]]>

19 tháng 8, 2011

một vài cảm xúc khi đọc thơ t.t.hương

“Đọc thơ người”

Theo tôi, sự khác nhau cơ bản giữa truyện và thơ là ở chỗ: truyện gây nên ở người đọc ấn tượng về một quá trình, còn thơ tạo nên ở người đọc ấn tượng về một trạng thái. Nói cách khác, ấn tượng thẩm mỹ ở truyện mang tính thời gian, còn ở thơ thì phi thời gian.

Ấn tượng thẩm mỹ phi thời gian ở thơ về bản chất là sự kích hoạt bằng văn bản những ký ức, "thơ có vần điệu nhịp nhàng gây nên những hiệu ứng rất khác ở người nghe. Mức độ thôi miên giúp họ giải toả bằng tưởng tượng các mâu thuẫn trong đời thực, đi vào một thế giới bớt mang tính cá nhân nơi họ và có nhiều điều chia sẻ với kẻ khác hơn - rhythmical poetry produces quite different effects in listeners; the degree of hypnosis exerted enables them to resolve the discords of reality in fantasy, entering a less individualized world where they have more in common with other people" (Denys Thompson, 1978, The Uses of Poetry, Cambridge: Cambridge U.P.)

Mức độ thôi miên càng tăng ở các câu thơ lặp lại. Các câu lặp lại, ngoài tính nhấn mạnh khiến người đọc càng nhớ nhiều hơn, chúng còn tăng nỗi thấm nhập chia sẻ, càng thấm thía hồn thơ của tác giả thêm nhiều hơn, do đó , không phải chỉ hiểu hơn, mà là cảm xúc hơn.

Thi nhân đã thôi miên mình bằng sự đồng thỏa thuận về việc “đã mất nhau” về việc cùng “đã qua cầu đắng cay”, trong quá khứ :

ừ thì mình đã mất nhau
ừ thì mình đã qua cầu đắng cay

Nếu người đọc không hóa thân vào cái “mình” thì không thể nào thấy được nỗi đau xót trong tâm trạng này.
Thôi cũng đành chấp nhận cuộc tình của chúng mình “như gió như mây, như chút mưa bay cuối trời”

ừ thì như gió như mây
ừ thì như chút mưa bay cuối trời

Thi nhân đã dùng bốn chữ “Ừ thì” để diễn tả các tâm trạng buông xuôi, đành chấp nhận định mệnh phủ phàng vậy. Chuyện quá khứ buồn bã tưởng đã xa rồi, nhưng không, tâm trạng hãy còn vương vấn tồn tại đến ngày hôm nay :

hôm nay ngồi nhớ mưa đông
hôm nay ngồi đếm mênh mông lạnh lùng
...
hôm nay ngồi ngó cơn mưa
hôm nay gom hết hương xưa gởi người

Ôi Hoa khổ đau (Fleurs du mal) sao vẫn còn đeo đuổi mãi cho đến tận hôm nay vậy hở.

Rồi thì cũng đã đến lúc về. Về chốn cũ để tìm lại hương xưa, về chốn cũ để tìm lại người xưa, về chốn cũ để tìm lại cảnh xưa, để rồi :

về đây chỉ thấy mịt mùng
về đây chỉ thấy một vùng bóng đêm
về đây ngó nắng qua thềm
con tim thơ dại lại mềm nỗi đau
.....
về đây chỉ có mây trời
về đây chỉ có một thời buồn tênh.

Ôi! Nỗi buồn có giống như Chopin chăng- TRISTESSE (Chopin)

L' ombre s' enfuit.
Adieu beau rêve
Où les baisers s' offraient
comme des fleurs!...
......
Sache pourtant
Que toujours quand même,
Cher Amour, je t' aime
Éperdument...
Éperdument!...

Bài thơ cũng như bản nhạc bất hủ thật là buồn, rất buồn. Buồn mới đẹp.
Hỡi ôi !


VÕ HIẾU NGHĨA
18-08-2011


_________________________________________________________________________________


Gởi anh Đoàn Thuận một vài cảm xúc khi tình cờ đọc được bài thơ của T.Hương và lời bình của anh N.T.Trác, đăng trên Blog của anh Đoàn Thuận:http://doanthuan.wordpress.com/


"Gởi người"
Trong bài thơ “Gởi người”, mình đã nhận thấy cái đẹp đó.
Cái đẹp khi nói đến một “nửa”- Ma moitié. Một nửa là người vợ, người chồng, người yêu, hay nói cách khác, sự sống không thể có cái một nửa mà phải là sự hợp lại của hai cái “nửa”, để thành một.
Cái đẹp thứ hai là Ý đẹp . Đem một nửa này đế gán ghép, để ráp với một nửa kia thành MỘT, tức là thành cái trọn vẹn, cái hoàn chỉnh.
Cái đẹp thứ ba là CẤU TRÚC đẹp. Người thơ đã phân chia bốn cái “nửa” :
nửa đóa hoa;
nửa mảnh gương;
nửa chiếc khăn;
nửa giấc mơ
rồi sau đó kết hợp lại thành bốn cái MỘT tuyệt vời.
Bài thơ này khiến ta nhớ nhiều hơn đến
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”.

Nửa đóa hoa, nửa đóa hoa gì đây, có phải là HOA KHỔ ĐAU chăng, có phải là tình yêu nửa chừng gảy gánh chăng. Làm sao để giải phẩu xén cắt vật lý để xem phải xén ngang hay xén dọc. Ôi, hoa đau khổ cho dù khổ đau một hay khổ đau một nửa, thì cũng vậy mà thôi. Làm sao để có thể nói rằng tôi đang đau khổ một phần tư, một phần năm đây. Chỉ là để dành lại chút vấn vương khổ đau xưa để nhớ để thương một người ở xa, rất xa.
Nửa mảnh gương, bởi vì một mảnh gương trọn vẹn đã từng ghi bóng hình hai người bên nhau. Và nửa mảnh gương, có phải là chỉ còn lại người lẻ bóng, soi lại và ngóng trông “từng nhân ảnh, nơi tháng năm nào thuở nhớ thương”.
Nửa chiếc khăn kia, từ một chiếc khăn toàn bích, ghi lại nỗi lạnh lẻo, nỗi ấm áp được xẻ chia, hương của quá khứ. Gói lại để dành lấy hương xưa và cũng nói lên tình yêu sẽ mãi tồn tại, mãi thổn thức cho đến cuối đoạn hồng trần. Trong quan tài hoang lạnh.
Nửa giấc mơ. “Tôi gởi cho người nửa giấc mơ”, đó có phải là nửa phần giấc mơ đau khổ từ cuộc chia ly. “Nửa kia tôi cất để mong chờ”... giây phút tái ngộ, tái sum hợp. Và thi nhân sẽ được hưởng một giấc mơ toàn bích: “mộng sẽ êm đềm hơn cả mơ”.

VÕ HIẾU NGHĨA
15-08-2011

Võ Hiếu Nghĩa là cựu SV ĐHSPSG, ban Lý Hóa, khóa 1961-1965. Trước đây ông đã dạy tại trường Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm đồng thời là Hiệu trưởng Trường Tân Văn ở Cần Thơ. Sau 1975, ông tiếp tục dạy học tại Võ Trường Toản và Bùi Thị Xuân ở Sàigòn. Hiện nay ông đang hưu trí ở Sàigòn.
Website Võ Hiếu Nghĩa:  http://www.vohieunghia.com/