về đây, cô muốn nghe lại lời kinh cũ, câu thơ cổ, hay là lời tình tự ngày xưa ngọt ngào? Để làm gì hả cô? Thinh không là khoảng lặng, là lời gọi khản cổ không được hồi âm, là thế giới cô đang khắc khoải đối diện hôm nay, một thế giới rất tàn nhẫn, lạnh lùng với kẻ có lòng.
nghe thương chim hót trong lồng
nghe đau ai đứng bên sông ngậm ngùi
Con chim trong lồng, nhớ trời cao rộng, vẫn cố hót, còn con người trong lồng, khác đi là bó tay, bất lực trước số phận thì sao? Thôi đành dành cho nó một chút thương. Ai ở đây chính là cô, phải không T. Hương? Chỉ mình cô đứng bên sông ngậm ngùi, vậy thì đau thật, nỗi đau của người trở về không gian cũ, ngậm ngùi nhớ lại một thời lỡ mất, một tình yêu lỡ tan.
tôi về tìm bóng ngày vui
tìm hương xưa cũ, tìm mùi tháng năm
Vậy là cô đã có những ngày vui, xin chúc mừng cô. Nhưng hiện thời ngày vui chỉ còn lại chiếc bóng gợi nỗi ngậm ngùi. Vậy cô tìm để làm gì, chỉ thêm đau, thế mà hầu như tất cả chúng ta, trong phút yếu lòng, vẫn mong tìm lại chút bóng ngày vui, khờ thật! Còn hương xưa cũ là gì nhỉ? Tôi muốn hiểu theo hai nghĩa, “hương thời gian” kiểu Đoàn Phú Tứ, và Thanh Hương của những năm mười lăm, mười sáu, rồi hai mươi. Cả hai nghĩa đều hợp, và cả hai đều là xưa cũ, vi thực sự đã mất từ lâu rồi, mất từ khi thực tế lia nhát dao đồ tể, chém chết hạnh phúc rất khát khao, mà cũng rất mong manh của con người. Tới đây, lại xin chia sẻ với cô. Và cũng bàng hoàng chợt ngó lại chính mình. Rồi thở dài.
tôi về đây giữa mùa trăng
bâng khuâng nghe tiếng ăn năn gọi mời
mùa trăng là thời gian đẹp trong một tháng. Cô về giữa mùa trăng có thấy đẹp không? Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chuyện thường tình. Đôi khi “người buồn” mà trời vẫn cứ hớn hở thản nhiên, đó là sự tương phản tột cùng giữa trời và người, sự tương phản càng làm nỗi đau lớn thêm, tôi muốn nói tới câu thơ của T. Hương, cô về giữa mùa trăng, mà chỉ nghe thấy tiếng ăn năn gọi mời. Thế mới biết ông trời đôi khi vẫn thích chơi trò quái ác đối với con người nhỏ nhoi, bất lực.
tôi về đây kiếm tôi ơi
nghìn năm sau vẫn mù khơi một người
Cô về đây, muốn kiếm tôi nào? Thêm một chữ ơi để gọi về, để đánh thức. Chữ ơi đơn giản, mà nghe sao thấy xót xa. Xin hỏi lại, cô đang kiếm tôi của quá khứ hay tôi hiện tại? Tôi của quá khứ đẹp lắm, nhưng hình như đã chết rồi. Còn tôi hiện tại, cô thử nhìn kỹ lại xem. Đó, đó, đang hiện diện giữa cuộc đời, đang xôn xao cười cợt với cuộc đời, mà có đúng là cô không? Không cần câu trả lời, tôi cũng biết rồi.
Hay cô về đây còn để kiếm một người khác nữa, vô ích thôi, nghìn năm sau vẫn mù khơi, cô chẳng kiếm nổi đâu. Quá khứ đã chết rồi, và cả cô lẫn người ấy thời xưa cũ hình như cũng chết rồi.
Thôi thì chôn nó đi. Nói vậy mà không phải vậy. Có dễ đâu. Đó chỉ là lời an ủi rỗng ruột. Hình như trong cõi đời này, dù muốn, chẳng ai chôn được quá khứ bao giờ. Thôi thì, cứ vui với cái mình đang có. Lại thêm một lời khuyên rỗng ruột, đem trả lại sách vở cho rồi.

Tôi thích thơ Thanh Hương vì ngôn ngữ mềm mại, trong sáng, mà vẫn sâu lắng, đi thẳng vào cảm xúc của bất cứ ai một lần tìm đến với cô, đúng hơn là thơ của cô. Nó khác thứ thơ “trí tuệ”, cố làm dáng trí thức, cầu kỳ một cách dở hơi. Thơ cần tấm lòng trang trải, chứ không cần sự đẽo gọt của tay thợ. Và nếu chưa đủ độ chín, thứ thơ chỉ chuyên làm dáng sẽ trở thành những mảnh ghép vàng thau lẫn lộn, rất vụng về.

Vũ Lưu Xuân
01-09-2011

Vũ Lưu Xuân là bút hiệu của Vũ Mạnh Thường, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Việt Hán, khóa 1964-1968. Hiện ông cư ngụ tại Sài Gòn và chuyên về dịch thuật. Hội họa cũng là một đam mê mà ông theo đuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: tập truyện "Hương Hồng Quế" do Cội Nguồn ấn hành năm 2009.